Sau cơn bão, khung cảnh tại huyện Kim Sơn trở nên xơ xác. Những cánh đồng lênh láng nước.Nhiều cột điện siêu vẹo, biển quảng cáo, bạt che nắng tại các hộ gia đình bị xé toạc thành nhiều mảnh. Trên các tuyến đường tại thị trấn Phát Diệm, cành cây gãy đổ chất thành từng đống, hiện đang được thu dọn để đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Kim Sơn, đến thời điểm 9h sáng ngày 28, chưa có thiệt hại về người. Sản xuất nông nghiệp thiệt hại khá nặng nề. Hơn 7.860 ha lúa ngập trắng (chiếm 95%), hơn 400 ha còn lại ngập phất phơ. Diện tích hoa màu thiệt hại ước khoảng 300 ha.
Về tài sản, tổng số 359 cột điện bị đổ (trong đó: 59 cột cao thể bị đổ, hạ thể ước khoảng 300 cột); 2 căn nhà bị sập mái; 784 nhà ở lợp mái ngói bị hư hỏng; 28 phòng học bị tốc mái ngói, mái chống nóng; 2 phòng khám bệnh tại trạm y tế và 4 nhà văn hóa thôn bị tốc mái; 50 lều, chòi ngoài đê Bình Minh 3 bị hư hỏng.
• Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, từ sáng ngày 27-7 trên địa bàn huyện Nho Quan có mưa to đến rất to, gió cấp 6-7, giật cấp 8-9; lượng mưa đo được từ 7 giờ đến 19 giờ ngày 27-7 tại Nho Quan là 37,7mm, từ 19h00' ngày 27-7 đến 7 giờ ngày 28-7 tại Hưng Thi là 106mm, tại Nho Quan là 111,4mm. Mực nước lúc 7 giờ ngày 28-7 tại cầu Nho Quan là 1,75m, tại bến Đế là 1,12m và đang tiếp tục lên nhanh. Tuy không có thiệt hại về người nhưng gió mạnh đã làm hàng trăm nhà dân bị hư hỏng; nhiều trường học, trạm y tế mái tôn chống nóng bị tốc mái, tường bao bị đổ... Toàn huyện có hơn 120 cột điện bị đổ, gãy, mất điện trên toàn huyện; hơn 500 cây xanh đô thị, cây trồng tại các trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học gãy đổ... Do ảnh hưởng của mưa bão, 1.048 ha lúa vùng trũng bị ngập cục bộ (Xích Thổ 70 ha, Đức Long 250 ha, Lạng Phong 110 ha, Văn Phương 41 ha, Yên Quang 50 ha, Sơn Thành 60 ha, Thượng Hòa 200 ha...); 5.570 cây trồng các loại bị gãy, đổ; 146 ha rừng trồng bị ảnh hưởng (trên 60%).
Vận hành trạm bơm chống úng cho lúa ở HTX Đức Long, Nho Quan. Ảnh: Minh Đường
Ngay khi có tin bão, UBND huyện đã chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các phương án phòng, chống bão, lũ. Tổ chức hội nghị triển khai phương án PCTT&TKCN (chiều ngày 27-7). Tiếp đó, các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, các phân ban PCTT&TKCN huyện đã trực tiếp xuống địa bàn để chỉ đạo; tổ chức mở cống nội đồng để tiêu nước đệm cho lúa bị ngập úng; đồng thời tích nước vào hồ, ao, ruộng, vùng trũng hợp lý để nuôi trồng thủy sản; khi bão tan đã huy động tối đa lực lượng cắt cành, cây bị đổ, giải phóng các tuyến đường giao thông, nhất là trên các trục đường chính; ngành Điện khẩn trương khắc phục hệ thống điện lưới phục vụ sẵn sàng bơm tiêu úng và điện sinh hoạt cho nhân dân. Hiện giao thông đã thông suốt trên địa bàn.
