Kết quả thanh tra cho thấy, ở các cửa hàng đầu mối tại thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp đều bảo đảm đầy đủ thủ tục pháp lý kinh doanh. Hàng hóa có đủ tem, nhãn, tem nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Chủng loại mũ khá phong phú, có tới 23 mẫu mũ bảo hiểm được bày bán và có niêm yết giá rõ ràng. Về chất lượng, các loại mũ bảo hiểm đều được các cơ sở sản xuất theo TCVN 5756:2001 và TCVN 6979:2001. Các cửa hàng đầu mối có đủ các loại mẫu mã mới nhất, cách điệu và thời trang, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ.
Khi kiểm tra các cửa hàng bán lẻ cũng cho kết quả tương tự. Song tại các chợ, cửa hàng ở vùng sâu, vùng xa cũng còn một số ít cửa hàng còn bày bán trà trộn mũ bảo hiểm có nguồn gốc từ Trung Quốc như: Honda, Amoro, Amalo... không bảo đảm chất lượng.
Đặc biệt, được sự cộng tác của các Tổng đại lý, Đoàn thanh tra đã phát hiện hành vi gian lận thương mại bán hàng nhái, hàng giả là các loại mũ đắt tiền như mũ mang nhãn mác Honda, Andes... Ví dụ như mũ Honda, nhìn bề ngoài mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc và tem, nhãn mác cho thấy giống nhau như đúc..., song mũ Honda giả không có tem bảo hành đính ở phía trong mũ và phần mút đệm không cứng, ấn tay thấy lún. Mũ chính hiệu có giá mua vào 150.000 đồng, bán ra 170.000 đồng; còn mũ Honda giả có giá mua vào 50.000 đồng, bán ra 120.000 đồng. Nếu khách hàng không tinh sẽ khó phát hiện ra loại mũ giả bày bán.
Mũ bảo hiểm giả tại Kho lưu trữ của Đội quản lý thị trường số 6-thị xã Tam Điệp
Trong đợt thanh tra đột xuất này, khi làm việc với Đội quản lý thị trường số 6 (thị xã Tam Điệp), Đoàn kiểm tra đã được xem 410 mũ bảo hiểm mang nhãn Amoro, Amalo bị bắt giữa đang lưu kho chờ xử lý. Đây là các lô hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, bắt giữ trên 3 xe ôtô khi lưu thông qua địa bàn thị xã Tam Điệp. Số hàng trên được xem là hàng lậu vì không có thủ tục hóa đơn, chứng từ, lái xe nhận vận chuyển đến địa chỉ chủ hàng, sau khi bị bắt giữ, chủ hàng bỏ luôn không đến làm thủ tục xử lý.
Điều thực tế thu được trong đợt thanh tra đột xuất là thị trường mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến theo hướng tích cực. Các cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm đã chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh mũ bảo hiểm, tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng đã được giảm thiểu tới mức thấp nhất. Song vẫn còn những hành vi gian lận thương mại, hàng nhập lậu trôi nổi trên thị trường với những thủ pháp tinh vi hơn. Vì vậy, cùng với các hoạt động quản lý, thanh tra của Nhà nước, người tiêu dùng cần tự bảo vệ quyền lợi của chính mình bằng cách cần xem xét kỹ mẫu mã, tem nhãn, nguồn gốc mũ bảo hiểm trước khi mua và chỉ nên mua hàng ở các cửa hàng đại lý tin cậy.
Bài,ảnh: Đỗ Huy Bảng