Tuy không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết nhưng tục xin chữ và cho chữ những năm gần đây đang dần được khôi phục và trở thành nét văn hóa đầu Xuân. Tại Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, du khách thập phương đã có thể xin chữ cầu cho một năm mới thành đạt, may mắn. Từ mùa Xuân năm Nhâm Thìn 2012, Đại đức Thích Minh Quang, trụ trì chùa Đọ, xã Khánh Thiện (Yên Khánh) và chùa Gác Chuông, xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình) đã khơi dậy tục xin và cho chữ đầu năm tại Đền thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình) với mong muốn số tiền quyên góp được từ những người xin chữ sẽ đóng góp vào Quỹ Khuyến học của tỉnh, góp phần có thêm những học sinh nghèo vượt khó học giỏi, học sinh học giỏi xuất sắc được động viên, trao thưởng kịp thời… Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê
Ngày 14 tháng Giêng hàng năm, người dân làng Nộn Khê, xã Yên Từ (Yên Mô) đều tổ chức Lễ hội Báo bản, báo đáp công ơn của tiền nhân theo ý nghĩa: "Uống nước nhớ nguồn". Ngày Báo bản là ngày hội tụ của con cháu thuộc các dòng họ đang công tác, học tập, lao động từ "bốn phương" về.
Tế lễ tại Lễ hội Báo bản Nộn Khê (Yên Từ, Yên Mô)Dân làng không chỉ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên hiền, khai hoang lập ấp, mà còn dâng hương tưởng nhớ, biết ơn các liệt sĩ con em của làng đã hy sinh anh dũng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Sau lễ tế là một chương trình gặp mặt đồng hương đầy ý nghĩa được tổ chức tại nhà văn hóa. Đây là dịp cán bộ và nhân dân trong làng thông báo cho con em quê hương đang công tác tại các miền đất nước nắm được tình hình phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đồng thời tổ chức lễ tuyên dương các cháu có thành tích học tập xuất sắc trong năm qua. Nét đặc sắc mà lễ hội Báo bản Nộn Khê còn giữ được đó là hai phiên chợ đêm vào tối ngày 12 và 13 tháng Giêng thu hút hàng nghìn người về dự với nhiều món ăn dân dã mang đậm hương vị quê hương như: bánh đúc, bánh gai, bánh quấn, bún riêu, bún ốc... Những du khách đến với lễ hội còn được tham gia các trò chơi dân gian và các môn thể thao: bóng đá, cầu lông, đu quay, đu tiên, tổ tôm điếm, cờ tướng, chọi gà, leo cầu phao, thi bắt vịt... Lễ hội Báo bản được tiến hành vừa nghiêm cẩn, linh thiêng, vừa rộn ràng, ấm áp. Sau những ngày lễ hội, người dân Nộn Khê lại phấn chấn bước vào một mùa làm ăn mới với niềm mong ước "nhân khang vật thịnh" hơn năm trước.
