Để hiểu rõ hơn về việc triển khai quyết định này trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, phóng viên báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh.
Phóng viên (PV): Ngày 23/01/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 131/QĐ-TTg về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất-kinh doanh (SXKD). Xin đồng chí cho biết những đối tượng chủ yếu nằm trong phạm vi được hỗ trợ lãi suất?
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng: Căn cứ Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 23/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 02/2009/TT-NHNN ngày 3/2/2009 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đối tượng được hỗ trợ lãi suất bao gồm: Các tổ chức, cá nhân vay vốn của các NHTM để thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh ở trong nước. Loại cho vay được hỗ trợ lãi suất: Các khoản cho vay ngắn hạn (thời hạn cho vay đến 12 tháng) bằng đồng Việt Nam theo các hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/2/2009 đến ngày 31/12/2009.
Đó là các khoản cho vay mà khách hàng vay sử dụng để làm vốn lưu động cho hoạt động SXKD được thống kê theo phân ngành kinh tế quy định tại chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các đơn vị thuộc NHNN Việt Nam và các tổ chức tín dụng ban hành theo quyết định số 477/2004/QĐ-NHNN. Các khoản cho vay mà khách hàng vay sử dụng để làm vốn lưu động cho các hoạt động SXKD như xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp theo quy định của pháp luật hiện hành, các lĩnh vực xã hội hóa theo quy định tại Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 8 tháng kể từ ngày giải ngân, áp dụng trong năm 2009 đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/2/2009 đến 31/12/2009. Các khoản vay có thời hạn vượt quá năm 2009 thì được hỗ trợ lãi suất đối với khoảng thời gian vay trong năm 2009. Mức lãi suất hỗ trợ 4%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay thực tế nằm trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2009 đến 31/12/2009. Về phương thức thực hiện hỗ trợ lãi suất, đến kỳ hạn thu lãi, khi thu lãi tiền vay của khách hàng, NHTM giảm trừ ngay số lãi tiền vay phải trả của khách hàng bằng với số lãi tiền vay đã hỗ trợ lãi suất.
PV: Đồng chí có thể đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình?
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng: Chính sách hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn thực chất là việc ngân hàng cung cấp tiền vay với lãi suất thấp cho các tổ chức và cá nhân SXKD. Trong điều kiện nền kinh tế bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, chính sách hỗ trợ lãi suất cho là một cơ hội để các DN, hộ SXKD ở Ninh Bình có điều kiện giảm chi phí, giảm giá thành, ổn định SXKD, tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, nguồn vốn này sẽ có tác dụng kích cầu đầu tư thông qua tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn đối với các tổ chức, cá nhân thúc đẩy, phục hồi sản xuất, nhất là những mặt hàng xuất khẩu, những ngành nghề truyền thống có thế mạnh của Ninh Bình.
PV: Vậy tình Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai thực hiện ở Ninh Bình như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng: Quán triệt tinh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN Việt Nam, NHNN Việt Nam chi nhánh Ninh Bình đã triển khai Quyết định số 131/QĐ-TTg về hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn Ngân hàng để sản xuất kinh doanh và Thông tư 02/2009/TT-NHNN quy định chi tiết thi hành hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức và cá nhân vay vốn để SXKD, tới giám đốc các chi nhánh NHTM và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương (QTDNDTƯ) trên địa bàn tỉnh. NHNN tỉnh đã chỉ đạo các NHTM và QTDNDTƯ nhanh chóng triển khai, quán triệt đến toàn thể cán bộ, CNV và tuyên tryền sâu rộng đến khác hàng và các đoàn thể quần chúng có liên quan. Thông báo công khai, rộng rãi đến tất cả các khách hàng vay vốn, chính sách hỗ trợ lãi suất của Nhà nước cùng các thủ tục cần thiết để được hỗ trợ. Hiện nay, tất cả các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc cho vay cấp bù lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để SXKD.
PV: Đối tượng và địa bàn được hỗ trợ lãi suất trên địa bàn tỉnh nhiều và phức tạp, đồng chí có thể cho biết những giải pháp cụ thể nhằm hạn chế những rủi ro về tín dụng, đặc biệt là phòng ngừa những tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình thực thi Quyết định 131/QĐ-TTg ?
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng: Hiện nay, trên địa bàn Ninh Bình có 5 Chi nhánh NHTM và QTDNDTƯ với tổng dư nợ cho vay trên 8.000 tỷ đồng. Như vậy, số khách hàng vay vốn được hỗ trợ lãi suất là rất lớn, tập trung vào các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh cả ở khu vực thành thị và nông thôn. Vì vậy, để ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực trong tín dụng, NHNN tỉnh yêu cầu các NHTM phải công khai, minh bạch rõ ràng về đối tượng vay, mục đích sử dụng vốn vay theo Quyết định 131 tại từng Chi nhánh, nơi cho vay.
Thực hiện việc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay để việc hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt thường xuyên kiểm tra sau khi cho vay nhằm kịp thời phát hiện những tiêu cực có thể xảy ra như cán bộ tín dụng bắt tay với khách hàng để thực hiện đảo nợ. Bên cạnh đó, NHNN Ninh Bình còn yêu cầu các chi nhánh NHTM, QTDNDTƯ quán triệt cho các cấp ủy Đảng, chuyên môn, đoàn thể chỉ đạo CB- CNV nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức đạo đức, lương tâm nghề nghiệp để thực hiện tốt chương trình, hạn chế những thiếu sót không đáng có.
Nhân đây, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan truyền thông đại chúng như Báo Ninh Bình, Đài PTTH Ninh Bình tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương vay vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ theo Quyết định 131 để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tiếp cận kịp thời với nguồn vốn ưu đãi, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội theo đúng mục tiêu đã đề ra.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Quốc Khang (Thực hiện)