Thực trạng trồng và chế biến cói
Qua khảo sát thực tế cho thấy, diện tích vụ cói đông xuân của tỉnh Ninh bình có 336 ha, giảm 151,3 ha so với vụ đông xuân 2007; năng suất bình quân ước đạt gần 77 tạ/ha, giảm 5,95 tạ/ha; sản lượng cói ước đạt 2.586 tấn, giảm 1.581 tấn. Nguyên nhân dẫn đến diện tích, năng suất và sản lượng cói giảm là do giá cói vụ mùa 2007 xuống thấp, cói từ 1,2 - 1,5 m giá bình quân chỉ khoảng 2.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến cói của tỉnh cũng gặp khó khăn không ký được nhiều hợp đồng làm hàng cói. Vì vậy lượng cói tồn kho vụ mùa chuyển sang đầu năm 2008 còn khá nhiều, làm cho giá cói tiếp tục giảm và hiện nay chỉ còn 1.200 - 1.600 đồng/kg. Ước tính năng suất cói vụ đông xuân đạt 77 tạ/ha và giá cói trên thị trường hiện nay khoảng 1.600 đồng/kg thì người trồng cói sẽ bị thua lỗ trên 10 triệu đồng/ha. Các yếu tố này đã làm cho một số hộ dân không tiếp tục duy trì diện tích cói đã có, không trồng mới, việc chăm sóc cói cũng không được quan tâm đầu tư nên cả diện tích và năng suất cói cũng giảm so với năm trước và không đạt kế hoạch đã đề ra trong Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy.
Báo cáo của Công ty Nông nghiệp Bình Minh cho biết: Vụ cói đông xuân năm nay toàn Công ty có 684 hộ trồng cói với tổng diện tích 205 ha. Tranh thủ thời tiết nắng, Công ty đã chỉ đạo, đôn đốc các hộ từ ngày 26-5 xuống đồng thu hoạch cói đông xuân năm 2008, nhưng tiến độ thu hoạch diễn ra rất chậm. Đến ngày 30-6 mới có 450/684 hộ ra thu hoạch với tổng diện tích 104 ha, đạt 51% diện tích. Những diện tích thu hoạch sớm, năng suất ước đạt 77 tạ/ha.
Một số diện tích thu hoạch muộn, cói đã xuống bộ, thối, chết và người lao động không tận thu nên năng suất bình quân chỉ còn 30 tạ/ha. Nguyên nhân tiến độ thu hoạch cói chậm là do giá cói hiện nay xuống quá thấp, bình quân khoảng 1.000 đồng/kg, có những lúc chỉ còn 800 đồng/kg... nên hộ trồng cói không muốn thu hoạch sản phẩm. Đồng cói đã hoang hóa dần, những diện tích không thu hoạch cỏ mọc lấn sang diện tích đã thu hoạch ngay trong cùng 1 lô. Đây là những yếu tố tác động trực tiếp tới sản xuất cói vụ mùa năm 2008.
Giải pháp để duy trì và phát triển nghề cói
Để duy trì và phát triển nghề cói, các cấp, các ngành và doanh nghiệp chế biến cói cần sớm triển khai những giải pháp nhằm giúp các hộ trồng cói vượt qua khó khăn hiện tại. Trước tiên ngành Nông nghiệp & PTNT, huyện Kim Sơn và Công ty
Nông nghiệp Bình Minh tiếp tục chỉ đạo, vận động các hộ trồng cói tập trung thu hoạch hết diện tích cói hiện có.
Công ty Nông nghiệp Bình Minh tính toán, định ra mức thu khoán hợp lý đối với các hộ nhận khoán trồng cói như giảm khoản thu phân bổ giống, công bảo vệ, chi phí quản lý... để các hộ bù đắp khoản lỗ trong thời gian giá cói đang thấp nhằm giúp bà con giữ lại và duy trì diện tích cói đang có.
Các doanh nghiệp chế biến cói tăng cường công tác xúc tiến thương mại, nắm bắt nhu cầu thị trường, tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm cói Kim Sơn. Riêng các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều cói từ nay đến cuối năm thì khẩn trương xây dựng phương án và phối hợp với Công ty Nông nghiệp Bình Minh, các đại lý thu mua cói cho các hộ trồng tránh tình trạng bà con bị tư thương ép giá.
Các ngành Công thương, Nông nghiệp & PTNT, huyện Kim Sơn và Hiệp hội ngành theo dõi chặt chẽ nhu cầu thị trường và tình hình tiêu thụ cói của các doanh nghiệp, đề xuất phương án duy trì diện tích cói hiện có hoặc cho các hộ trồng cói chủ động sản xuất, kinh doanh cói theo cơ chế thị trường.
Thanh Chiên