Lễmừng thọ
Trong tâm thức dân gian, người cótuổi thọvàgia đình cóngười cao tuổi làcó phúc lớn, cóphúc nên mớiđược sống lâu, mới có con cháu đề huề. Mừng thọ cũng chính là mừng cái phúc ấy. Từ lâu Tục mừng thọ đã là nét đẹp văn hóa ngày xuân phát triển mạnh ở các địa phương trong tỉnh. Lễ mừng thọ được bắt đầu khi cha mẹ bước vào tuổi 60, gọi là thượng thọ lục tuần, lúc 70 tuổi là thượng thọ thất tuần, 80 tuổi là thượng thọ bát tuần, 90 tuổi là thượng thọ cửu tuần và tròn 100 tuổi gọi là bách tuế hay bách niên chi lão. Có nhiều cách mừng thọ, tùy từng điều kiện gia đình và văn hóa địa phương để tổ chức lễ mừng thọ. Những gia đình có điều kiện có thể làm lễ tế sống. Ông bà cha mẹ được mời ngồi chính giữa để con cháu đến chúc mừng, dâng rượu. Câu đối, trướng treo khắp nhà. Con cháu tổ chức liên hoan ăn uống, cỗ bàn phải có bánh chưng, rượu thịt. Đây cũng là dịp để con cháu mua tặng vật mừng cha mẹ, gọi là đồ dưỡng già như là chăn, áo ấm... Việc tổ chức mừng thọ là báo hiếu, để con cháu bày tỏ sự biết ơn ông bà, cha mẹ đã nuôi mình khôn lớn. Gia đình có người cao tuổi được coi là đại hồng phúc. Con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Chính vì vậy, việc tổ chức mừng thọ là một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng. Mừng thọ cũng là cách giáo dục, răn dạy con cháu bổn phận ăn ở có trước có sau với người đời, với xã hội. Ngày nay, ở hầu hết các địa phương, việc tổ chức mừng thọ tập thể cũng được diễn ra ở đình làng, nhà văn hóa thôn do Hội Người cao tuổi đảm nhiệm. Đây thực sự là ngày hội tuổi già được các cụ cao niêm đồng tình, hưởng ứng.
Lễ ra ngõ
Lễ ra ngõ (hay Lễ Tống Tầu) của thôn Nhân Phẩm, xã Yên Lâm (Yên Mô) diễn ra vào buổi sáng mùng 5 Tết hàng năm. Lễ ra đời từ năm 1474 (đời Hồng Đức thứ 5). Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công ơn của Hoàng đế Triệu Quang Phục và áp Lãng Chân Nhân - người có công với nước, với đã hộ giá vua đi đánh Chiêm Thành (1474). áp lãng Chân Nhân bị chết do sóng to gió lớn nơi cửa Thần Phù, vua thương tiếc cho xây đền thờ tại thôn Nhân Phẩm ngày nay. Lễ ra ngõ diễn ra với phần tế lễ cổ truyền và phần hội (gồm trò chơi đu truyền thống và vật truyền thống), thu hút đông đảo người dân trong thôn, xã. Điều đặc biệt của lễ hội là tất cả những nam giới từ 18 tuổi trở lên trong thôn không kể chức sắc đều phải tham gia. Các cụ già đội sắc, rước bảng văn, các thanh niên thì rước kiệu, trung niên rước bát biểu và long đao. Kiệu được rước từ đền Nhân Phẩm đến đình làng và từ đền Nhân Phẩm đến mộ áp Lãng Chân Nhân sau đó trở về đền chính (đền Hàng Tổng). Sau phần lễ sẽ diễn ra phần hội sôi nổi với các trò chơi vật truyền thống và chơi đu.
Lễ khai hạ
Lễ khai hạ (lễ hạ cây nêu) của cộng đồng người Mường ở khu dân cư thôn Nga 1, Nga 2 và Nga 3 (xã Cúc Phương, Nho Quan) diễn ra vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Đây là nghi lễ truyền thống hàng năm, cứ sau dịp Tết Nguyên đán, đến ngày 7 tháng Giêng, nhân dân 3 thôn tự nguyện đóng góp tiền sắm lễ đến các điểm thờ phụng để xin hạ câu Nêu. Cây nêu dựng lên trước cửa đền thờ và nhà ở trong năm để "trừ ma quỷ," nay được hạ xuống. Truyền thống văn hóa đặc trưng của lễ khai hạ chính là các lễ được sắm theo nghi lễ truyền thống, khi đưa lễ đến các đền thờ (đền thờ bà Chúa Thượng ngàn, bà Thánh thoải và thành hoàng làng), người gánh lễ phải là trai gái chưa lập gia đình. Khi sắm lễ để các lễ cũng phải là thanh niên nam nữ chưa lập gia đình. Trước khi hạ cây nêu ở gia đình phải làm lễ hạ nêu ở nơi thờ tự của làng, sau đó dân làng mới hạ cây nêu. Thường sau lễ này, mọi công việc thường xuyên hàng ngày mới được bắt đầu trở lại.
Hồng Vân (biên soạn)