• Tại thành phố Ninh Bình, sau trận bão, nhiều tuyến đường, tuyến phố giao thông đã bị cản trở, bởi nhiều cây cối bị bật gốc, đổ rạp ngổn ngang, một số nhà dân bị tốc mái tôn hoàn toàn, nhiều đường dây điện và dây thông tin liên lạc bị đứt, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân...
Đồng chí Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Lãnh đạo thành phố đã chủ động đi kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại và chỉ đạo, huy động các lực lượng công an, công ty môi trường đô thị, điện lực thành phố... khẩn trương tập trung lực lượng dọn vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, đảm bảo tiêu úng phục vụ sản xuất nông nghiệp; giải tỏa các điểm bị ảnh hưởng gây ách tách giao thông; khắc phục hệ thống điện sinh hoạt, đường dây thông tin... phục vụ đời sống, sinh hoạt cho các cơ quan nhà nước và nhân dân.
Công nhân Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Ninh Bình thu dọn cây cối gãy đổ sau bão. Ảnh: Đức lam
• Thống kê sơ bộ đến 10 giờ sáng 28/7, do ảnh hưởng của bão số 1, trên địa bàn thành phố Tam Điệp đã có khoảng 120 cây xanh bị ngã đổ; hàng trăm nhà tạm, nhà mái tôn, lều quán bị tốc mái; một số cột điện thuộc các xã Quang Sơn, phường Yên Bình, Tân Bình cũng đã bị đổ.
Về sản xuất nông nghiệp, 230 trong tổng số 250 ha lúa mùa đã bị ngập, trong đó 168 ha lúa gieo vãi có nguy cơ mất trắng; 400 ha nuôi trồng thủy sản của các hộ dân đã bị tràn bờ. Ngoài ra, có khoảng 30 nghìn cây ăn quả như nhãn, vải, ổi... bị đổ ngã và thiệt hại nghiêm trọng. Trước đó, mưa to đã khiến việc cấp điện phải tạm ngưng.
Hiện nay, lực lượng chức năng thành phố cùng với người dân đang nỗ lực khắc phục hậu quả. Công ty TNHH 1 thành viên Môi trường đô thị Tam Điệp đã huy động 100% lực lượng và phương tiện làm nhiệm vụ dọn dẹp cây xanh ngã đổ, khắc phục hệ thống đèn điện trang trí, chiếu sáng, các pano, áp phích.
Cơ quan điện lực đang hết sức tích cực giải quyết các sự cố, ưu tiên cấp điện cho các khu vực trạm bơm để bơm nước tiêu úng cho các diện tích lúa và thủy sản bị ngập. Các xã, phường cũng đang rà soát, thống kê lại thiệt hại, huy động lực lượng Đoàn thanh niên, dân quân tự vệ tham gia dọn dẹp đường phố, giúp người dân sửa chữa nhà, lán bị tốc mái.
• Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Yên Khánh, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, trên địa bàn huyện đã có mưa to. Mưa lớn đã làm ngập úng hơn 7.000 trong tổng số gần 7.800 ha lúa mùa; 343/415 ha (chiếm 82,5%) cây hoa màu; sạt lở 1 đoạn kênh Cánh Diều dài 20 m ở xã Khánh Phú.
Bên cạnh đó, có khoảng 4.500 nhà cấp 4, công trình phụ của nhà dân bị tốc mái, 15.000 m tường bao bị đổ; tập trung nhiều ở các xã Khánh Công, Khánh Vân, Khánh Trung, thị trấn Yên Ninh, Khánh Cư, Khánh Nhạc. Ngành điện, viễn thông có khoảng 253 cột điện bị nghiêng đổ, trên 5.000 m dây điện dân dụng bị đứt; 35 cột viễn thông, 1 trạm phát sóng di động của Viettel ở xã Khánh Trung bị gãy, đổ.
