Trong những năm qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá trong công tác CCHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ninh Bình đã tập trung thực hiện tốt đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Trong đó, UBND tỉnh đã thông qua phương án đơn giản hóa đối với 57 TTHC thuộc thẩm quyền; kiến nghị đơn giản hóa 1.072 thủ tục thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương…. Tính chung trên địa bàn toàn tỉnh đã đề nghị đơn giản hóa được 1.129 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 72,6% và vượt 42,6 % so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Đặc biệt, công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực đầu tư và cấp phép kinh doanh cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tạo ra môi trường đầu tư - kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp. Để làm được điều này, Ninh Bình đã ban hành các quy định về khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư chung trên địa bàn tỉnh và các chính sách hỗ trợ riêng khi đầu tư vào Khu, cụm công nghiệp; ban hành quy chế phối hợp liên ngành trong việc giải quyết TTHC cho nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, 100% cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ chế "Một cửa", nhiều cơ quan, đơn vị đã phối hợp với nhau theo cơ chế "Một cửa liên thông" để giải quyết nhanh gọn các TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Điển hình như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế và Công an tỉnh phối hợp thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và cấp dấu đối với doanh nghiệp; Sở Lao động Thương Binh và xã hội với mô hình liên kết theo chiều dọc từ tỉnh đến xã. Bộ phận "Một cửa" cấp xã đã có những bước tiến lớn trong việc giải quyết công việc của người dân, đảm bảo chính xác, nhanh gọn, giảm phiền hà và rút ngắn thời gian chờ đợi của các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu. Cùng với việc đơn giản hóa các TTHC, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từng bước được hoàn thiện, quy định chặt chẽ thống nhất, đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc của các tổ chức và cá nhân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC.
Thực hiện Quyết định số 144 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008, 12 cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động quản lý, tạo được phương pháp xử lý công việc khoa học, rõ người, rõ việc, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý hành chính nhà nước. Cùng với đó, chủ trương tin học hóa trong việc giải quyết công việc nhằm đảm bảo nhanh chóng và hiệu quả đã được chính quyền địa phương triển khai và tích cực thực hiện. Chính quyền cấp cơ sở đã nối mạng Internet thuận lợi cho cán bộ, công chức trong việc nắm bắt thông tin, cập nhật các văn bản pháp luật nhằm phục vụ tốt hơn hoạt động chuyên môn. Nhiều địa phương tiêu biểu như thành phố Ninh Bình và huyện Gia Viễn việc áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc (chuyển các loại thông báo qua mạng, áp dụng phần mềm quản lý hộ tịch, hộ khẩu…) đã giúp cho các cấp chính quyền duy trì tốt việc lưu trữ thông tin, giữ mối liên hệ công việc giữa các phòng ban, từ huyện đến xã, đặc biệt, việc giải quyết công việc cho người dân thuận lợi hơn rất nhiều so với trước. Đội ngũ cán bộ công chức làm việc ở các bộ phận thường xuyên có mối liên hệ, giao tiếp với nhân dân cũng đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình, sửa đổi tác phong và lề lối làm việc, tôn trọng và tận tình phục vụ nhân dân.
Bằng nỗ lực chung của các cấp, các ngành các TTHC áp dụng trên địa bàn tỉnh ta từng bước được đơn giản hóa; hệ thống thể chế ngày càng ổn định, đồng bộ, thống nhất và hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực, phát huy được hiệu quả quản lý nhà nước, tạo cơ sở pháp lý, môi trường thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong năm qua công tác CCHC vẫn còn một số những hạn chế như: Trình độ, năng lực của một số cán bộ công chức còn yếu dẫn đến chậm trễ trong quá trình giải quyết công việc. Một số địa phương còn thiếu cán bộ chuyên môn, trong khi khối lượng công việc lại rất lớn nên không tránh khỏi tình trạng quá tải trong giải quyết công việc. Việc thiếu cán bộ và thiếu sự đầu tư về trang thiết bị, cơ sở vật chất vẫn đang là một trong những vấn đề khó khăn cho công tác cải cách hành chính so với yêu cầu đặt ra ở cơ sở.
Năm 2011 được xác định là năm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cải cách hành chính, tạo bước tiến mới về chất, trọng tâm là TTHC và trách nhiệm công vụ, tập trung vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là chính quyền cơ sở. Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi một sự quyết tâm cao từ mỗi cán bộ, công chức Nhà nước trong việc học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào nền hành chính nhà nước, tiếp tục khơi thông các nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.
Bài, ảnh: Quốc Khang