Đây là một thông điệp mạnh mẽ và ý nghĩa, nhấn mạnh vai trò và quyền lợi của mỗi cá nhân trong việc được tự chủ quyết định việc sinh con, khoảng cách sinh và cách thức nuôi dạy con cái, phù hợp với mong muốn, điều kiện và hoàn cảnh riêng của mỗi gia đình. Tại Ninh Bình, chủ đề này đang được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực, thể hiện rõ mục tiêu chung của toàn Đảng, toàn dân trong công tác dân số.
Chủ đề Ngày Dân số thế giới năm 2025 không chỉ là khẩu hiệu mà đang đi vào đời sống, thể hiện qua những câu chuyện cụ thể. Gia đình chị Hà Thị Thu, thôn Ngũ Cõi, xã Liêm Hà có con đầu lòng đã 13 tuổi, chị đang ấp ủ ý định sinh thêm con. Chị Thu đã chủ động tìm hiểu thông tin qua cộng tác viên dân số, đồng thời thực hiện khám sàng lọc tại các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho lần sinh sản thứ 2 sắp tới. Đây là minh chứng cho sự chủ động và quyền tự quyết của mỗi cá nhân trong việc xây dựng tổ ấm, là một trong những mục tiêu mà công tác dân số địa phương muốn hướng đến.
Trao đổi về công tác dân số trong bối cảnh mới, đồng chí Nguyễn Thị Thắm, viên chức dân số xã Liêm Hà khẳng định: Trong giai đoạn sáp nhập tỉnh và thực hiện chính quyền hai cấp, công tác dân số đối mặt với nhiều khó khăn nhưng chúng tôi triển khai theo đúng định hướng chung của cả nước. Việc chú trọng nâng cao chất lượng dân số, giữ ổn định mức sinh thay thế là nhiệm vụ tối quan trọng của toàn Đảng, toàn dân. Mục đích rõ ràng của địa phương là không chỉ ổn định quy mô mà còn nâng cao chất lượng dân số toàn diện, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Thế giới đang thay đổi” tác động không nhỏ đến quyền tự quyết sinh sản. Các xu hướng như già hóa dân số nhanh chóng, mức sinh thay thế thấp ở nhiều đô thị lớn, và sự di cư từ nông thôn ra thành thị đang định hình lại cấu trúc gia đình và quyết định sinh sản. Áp lực kinh tế, cơ hội nghề nghiệp có thể khiến giới trẻ trì hoãn kết hôn, sinh con hoặc chỉ sinh một con.
Bên cạnh đó, tiến bộ khoa học kỹ thuật và sự bùng nổ của thông tin trên các nền tảng số (Facebook, Zalo, TikTok) đã thay đổi cách tiếp cận kiến thức sức khỏe sinh sản. Điều này vừa là cơ hội để thông tin dễ dàng đến với mọi người, nhưng cũng đặt ra thách thức về việc sàng lọc thông tin không chính xác.
Quan niệm xã hội cũng đang dịch chuyển từ "trọng nam, khinh nữ" sang bình đẳng giới, và từ tư tưởng sinh nhiều con sang sinh ít con nhưng chất lượng, kéo theo sự thay đổi vai trò của phụ nữ trong xã hội và gia đình. Những thông điệp cốt lõi của công tác dân số như: “Dân số khỏe - Gia đình hạnh phúc - Đất nước phồn vinh” và “Sinh con là quyền - Nuôi dạy con tốt là trách nhiệm” tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ.
Các địa phương trong tỉnh Ninh Bình đều hướng tới việc thay đổi nhận thức, khuyến khích người dân để việc sinh con trai hay gái theo quy luật tự nhiên, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về những hệ lụy của việc mang thai ở tuổi vị thành niên, tảo hôn, hay kết hôn cận huyết thống. Mục đích cuối cùng là bảo vệ giống nòi, nâng cao chất lượng dân số tổng thể để phát triển đất nước nhanh và bền vững, tạo tiền đề cho nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.
Đặc biệt, trong nỗ lực nâng cao chất lượng dân số, công tác chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân đang được chú trọng. Bác sĩ Bùi Thị Khuyên, Trạm trưởng Trạm Y tế Liêm Cần, xã Liêm Hà nhấn mạnh: Khám sức khỏe tiền hôn nhân có vai trò vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giúp các cặp đôi hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bản thân và đối phương, mà còn kịp thời phát hiện và tư vấn về các bệnh di truyền, bệnh lây truyền qua đường tình dục, phát hiện sớm các bệnh lý sinh sản, hay các vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sự phát triển của thai nhi.
Điều này trực tiếp góp phần vào việc sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, giảm gánh nặng bệnh tật cho gia đình và xã hội, hướng tới một thế hệ tương lai có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Đây là một trong những mục tiêu chiến lược mà tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực triển khai, nhằm đảm bảo quyền được sinh ra và lớn lên khỏe mạnh của mọi trẻ em, từ đó nâng cao chất lượng dân số bền vững.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng dân số không chỉ dừng lại ở sinh đẻ có kế hoạch mà còn là chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn diện (trước, trong và sau sinh, phòng, chống HIV/AIDS), giáo dục giới tính toàn diện cho thanh, thiếu niên để các em có kiến thức đúng đắn về tình yêu, tình dục an toàn và các mối quan hệ lành mạnh. Đẩy mạnh các hoạt động, chương trình nâng cao chất lượng dân số ngay từ cơ sở.
Để cụ thể hóa các mục tiêu và hưởng ứng Ngày Dân số thế giới năm 2025, bác sĩ Bùi Văn Thống, Trạm trưởng Trạm Y tế Ninh Hải, phường Nam Hoa Lư cho biết: Đơn vị đã xây dựng kế hoạch chi tiết, dựa trên chương trình truyền thông Dân số và Trẻ em năm 2025 của Trung tâm Y tế thành phố Hoa Lư trước đây. Mục đích chính của kế hoạch này là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong việc hoàn thành mục tiêu về dân số và phát triển.
Đồng thời, các hoạt động nhằm tuyên truyền sâu rộng về những cơ hội, thách thức của dân số toàn cầu, của Việt Nam nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng, cùng với các vấn đề dân số trọng tâm và giải pháp thực hiện.
Trong đó Trạm Y tế Ninh Hải tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là đài truyền thanh; tổ chức các hội nghị và buổi nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng để cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, phòng, chống mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cũng như chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, Youtube, nhằm tiếp cận đa dạng đối tượng. Tuyên truyền trực quan thông qua việc treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số thế giới. Thời gian cao điểm cho các hoạt động này sẽ diễn ra từ ngày 1/7 đến 15/7/2025.
Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, vai trò tích cực của các tổ chức xã hội, đoàn thể sẽ góp phần đưa thông điệp về dân số đến được với từng hộ gia đình, từng nhóm đối tượng. Mục đích cuối cùng là tạo ra sự thay đổi nhận thức sâu sắc và hành động thiết thực từ cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội khỏe mạnh, hạnh phúc và thịnh vượng, đúng như tinh thần “Dân số khỏe - Gia đình hạnh phúc - Đất nước phồn vinh”.