Sau khi bão số 1 đi qua, Ban chỉ PCTT&TKCN huyện, các đồng chí lãnh đạo phụ trách các xã, thị trấn đã nhanh chóng xuống các địa bàn phụ trách kiểm tra, nắm bắt tình hình, chỉ đạo các ngành, đoàn thể huy động lực lượng tại chỗ và nhân dân trong thôn, xóm tổ chức thu gom cây cối trên đường giao thông, giúp các hộ gia đình lợp lại mái nhà, khắc phục hậu quả do bão gây ra. Tập trung khắc phục về điện để có điện phục vụ các trạm bơm tiêu và khu trung tâm hành chính huyện và các cơ sở sản xuất…
• Bão số 1 đổ bộ kèm theo gió và mưa lớn đã gây thiệt hại về nhà cửa, cơ sở vật chất và nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Mô. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có 6 nhà bị sập; 1.363 nhà dân và một trụ sở làm việc bị tốc mái; 184 cột điện bị nghiêng, gẫy đổ; nhiều số cơ quan, trường học, trụ sở làm việc bị vỡ cửa kính, đổ tường bao, tốc mái nhà xe. Về sản xuất nông nghiệp, Yên Mô có 4.714 ha lúa bị ngập trắng, trên 350 ha lúa bị ngập phất phơ; 562 ha diện tích cây màu bị dập lá, lay gốc; 3 ha thủy sản bị ngập tràn bờ; 24 con lợn và trên 1.700 con gà, vịt bị chết; 335 chuồng trại, lán trại bị tốc mái; 12.350 cây ăn quả bị gẫy, đổ; 7.310 cây lấy gỗ, bóng mát bị thiệt hại;...
Trước những thiệt hại trên, huyện Yên Mô đã chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra, bảo vệ lúa mùa, cây hoa màu, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trong đó phối hợp với ngành điện ưu tiên khắc phục nhanh hệ thống điện để phục vụ dân sinh và các hoạt động khác. Tập trung tiêu úng cứu lúa mùa bằng mọi biện pháp… Huyện cũng phân công cán bộ xuống cơ sở kiểm tra, giám sát và đôn đốc, hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả sau mưa bão.
• Trên địa bàn huyện Gia Viễn có 5.600 ha lúa bị ảnh hưởng; diện tích cây màu 176 ha (trong đó ngô 60ha, rau 27ha, mía 24ha, sắn 65ha); cây khác 135 ha (trong đó cây lâm nghiệp 15ha, cây ăn quả 40ha, chuối 80ha). Cơn bão số 1 cũng ảnh hưởng đến diện tích thủy sản 285 ha; nhà cửa công trình phụ bị ảnh hưởng là 523 công trình. Gia súc, gia cầm có khoảng 800 con bị chết... Ước thiệt hại toàn huyện khoảng 100 tỷ đồng.
Người dân xã Gia Thịnh khắc phục hậu quả sau bão. Ảnh: M.Đ
Đến 13 h 45' chiều ngày (28/7), trạm bơm Gia Viễn có 12 tổ máy (mỗi máy 8.000m3/h) đã có điện vận hành. Như vậy, trên toàn huyện đã 3 trạm/15 trạm bơm đã có điện để vận hành bơm nước cứu lúa mùa.
• Trên địa bàn huyện Hoa Lư, lượng mưa đo được là 195 mm đã làm cho 100% diện tích lúa mùa (2.600 ha) của huyện bị ngập trắng; 15 ha nuôi trồng thủy sản bị mất; 5.632 cây bị đổ; 470 con gia súc, gia cầm bị chết. Bão cùng làm tốc mái Trường mầm non , mái tôn trụ UBND xã Ninh Khang; nhà văn hóa thôn Xuân Mai (Ninh An), trường THCS Đinh Tiên Hoàng và làm hư hỏng 16 bộ cửa; đỗ gãy 56 cột điện; 200 m tường rào, 46 pa nô, 1 cổng chào xã Ninh An; 200 m dây và 15 loa truyền thanh; 188 nhà dân bị tốc mái. Hiện tại ngành điện đang cố gắng nhưng chưa khắc phục được tình trạng mất điện ở hầu hết các địa phương trong vùng, đáng chú ý là không có điện để bơm nước chống úng cho lúa mùa, vốn đang bị chìm trong biển nước.
