Ninh Bình: Các khu, điểm du lịch chủ động ứng phó với bão Wipha
Thứ Hai, 21/07/2025, 09:26
Zalo
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (bão Wipha), các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương triển khai các phương án đảm bảo an toàn tối đa cho du khách, nhân dân cũng như cơ sở hạ tầng du lịch nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại có thể xảy ra.
Du khách được trang bị đầy đủ áo phao khi tham quan Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: Minh Đường
Thực hiện phương châm “Phòng là chính”
Ngay sau khi nắm tình hình cơn bão số 3 có thể gây mưa to, gió lớn có khả năng ngập lụt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Ban Giám đốc Khu du lịch sinh thái Tràng An đã tổ chức họp khẩn cấp, bàn triển khai phương án phòng, ứng phó với cơn bão.
Đại diện Khu du lịch này cho biết: Quán triệt phương châm “phòng tránh thiên tai là chính”, với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đơn vị đã xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể, sát với tình hình và tình huống thực tế.
Theo đó, ngay trong sáng 20/7, Ban Quản lý Khu du lịch đã cho rà soát, thống kê toàn bộ cơ sở hạ tầng, thuyền, ô che nắng, biển hiệu, áo phao… Khu du lịch huy động 100% lực lượng Tổ vệ sinh môi trường tiến hành cắt tỉa cây xanh và di chuyển chậu cảnh, tiểu cảnh trang trí vào nơi khuất gió. Đồng thời kiểm tra và bảo trì các mái đền, đình, chùa, cửa sổ, cửa ra vào và hệ thống thoát nước để đảm bảo đủ khả năng chống chịu với sức gió và mưa lớn, hoàn thành mọi công tác chuẩn bị trước 15 giờ, ngày 21/07/2025.
Ngoài ra, Khu du lịch thường xuyên thông báo tới cán bộ, nhân viên về tình hình di chuyển của cơn bão số 3 trên hệ thống loa nội bộ, nhóm Zalo điều hành để mỗi người đều nâng cao tính chủ động. Đến sáng 21/7, Khu du lịch này đã ra thông báo tạm dừng đón khách để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trước khi bão số 3 đổ bộ.
Với phương châm chủ động phòng, chống ngay từ những giờ đầu tiên, tại Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, hệ thống nhà chờ, bến bãi cũng đã được gia cố bằng nhiều bao cát, dây neo. Hơn 1.400 chiếc thuyền đã được kiểm tra, bảo trì, sẵn sàng neo đậu về nơi an toàn khi có thông báo. Hệ thống vật tư như thuyền máy, áo phao, đèn pin, dây thừng, máy phát điện,… đã được đơn vị chuẩn bị đầy đủ.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phụ trách truyền thông của Khu du lịch cho biết: “Chúng tôi đã phân công cán bộ, nhân viên trực luân phiên, kiểm tra từng hạng mục, đồng thời liên tục cập nhật thông tin dự báo để có phương án đón khách chu đáo, an toàn.”
Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động đã tập trung huy động lực lượng tham gia gia cố nhà cửa, cắt tỉa cây xanh.
Khu du lịch cũng chủ động tổ chức cắt tỉa cây xanh, khơi thông dòng chảy hệ thống mương, cống thoát nước trên địa bàn để phòng, chống ngập úng; bố trí số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ y tế.
Đồng chí Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã Hải Thịnh (trước đây thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cho biết: Xã Hải Thịnh hiện có 7km đê biển, hơn 10 km đê tả sông Ninh Cơ vì vậy địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác phòng chống thiên tai, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Hiện địa phương có khoảng 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ven biển. Đến nay xã đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể nhân dân, nhất là các hộ kinh doanh chuẩn bị sẵn sàng vật dụng để chằng néo, gia cố nhà cửa, di dời tài sản khi nước tràn; tổ chức di chuyển tàu thuyền, cano vào vị trí an toàn. Đồng thời đã dừng hoạt động đón khách để đảm bảo an toàn trước bão.
Để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 3 có thể gây ra, địa phương đã rà soát, kiểm tra toàn bộ hệ thống đê sông, đê biển và triển khai phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), không để bị động bất ngờ.
Xã Hải Thịnh tập trung gia cố, đảm bảo hệ thống đê trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách
Theo ghi nhận, các đơn vị du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động các phương án để ứng phó với tác động của cơn bão Wipha nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, nhân dân cũng như giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng. Cùng với công tác ứng phó tại chỗ, các công ty du lịch cũng chủ động thông báo, điều chỉnh các chương trình tour ngoài trời. Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang tham quan bảo tàng, làng nghề truyền thống thay vì tổ chức tour leo núi, khám phá hang động.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã ban hành công văn, yêu cầu các khu, điểm du lịch chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho du khách và người lao động.
Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Cụ thể, các khu, điểm du lịch chủ động triển khai phương án phòng chống bão, mưa lũ kịp thời, hiệu quả, đặt an toàn tính mạng du khách lên hàng đầu, tuyệt đối không chủ quan. Khi thời tiết xấu, ngừng ngay hoạt động tham quan và thông báo kịp thời cho du khách, đơn vị lữ hành và cơ quan chức năng.
Bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ tại các điểm trọng yếu; lắp đặt đầy đủ biển chỉ dẫn, cảnh báo nguy hiểm. Tổ chức tập huấn kỹ năng sơ cứu, xử lý tình huống khẩn cấp cho nhân viên và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong mọi tình huống.
Các khách sạn, nhà hàng du lịch, các cơ sở dịch vụ khác chủ động theo dõi tình hình thời tiết, xây dựng và triển khai phương án phòng chống bão phù hợp. Các cơ sở phải kiểm tra, gia cố hạ tầng, đảm bảo an toàn cho du khách và nhân viên; chuẩn bị nhu yếu phẩm, bố trí nhân lực trực 24/24 trong thời gian bão. Đồng thời, cần thông tin kịp thời cho khách về tình hình thời tiết, hướng dẫn các biện pháp an toàn, công khai số điện thoại liên lạc và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xử lý sự cố khi cần thiết.
Sở Du lịch tỉnh đề nghị UBND các xã, phường phối hợp với các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú triển khai phương án phòng chống bão, đảm bảo an toàn cho du khách. Theo dõi thời tiết, kịp thời chỉ đạo dừng hoạt động du lịch khi cần thiết. Hỗ trợ tuyên truyền, kiểm tra an toàn và sẵn sàng lực lượng phối hợp cứu hộ, xử lý sự cố do bão, mưa lũ gây ra.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, phương tiện, vật tư và phương án ứng trực, cùng sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, các khu, điểm du lịch Ninh Bình đang tập trung ứng phó với bão Wipha. Điều này không chỉ giúp bảo vệ tính mạng, hạ tầng, tài sản mà còn củng cố hình ảnh điểm đến an toàn, chuyên nghiệp, hấp dẫn của Ninh Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.