Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 30 đơn vị hoạt động tuyển lao động xuất khẩu, tăng 16 đơn vị so với năm 2005. Từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã đưa 5.717 lượt người đi lao động có thời hạn ở các thị trường có nhu cầu lao động như: Đài Loan, Malaixia, Quatar, Cộng hòa Séc... Vài năm trở lại đây, người dân đã hướng tới thị trường khó tính nhưng thu nhập cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh XKLĐ, Ninh Bình đã triển khai nhiều biện pháp như: Đẩy mạnh việc giới thiệu đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; coi việc XKLĐ là một trong những giải pháp để góp phần xóa đói, giảm nghèo. Từ tỉnh đến cơ sở đều thành lập Ban chỉ đạo XKLĐ, thường xuyên tuyên truyền, quán triệt tới các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân hiểu rõ được tầm quan trọng của công tác XKLĐ. Hỗ trợ tiền học giáo dục định hướng cho các đối tượng chính sách, người nghèo (400.000 đồng/đối tượng). Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội còn tạo điều kiện để các đối tượng chính sách được vay vốn có mức lãi suất 0,65%/tháng với mức cho vay tối đa là 30 triệu đồng/lao động. Đặc biệt, thực hiện đề án giảm nghèo đến năm 2010, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ tiền đào tạo giáo dục định hướng và học tiếng cho lao động thuộc 23 xã nghèo là 1 triệu đồng/1 người. Những đối tượng này sẽ được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn, với mức tối đa là 50 triệu đồng/người (nếu lao động có nhu cầu).
Những giải pháp trên dù đã được triển khai, nhưng về thực chất hiệu quả chưa cao. Bởi hiện nay, ở Ninh Bình việc XKLĐ chủ yếu thông qua các đơn vị ở ngoài tỉnh nên luôn bị động về thị trường, về số lượng; lệ phí XKLĐ còn cao, vượt quá khả năng tài chính của số đông lao động. Công tác quản lý, chỉ đạo, theo dõi các đơn vị hoạt động XKLĐ trên địa bàn chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, thị trường lao động xuất khẩu có nhiều biến động, một số tập thể, cá nhân lợi dụng chủ trương XKLĐ của Nhà nước để lừa đảo người lao động, làm ảnh hưởng đến tâm lý của những người đang có nhu cầu đi lao động xuất khẩu. Mặt khác, người lao động chưa chuẩn bị tốt về tay nghề cũng như tác phong công nghiệp, có tâm lý lo lắng "xảy nhà ra thất nghiệp" nơi "đất khách quê người"... dẫn đến tình trạng một số người phải về nước trước thời hạn. Song, cái khó nhất đối với công tác XKLĐ là vốn. Một nghịch lý mà nhiều ngân hàng đang vấp phải đó là, có vốn nhưng lại không thể giải ngân. Ông Lê Hữu Báu, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Hiện nay, tiến độ giải ngân cho XKLĐ của Ngân hàng rất "chậm". Theo kế hoạch, trong năm 2008, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ giải ngân 21 tỷ đồng cho công tác XKLĐ.
Lao động Việt nam đang làm việc tại Malaixia.
Trong 8 tháng đầu năm, Ngân hàng đã cho 629 lao động vay vốn, với tổng số tiền là 11 tỷ 818 triệu đồng. Như vậy, còn hơn 9 tỷ đồng chưa được giải ngân. Một trong những nơi mà người đi XKLĐ cũng thường vay vốn đó là Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT. Nhưng giống như Ngân hàng Chính sách xã hội, số người đủ điều kiện để được vay vốn đi XKLĐ là rất ít. 8 tháng đầu năm, dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT khoảng 30 tỷ đồng, trong khi đó tổng số tiền cho vay XKLĐ chỉ là 4 tỷ đồng. Sở dĩ có tình trạng này là do các ngân hàng đang gặp phải khó khăn về cơ chế vay vốn cho người đi XKLĐ. Theo quy định, đối với Ngân hàng Chính sách, chỉ các đối tượng chính sách và hộ nghèo mới được vay vốn không phải thế chấp. Do đó, những đối tượng "cận nghèo" có nhu cầu đi XKLĐ thì lại không được vay. Nhưng khi muốn vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT thì buộc phải thế chấp tài sản. Mà phần lớn những đối tượng "cận nghèo" thường có tài sản không đủ giá trị thế chấp để được vay số vốn cần thiết. Như vậy có thể thấy, các hộ "cận nghèo" là những người khó được vay vốn để đi XKLĐ.
Những tồn tại trong công tác XKLĐ do nguyên nhân chủ quan cũng cần nói tới, đó là quyết tâm và hiểu biết cơ bản của những người muốn đi lao động ở nước ngoài chưa cao. Theo ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và thương mại hàng không cho biết: Khi tuyển lao động là người Ninh Bình đi xuất khẩu lao động, chúng tôi luôn phải trả lời những câu hỏi đại loại như: Nộp hồ sơ và lệ phí tuyển dụng thì sau 1 tháng có đi được không? Không học tiếng, không học định hướng, không có tay nghề có đi được không? Lương tháng bao nhiêu, có cao không?... Trong khi đó, theo quy định thì bắt buộc người lao động phải học tập trung về định hướng, học ngoại ngữ trong thời gian 2 tháng, phải có chứng chỉ ngoại ngữ mới có thể đi XKLĐ. Mặt khác, những thị trường lao động có thu nhập cao: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... lại yêu cầu rất cao đối với người lao động như phải thông thạo tiếng, có tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật cao... Những điều này thì nhiều người lao động vẫn chưa đáp ứng được.
Thực tế trên đặt ra cho công tác XKLĐ ở Ninh Bình cần sớm có biện pháp khắc phục, để XKLĐ thực sự là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm nghèo và làm giàu cho người dân. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương cũng như gia đình người lao động cần tuyên truyền, giáo dục để con em đi lao động ở nước ngoài có ý thức tổ chức kỷ luật cao trong lao động, cần cù, chịu khó, tiết kiệm... để gìn giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, quê hương và hơn hết là giữ gìn danh dự của Tổ quốc. Tăng cường quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng lợi dụng XKLĐ để có những hành vi vi phạm pháp luật, làm giảm niềm tin của những người đang có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài. Đồng thời, các doanh nghiệp cần lựa chọn thị trường phù hợp với năng lực và khả năng tài chính của người lao động để giới thiệu đi xuất khẩu. Đặc biệt, trong việc tạo vốn cho người lao động đi xuất khẩu, nhất là đối với những đối tượng "cận nghèo" thì cần có cơ chế hợp lý, thông thoáng hơn nữa... Tháo gỡ được những khó khăn trên thì bài toán về XKLĐ ở Ninh Bình sẽ không còn là vấn đề nan giải. Có như vậy, mục tiêu từ nay đến năm 2010, mỗi năm đưa được khoảng 1.700 - 2.000 lượt người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài của Ninh Bình mới thực hiện được.
Đức Nghĩa