Đây là mùa xuân thứ 25 tỉnh Ninh Bình được tái lập. 1/4 thế kỷ đã đi qua, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đem theo khát vọng vươn xa, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã làm nên bao cuộc chuyển mình, giành được những thành tựu đáng phấn khởi trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, từng bước đưa Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. Ông Trịnh Xuân Trung, một đảng viên lâu năm hiện sống ở phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) nói với tôi: So với 25 năm trước, mọi thứ đều thay đổi. Nếu ai đó đi xa giờ trở lại chắc sẽ rất ngỡ ngàng bởi nhà cửa, phố sá đã được quy hoạch, xây dựng lại, cảnh quan môi trường, đời sống nhân dân cũng được cải thiện nhiều... Trong ký ức của nhiều người, thành phố Ninh Bình khi ấy là một thị xã nhỏ, nhà cửa, quán xá lèo tèo, đường đi lối lại vừa hẹp, vừa lầy lội. Mới 20-21 giờ đường phố đã vắng người đi lại, chính vì vậy mà người dân nơi đây quen gọi là thị xã 4B (tức là buồn, bụi, bẩn, bực). Tuy nhiên, qua mấy lần nâng cấp, quy hoạch lại, đến nay thành phố đã được mở rộng về quy mô, tầm vóc. Ngành nghề, dịch vụ phát triển. Trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hóa, thể thao, công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng, đưa thành phố phát triển xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả tỉnh...
Đối với các vùng quê, sự khởi sắc cũng diễn ra khá nhanh chóng. Kinh tế nông nghiệp dần phá được thế độc canh cây lúa; từ chỗ lo làm cho đủ no, nay người nông dân đã có thể làm giàu trên mảnh đất của mình. Bà Nguyễn Thị Bùi, xã Khánh Dương (Yên Mô) cho biết: Nếu so với ngày mới tái lập tỉnh, cuộc sống bây giờ đã khác xa. Trước đây, cũng những mảnh ruộng ấy, người nông dân chúng tôi chỉ mong làm đủ ăn, nay nhờ có Đảng và Nhà nước quan tâm nên nhiều kỹ thuật mới cùng những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp phù hợp đã được triển khai tới người dân, đem lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với trước. Bây giờ trồng lúa chúng tôi đã chọn giống có chất lượng ngon, giá thành cao để trồng. Qua ti vi, tôi thấy nhiều hộ còn đưa các cây, con nuôi đặc sản vào nuôi trồng nên họ giàu lắm. Làm ruộng giờ cũng nhàn bởi máy móc đã thay thế rất nhiều công đoạn trong quy trình sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động cho người nông dân…
Ông Bùi Xuân Chinh, xã Gia Xuân (Gia Viễn) tâm sự: Đối với tôi, sự đổi thay dễ nhìn thấy nhất là diện mạo nông thôn đã khác xưa rất nhiều, nhất là từ sau khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương đều huy động được nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Nhà cửa được xây dựng khang trang, kiên cố; đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, nhựa hóa; đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân được nâng lên rõ rệt. Nhiều gia đình chỉ làm nông nghiệp cũng có thể xây nhà cao tầng, mua sắm được vật dụng sinh hoạt đắt tiền, tiện nghi. Đặc biệt, con em nông dân giờ đã có nhiều cơ hội tìm được việc làm ngay tại các nhà máy, công ty thuộc Khu công nghiệp Gián Khẩu. Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn xóm được xây dựng khang trang, đáp ứng tốt yêu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Có thể nhận thấy, trải qua chặng đường 25 năm phát triển, hòa với dòng chảy đi lên của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dưới ánh sáng Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, vươn lên chinh phục những đỉnh cao mới để rồi tự hào khắc thêm dấu mốc mới trong lịch sử phát triển của quê hương, đất nước. Những con số thống kê cho thấy, năm 1991, trước khi tỉnh Ninh Bình được tái lập, nền kinh tế còn nghèo nàn, nhỏ bé và lạc hậu. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với tỷ trọng chiếm 61%; công nghiệp-xây dựng chỉ chiếm 18,9%; dịch vụ chiếm 20,1%. Có tới 85% dân số trong độ tuổi lao động làm nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người là 0,84 triệu đồng…
Những năm sau này, nền kinh tế đã có sự chuyển dịch mạnh theo hướng phát triển công nghiệp-dịch vụ. Toàn tỉnh hiện có hàng chục khu, cụm công nghiệp nằm rải rác ở các huyện, thành phố, nhiều doanh nghiệp đã làm ăn, phát triển tốt, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Năm 2016, cơ cấu công nghiệp-xây dựng chiếm 43%; nông-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 14,65%; dịch vụ chiếm 42,35%. Nông nghiệp tuy giảm về tỷ trọng cơ cấu nhưng giá trị trên 1 ha canh tác đã tăng bình quân đạt 105 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, ngành du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách, trong đó phải kể đến Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; vườn quốc gia Cúc Phương; Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long... Năm 2016, đã có 6,5 triệu lượt khách du lịch đến với Ninh Bình, doanh thu từ du lịch đạt trên 1.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các con số: kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 6,6 nghìn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người là 40 triệu đồng cũng là những dấu mốc lớn cho thấy sự nỗ lực không ngừng của đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thời gian qua.
Năm mới Đinh Dậu đang về, trong sắc tươi hồng của muôn hoa, nhìn lại chặng đường 25 năm đã qua với những thành quả đã đạt được, mỗi người con của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử như được tiếp thêm động lực, nhân lên niềm vui để vững bước vào chặng đường mới, dù còn nhiều khó khăn, thách thức song nhất định sẽ thành công.
Bài, ảnh: Hà Trang - Thế Minh