Theo đánh giá của ngành chức năng, việc tham gia giao thông của các phương tiện trên tuyến đường thủy so với các tỉnh, thành phố khác thì ở Ninh Bình không nhiều và không phức tạp. Trên toàn bộ các tuyến chỉ có tuyến sông Đáy, sông Vạc và kênh nhà Lê, phương tiện tham gia giao thông đông hơn. Nếu như trung bình một ngày, trên tuyến đường bộ tại Quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh có khoảng 3.000 lượt phương tiện tham gia giao thông thì trên tuyến giao thông thủy lưu lượng phương tiện tham gia là 60 - 70 lượt/ngày tại sông Đáy; 30 lượt/ngày ở sông Vạc.
Mặc dù không gây bức xúc như nhiều địa phương khác trong cả nước nhưng giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số điểm phức tạp, vấn đề khó khăn như hoạt động của các đò ngang không đảm bảo, nhiều phương tiện tham gia giao thông không có đăng kiểm, đăng ký, trang thiết bị an toàn, chứng chỉ chuyên môn, bằng lái…
Cảnh sát giao thông đường thủy kiểm tra chủ phương tiện. Ảnh: Vũ Văn Công .
Theo điều tra mới đây nhất, toàn tỉnh có gần 2.000 phương tiện thủy các loại, trong đó phương tiện chở khách có 69 chiếc (36 chiếc đã đăng kiểm, 36 chiếc đã đăng ký, chiếm 52,17%); 749 phương tiện tự hành (392 phương tiện đã đăng kiểm, 317 phương tiện đã đăng ký); 218 phương tiện đánh bắt thủy, hải sản (3 phương tiện đánh bắt xa bờ ở Kim Sơn, 215 phương tiện của người dân làm nghề chài lưới), còn lại là các phương tiện như tàu kéo đẩy, sà lan, các đò ngang trong các khu, điểm du lịch…
Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng thường gặp cản trở như không có bến bãi trông giữ phương tiện vi phạm; việc xử phạt chỉ tiến hành xử phạt ngay, không thực hiện được việc cưỡng chế bởi những chiếc thuyền, đò thường là phương tiện kiếm sống, thu nhập chủ yếu của cả gia đình làm nghề sông nước, nếu thu giữ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ; đối tượng vi phạm khó chấp hành vì số tiền phạt cao.
Một trường hợp vi phạm thường mắc cùng lúc nhiều lỗi như không có đăng kiểm, đăng ký, chứng chỉ, bằng lái, thiết bị an toàn, chở hàng hóa quá vạch mớn nước an toàn, vi phạm quy định về tín hiệu…, do vậy mức xử phạt cao, khoảng từ 2 - 3 triệu đồng/lượt. Trong khi đó, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đến công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy chưa cao.
Nhiều địa phương có hoạt động đò ngang dùng chuyên chở học sinh đi học, hàng hóa trên một số tuyến sông ở Nho Quan, Gia Viễn chưa cử người đi học để có các chứng chỉ chuyên môn, bằng lái. Người dân làm nghề chài lưới, buôn bán, vận chuyển trên sông nước có đời sống, kinh tế khó khăn nên không có điều kiện đầu tư nâng cấp tàu, thuyền, đò; nhiều phương tiện làm, gia cố, lắp đặt bằng phương pháp thủ công, không đảm bảo kỹ thuật an toàn khi vận hành, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao.
Trước tình trạng trên, dưới sự chỉ đạo của Công an tỉnh, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Tuy lực lượng còn mỏng, với 10 cán bộ, chiến sĩ nhưng trong những năm qua, cảnh sát giao thông đường thủy đã khắc phục khó khăn, tích cực tổ chức tuần tra, bám chắc, sát địa bàn. 2 tổ tuần tra của cảnh sát giao thông đường thủy, mỗi tổ từ 4 - 5 người thường xuyên hoạt động kiểm tra lưu động trên các tuyến sông, nhất là sông Đáy, sông Vạc, kênh nhà Lê.
Một năm, lực lượng cảnh sát duy trì kiểm tra đồng loạt 2 lần tất cả số đò ngang trong tỉnh vào trước mùa mưa bão và trước Tết Nguyên đán. Nhờ đó, ý thức của người tham gia giao thông thủy đã được nâng lên; việc neo đậu đảm bảo quy định, hạn chế đến mức thấp nhất các đối tượng vi phạm luật; không để xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc.
Lực lượng cảnh sát giao thông thủy còn tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo tốt an toàn giao thông trên các tuyến. Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy đã tiến hành lập biên bản 984 trường hợp vi phạm, phạt tiền 185 triệu đồng. Có 292 trường hợp vi phạm vì không có chứng nhận đăng ký phương tiện; 227 trường hợp không có chứng chỉ, bằng chuyên môn; 164 trường hợp vi phạm quy định về tín hiệu; 123 trường hợp chở hàng quá vạch mớn nước an toàn… Đối với các vi phạm, bên cạnh việc lập biên bản xử phạt, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy còn ra các thông báo gửi xuống các địa phương, nơi quản lý các phương tiện để phối hợp, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm.
Công tác tuyên truyền, phổ biến được quan tâm, chú trọng. Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát thủy đã tổ chức 19 buổi tuyên truyền lưu động trên các tuyến sông chính như sông Đáy, sông Vạc, sông Bôi…; mở hội nghị tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy và Nghị định 09/NĐ-CP tới 3.000 lượt thuyền viên và những người hành nghề trên sông. Cấp phát 2.540 tờ rơi về an toàn giao thông đường thủy cho các đối tượng tham gia, kẻ 25 panô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền. Phối hợp với Cảng vụ Ninh Bình, bảo vệ cảng và các lực lượng khác phát động quần chúng nhân dân khu vực cảng Ninh Bình, Ninh Phúc tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; duy trì 2 tổ tự quản ở khu vực cảng; củng cố, giữ vững phong trào "Bến cảng bình yên"…
Hoàng Tâm