Bão làm thiệt hại nhiều tài sản trên địa bàn huyện Hoa Lư. Ảnh: Trường Giang
• Do tác động mạnh của bão số 1, tình trạng mất điện trên diện rộng đã xảy ra. Toàn hệ thống trên địa bàn tỉnh có 185 cột điện trung thế, gần 1000 cột điện hạ thế bị hư hỏng… Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Công ty điện lực phải đảm bảo đủ điện cho công tác phòng chống úng cũng như công tác chỉ huy phòng chống bão lũ của tỉnh, huyện, thành phố, các sở, ngành, ngành Điện đã bố trí trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật tình hình trên địa bàn báo cáo về Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đồng thời khẩn trương khắc phục sự cố do bão số 1 gây ra. Ngành điện ưu tiên khôi phục điện phục vụ việc tiêu úng cho cây trồng, cấp điện cho các khu công nghiệp, nhà máy lớn. Bên cạnh đó là cấp điện dân sinh.
Đến thời điểm 16 giờ ngày 28/7, ngành điện đã khắc phục sự cố, cấp điện trở lại cho 24/36 trạm bơm lớn, 8/16 trạm bơm nhỏ trên toàn tỉnh để phục vụ việc chống úng ngập cho cây trồng; 2/3 địa bàn dân sinh đã được cấp điện trở lại; các trạm biến áp 110kV đã đóng điện xong trong buổi sáng ngày 28/7. Ngành điện phấn đấu đến 17 giờ cùng ngày các đường điện trung thế sẽ được đóng hết trên 44 lộ; đến 19 giờ cùng ngày sẽ khôi phục điện cho 100% trạm bơm lớn nhỏ trên địa bàn.
Lãnh đạo ngành điện cho biết, công trình cấp điện cho các trạm bơm trên địa bàn huyện Yên Khánh bị hư hỏng nặng nhất, đến 16 giờ ngày 28/7 chưa có trạm bơm nào khắc phục xong sự cố điện. Thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan 100% trạm bơm đã có điện; huyện Gia Viễn đã có 2/3 số trạm bơm khắc phục được sự cố điện. Các huyện: Kim Sơn, Yên Mô, Hoa Lư phấn đấu đên 17 giờ chiều thì khắc phục xong sự cố điện trạm bơm.
Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh: Do cường độ của cơn bão lớn, diễn biến phức tạp, tuy chưa có thiệt hại về người, song gây thiệt hại lớn về tài sản, cụ thể như sau: Hệ thống lưới điện trung áp 22KV và 10KV bị hư hỏng chưa khắc phục được toàn tỉnh bị mất điện (Gãy đổ 185 cột trung thế và trên 1.000 cột hạ thế). Có trên 36.000ha lúa và hoa màu bị ngập úng; nhiều gia súc, gia cầm, diện tích thủy sản bị thiệt hại. Tuy nhiên do hiện nay chưa khôi phục được hệ thống điện cung cấp cho các trạm bơm tiêu úng nên khả năng thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp là rất lớn.
Nhiều Nhà máy sản xuất trong khu, cụm công nghiệp bị thiệt hại lớn do cơn bão (tốc mái, đổ tường bao, hư hỏng hàng hóa, nguyên vật liệu…) làm ảnh hưởng đến sản xuất.
Trên 1.000 ngôi nhà dân bị ảnh hưởng (tốc mái, đổ tường bao,…) và nhiều công trình công cộng (trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế…) bị ảnh hưởng...Hàng chục nghìn cây xanh bị ngã đổ...Hệ thống biển quảng cáo pano bị hư hại nặng... |
Nhóm P.V