Đồng chí Bùi văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban an toàn giao thông tỉnh dự và chủ trì hội nghị.
Báo cáo của Ban an toàn giao thông tỉnh do đồng chí Nguyễn Xuân Huế, TUV, Giám đốc sở Giao thông vận tải, Phó Ban an toàn giao thông tỉnh trình bầy nêu rõ: Quý I năm 2009, trên địa bàn tỉnh xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông, làm chết 29 người và bị thương 11 người; trong đó đường bộ 25 vụ, chết 26 người, bị thương11 người, đường sắt 3 vụ, chết 3 người; so với quý I năm 2008, số vụ tai nạn tăng 1 vụ, giảm 1 người chết. Trong quý I, lực lượng công an đã lập biên bản và xử lý hành chính về TTATGT 17.333 trường hợp, tạm giữ 2.286 lượt phương tiện.
Phương hướng trong thời gian tới được đặt ra là: Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ Tướng chính phủ. Duy trì thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong công tác đảm bảo TTATGT. Tập trung xử lý quyết liệt các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT. Tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân luật giao thông đường bộ mới, có hiệu lực thi hành vào ngày 1-7-2009. Tuyên truyền đi đôi với cưỡng chế để duy trì tốt quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy. Nâng cao trách nhiệm quản lý đò ngang của chính quyền sở tại, thường xuyên giám sát, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định về ATGT đối với các đò chở khách, nhất là đò chở học sinh đi học. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông; triển khai thực hiện các điểm bất hợp lý về giao thông. Xử lý tốt các điểm đen trên đường bộ và đường sắt.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban an toàn giao thông tỉnh nêu rõ: Công tác chỉ đạo, điều hành các biện pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông của Ban an toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố trong thời gian qua khá kịp thời và quyết liệt. Tuy nhiên, công tác đảm bảo TTATGT vẫn còn nhiều tồn tại, thiếu sót cần sớm được khắc phục như: hành vi vi phạm TTATGT đang có chiều hướng tăng như: không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, đặc biệt ở vùng sâu, vùng nông thôn; các phương tiện khi tham gia giao thông vẫn còn vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ cho phép, lấn làn đường, xe chở quá tải trọng của một số doanh nghiệp làm hỏng đường, để rơi vật liệu ra đường gây ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông ... có tới 50% các bến đò và đò không đủ điều kiện hoạt động. Trong thời gian tới các cấp, các ngành cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền luật giao thông đến đông đảo quần chúng nhân dân. Lực lượng công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm luật giao thông để lập lại TTATGT ở cả đường thủy, đường bộ và đường sắt. Tiếp tục đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ tốt cho việc đi lại của nhân dân.
Thành phố Ninh Bình, thị xã Tam điệp cần làm tốt hơn công tác TTATGT nơi đô thị. Các huyện, đặc biệt quan tâm đến ATGT ở các đò ngang, nhất là đò chở học sinh đi học. Ngành giáo dục từng bước tìm ra phương án tối ưu để điều chỉnh lưu lượng học sinh phải đi học qua đò và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền luật giao thông đến các trường học, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đến học sinh, sinh viên.
Mạnh Dũng