Tăng cường hợp tác
Với mục tiêu hội nhập để phát triển, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư tiềm năng Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, nông nghiệp công nghệ cao... Đồng thời tích cực vận động, thu hút và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Trong năm 2018, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 3 dự án với tổng số vốn 40,965 triệu USD, tương đương khoảng 951 tỷ đồng; tiếp nhận 4 dự án NGOs với giá trị tài trợ 351.377 USD. Phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 1 dự án sử dụng nguồn vốn ODA kết dư còn lại của các dự án đã thực hiện, với tổng mức đầu tư khoảng 756 triệu đồng; điều chuyển, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn vốn ODA cấp phát từ Ngân sách Trung ương và năm 2018 của các dự án do tỉnh quản lý.
Nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài đi vào sản xuất góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2018 đạt 49,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong năm, tỉnh đã tổ chức tiếp đón, hỗ trợ đầu tư cho Đoàn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền cộng hòa Séc tại Việt Nam, Đoàn đại biểu thành phố Asan - Hàn Quốc, phối hợp với các báo, tạp chí để quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của tỉnh như: "Ninh Bình - Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thu hút các nguồn lực cho phát triển" trên tạp chí Hữu Nghị, "Đánh giá tác động và khả năng hội nhập quốc tế tỉnh Ninh Bình" trên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại...
Hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử định hướng xuất khẩu có bước chuyển biến tích cực. Trong năm, tỉnh đã triển khai thực hiện 15 chương trình xúc tiến thương mại với tổng kinh phí hỗ trợ là 1,9 tỷ đồng với các hoạt động nổi bật như hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế Côn Minh Trung Quốc, tham gia các hội chợ quốc tế, khảo sát tìm kiếm thị trường tại Cộng hòa Liên bang Đức... Tăng cường quảng bá giới thiệu mặt hàng tiềm năng của tỉnh thông qua các website thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp trong tỉnh tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, hoạt động xuất khẩu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền
Trong 4 năm qua, Ninh Bình đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế; phổ biến các cam kết khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, nhất là lộ trình cắt giảm thuế quan, phương pháp vượt qua các rào cản phi thuế quan... đến các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân tại địa phương, dưới nhiều hình thức như tổ chức học tập, quán triệt trong các hội nghị, giới thiệu trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình, trên các tạp chí chuyên đề, tài liệu sinh hoạt nội bộ,...
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ Công Thương Trung ương, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và một số đơn vị có liên quan tổ chức 12 hội nghị phổ biến kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế, cam kết gia nhập WTO và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia cho hơn 2.000 lượt cán bộ, công chức thuộc các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 36 hội nghị, tọa đàm lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động với hội nhập kinh tế quốc tế cho trên 3.200 lao động và người sử dụng lao động tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Công thương còn thường xuyên cập nhật, đăng tải trên trang website các thông tin, quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa nhập khẩu, lộ trình thực hiện cắt giảm thuế, các rào cản thương mại của các nước trong Tổ chức WTO đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Thông qua các hoạt động trên đã giúp nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức viên chức.
Ngoài ra, ngành Công thương cũng đã xây dựng chương trình tuyên truyền, phổ biến các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết, trọng tâm là các cam kết trong từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể giúp các doanh nghiệp nắm vững được cam kết và quy định đối với sản phẩm của mình, đặc biệt tại các thị trường có tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa nghiêm ngặt. Xây dựng cơ sở dữ liệu các FTA do Việt Nam đã ký kết nhằm giúp doanh nghiệp tra cứu thông tin về biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi.
Đồng thời phối hợp với các đơn vị của Bộ Công thương, các Thương vụ, Tham tán Thương mại Việt Nam tại các nước để tiếp nhận thông tin về tình hình thị trường, việc áp dụng các rào cản thuế và phi thuế quan trong thương mại. Trên cơ sở đó phổ biến nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về phòng vệ thương mại, chủ động ứng phó với rào cản thương mại tại các thị trường xuất khẩu.
Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ chủ trì phối hợp tổ chức các khóa tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề về hội nhập kinh tế quốc tế, phổ biến cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; nghiệp vụ khai báo C/O, vận dụng quy tắc xuất xứ để vượt qua rào cản thương mại của các nước nhập khẩu. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển xuất khẩu, kế hoạch thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, các chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại nhằm tháo gỡ khó khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nguyễn Thơm