Trong quá trình tìm lời giải cho bài toán giảm nghèo, phát triển kinh tế, các cấp, các ngành, các địa phương đã và đang có nhiều cố gắng đáng ghi nhận, trong đó tập trung giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao được ưu tiên hàng đầu.
Tập trung giảm nghèo ở những địa phương khó khăn
Với mục tiêu nâng cao nhận thức trong nhân dân về chương trình xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, thời gian qua, Ninh Bình đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng vào cuộc. Đặc biệt là việc ra đời Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy và Đề án số 15 của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo đến năm 2010, trong đó ưu tiên cho 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao thực sự là đòn bẩy giúp các xã đặc biệt khó khăn có điều kiện vươn lên.
Điều đáng nói là trong quá trình tìm lời giải cho bài toán giảm nghèo, các cấp, các ngành, địa phương đã chú trọng giải pháp xóa nghèo ở cấp nhỏ nhất: Hộ nông dân, từ đó xác định xem họ cần hỗ trợ cái gì trước mắt và thiết thực nhất. Các tổ chức đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB, Đoàn thanh niên... đã trực tiếp đứng ra hướng dẫn và giúp đỡ các hộ nghèo biết cách làm ăn. Qua 9 tháng năm 2008, Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT mở 2 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho 190 hộ nghèo ở 3 xã Kim Hải, Kim Đông, Kim Trung (Kim Sơn). Ngoài ra, Tỉnh đoàn đã lập đề án xây dựng "Làng thanh niên lập nghiệp" tại 3 xã trên nhằm phát huy tinh thần "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên". Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp chuyển giao kỹ thuật về trồng gấc cao sản, nuôi, ương cá mè giống, kỹ thuật chẻ tăm hương cho hàng nghìn lượt hội viên ở các xã nghèo, qua đó dần xóa bỏ tập tục sản xuất lạc hậu, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp hàng hóa. Có nhiều mô hình, cách làm hay, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực giảm nghèo như: Mô hình nuôi gà thả vườn; trồng nấm rơm, chế biến cói, móc sợi...
Đi đôi với công tác phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho người nghèo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các địa phương còn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà ở dột nát cho hộ nghèo, tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất và xuất khẩu lao động.
Ninh Bình đã đầu tư 4,7 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã nghèo, cụm xã nghèo trong 9 tháng năm nay, như: Trạm y tế, trường mầm non, chợ, nhà văn hóa thôn, bản... Đến nay, các công trình đã và đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt đời sống dân sinh. Một số công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Chợ xã Ninh Hòa (Hoa Lư), tổng kinh phí xây dựng là 634 triệu đồng; chợ xã Yên Sơn (300 triệu đồng); hoàn thành khoan 4 giếng nước phục vụ tưới cho 30 ha vùng đồi của xã Đông Sơn (TX Tam Điệp)... Bên cạnh đó, các địa phương còn phối hợp với ngành chức năng cấp thẻ BHYT, giấy chứng nhận hộ nghèo cho các đối tượng đã được bình xét nhằm giúp các hộ nghèo được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, được vay vốn với lãi suất ưu đãi...
Từ đầu năm đến nay,Ninh Bình đã có 55.663 hộ nghèo được vay vốn với tổng số tiền là trên 285 tỷ đồng để phát triển kinh tế (trong đó tổng doanh số cho vay hộ nghèo của 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao là 49 tỷ 500 triệu đồng với trên 9.134 lượt hộ được vay vốn)... Để đẩy mạnh xuất khẩu lao động cho các xã nghèo, tỉnh đã có ưu tiên về vốn đối với lao động là hộ nghèo thuộc 23 xã nghèo được vay vốn ở mức tối đa là 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mà không cần phải thế chấp tài sản. Với chính sách ưu đãi này, từ đầu năm đến nay, đã có 49 người của 23 xã nghèo được đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...
Để công tác giảm nghèo thực sự bền vững
Những kết quả trong công tác giảm nghèo mà các địa phương trong tỉnh, nhất là đối với 23 xã có tỷ lệ nghèo cao đã đạt được trong thời gian qua là đáng ghi nhận.
Song, nhìn chung hộ nghèo trong toàn tỉnh đã giảm, nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo còn cao. Công tác giảm nghèo cũng bộc lộ những tồn tại nhất định cần sớm được khắc phục, đó là: Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của các xã nghèo còn thiếu và còn bất cập như: Một số địa phương chưa có đường giao thông đến xã, song Nhà nước lại đầu tư từ xã đến thôn bằng nguồn vốn Chương trình 135 (tiêu biểu là xã Kim Hải - Kim Sơn); các công trình: Điện, đường, trường, trạm, nhà máy nước của 3 xã Gia Lạc, Gia Minh, Gia Phong (Gia Viễn) được xây dựng từ nguồn dự án phân lũ, chậm lũ tiến độ triển khai còn chậm. Do vậy, một số công trình ở các xã này đều đang thi công dang dở. Việc lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với chương trình giảm nghèo còn hạn chế, chưa mang lại hiệu quả cao. Nhiều mô hình, cách làm hay về giảm nghèo chưa được kịp thời tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm để nhân rộng. Bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa có ý thức phấn đấu vươn lên tự thoát nghèo, còn có tư tưởng ỉ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Mục tiêu giảm nghèo năm 2010 của tỉnh là dưới 8%, không còn huyện có tỷ lệ hộ nghèo vượt quá 12%; không còn xã có tỷ lệ hộ nghèo vượt quá 15%, giảm dần sự chênh lệch tỷ lệ hộ nghèo giữa các xã, phường, thị trấn, vùng, miền. Đảm bảo 100% hộ nghèo được hưởng các chính sách ưu tiên về giáo dục, y tế và vay vốn ưu đãi. 100% hộ nghèo có sức lao động có nhu cầu vay vốn, có đủ điều kiện theo quy định được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để đạt được các mục tiêu này nhằm hướng tới giảm nghèo bền vững, tỉnh đã đề ra một số giải pháp trong thời gian tới, mỗi địa phương cũng cần khai thác tốt hơn nữa nguồn lực tại chỗ. Sử dụng có hiệu quả quỹ đất nông, lâm nghiệp, mặt nước và cơ sở vật chất phục vụ sản xuất. Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển CN - TTCN và dịch vụ.
Cùng với phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất công nghiệp bằng việc tạo hành lang pháp lý, cơ chế thông thoáng, khuyến khích và có chính sách thu hút đối với các doanh nghiệp về đầu tư tại các xã khó khăn theo phương châm các doanh nghiệp trực tiếp hướng dẫn, tổ chức cách sản xuất cho bà con. Tập trung vào phương thức sản xuất hàng hóa, xóa bỏ dần thói quen sản xuất manh mún của một bộ phận nông dân.
Thiết nghĩ, yếu tố quan trọng đầu tiên để giảm nghèo bền vững chính là phải bắt đầu từ việc nâng cao ý thức của con người. Ngoài việc khuyến khích ý chí, quyết tâm vượt nghèo của người dân, Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát năng lực hoạt động của cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở; kiên quyết xử lý những địa phương còn xem nhẹ công tác này. Mặt khác, trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cần xác định rõ công trình nào cần đầu tư, công trình nào nên hỗ trợ. Điều này sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, không phát huy hiệu quả.
Đức Nghĩa