Còn nhớ, ngày mới bước chân vào nghề báo, đối với tôi, viết về bất kỳ lĩnh vực nào cũng thấy khó. Chính vì nhận thức được điều đó mà tôi luôn tìm đọc tất cả các tác phẩm ở trên các số báo để học hỏi, để xem khi viết về đề tài, lĩnh vực này, người viết cần đề cập đến những nội dung gì. Thậm chí, tôi còn cẩn thận đọc và viết ra những câu hỏi cần phải hỏi vào cuốn sổ ghi chép, để khi về cơ sở, khi cần viết về lĩnh vực gì là có thể tự tin trao đổi, phỏng vấn cơ sở. Đây là một kinh nghiệm hết sức cần thiết khi mới bắt đầu làm báo bởi nếu không hiểu về lĩnh vực mình định viết, có khi lại có những câu hỏi hết sức "ngớ ngẩn" khiến cơ sở coi thường vì sự kém hiểu biết của phóng viên, nhất là khi gặp đối tượng cần viết là những người có trình độ, hiểu biết cao. Vốn học Luật nên khi bước vào nghề báo, khái niệm viết báo khá mờ mịt đối với tôi. Nhưng rồi vào làm 1, 2 tháng, thấy mọi người viết bài nhiều mà mình lại không viết được, "cái tôi" trong tôi bỗng thức dậy, lao vào "cuộc chiến". Bắt đầu là những chuyến đi không biết đường, vừa đi, vừa hỏi, rồi đến giai đoạn bắt quen và có bạn đồng hành là đồng nghiệp cùng cơ quan hoặc bên Đài PT-TH… Chặng đường làm báo ban đầu của tôi, như trong một lần chán nản tôi đã phải thốt lên với mẹ "Con không hợp với nghề báo" đã bắt đầu suôn sẻ, thuận lợi. Khi đó, cánh phóng viên trẻ vẫn hay nói với nhau về sự yêu nghề, say nghề… Bản thân tôi thì chưa thấy mình có được điều đó. Nhưng qua nhiều lần đi tác nghiệp, gặp những hoàn cảnh, những sự kiện, sự việc… dù không phải là những vấn đề mình cần viết, nhưng lại khơi gợi trong tôi những đề tài mới. Vậy là, bằng nhiệt huyết, sự chịu khó, có những lúc mình tôi mày mò về các vùng sâu, xa… để viết cho bằng được những đề tài mình nung nấu. Những vấn đề khi đó đang nóng bỏng như: việc khai thác cát trái phép, giáo dục mầm non- sự đầu tư chưa tương xứng… đã được viết ra bởi sự thôi thúc từ trách nhiệm của người cầm bút. Nhìn lại khoảng thời gian những năm đầu làm báo, qua những nỗ lực của bản thân, qua các bài báo được đồng nghiệp và độc giả đánh giá cao, bản thân tôi luôn tâm niệm: Làm nghề gì cũng cần có sự say mê, tâm huyết.
Tai nạn nghề nghiệp có lẽ là cụm từ không một người làm báo nào muốn gặp phải. Nhưng dù không muốn gặp thì có lẽ trong cuộc đời làm báo, có không ít nhà báo gặp phải, tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Nhớ lại những sai sót trong tác nghiệp, quả thật không lần nào giống lần nào. Nhưng chung quy lại, sự không cẩn thận, sự chủ quan đã khiến tôi một vài lần mắc lỗi. Lần sai sót về danh hiệu anh hùng của tập thể với cá nhân khiến tôi suy nghĩ và khóc rất nhiều vì không nghĩ rằng mình lại sai sót như thế. Đành rằng lỗi do mình chủ quan không kiểm tra lại thông tin, cứ một mực tin vào lời người được phỏng vấn. Nhưng nếu như bây giờ, khi Internet là điều quá quen thuộc, chỉ cần muốn viết về đề tài nào, chỉ cần gõ "google" thì nội dung nào cần tìm hiểu cũng có thì có lẽ tôi đã tránh được sai sót không đáng có. Ngay trong việc rút kinh nghiệm của lãnh đạo cơ quan về các tai nạn nghề nghiệp, TBT của chúng tôi đã khẳng định: tai nạn nghề nghiệp là điều không thể tránh khỏi trong nghề báo. Chỉ có điều mỗi người làm báo cần nâng cao trách nhiệm để không hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn nghề nghiệp có thể xảy ra.
Phụ nữ làm báo có nhiều lợi thế. Hẳn các chị em ở các cơ quan báo chí đều cảm nhận được điều đó. Với cách nói chuyện, vào đề nhẹ nhàng, duyên dáng, cách xử lý các tình huống, vấn đề… linh hoạt mang đặc trưng của giới nữ là một trong những lý do khiến nhà báo nữ thuận lợi khi làm báo.
Thực tế bản thân tôi cũng là một nhà báo nữ, cùng làm việc, tác nghiệp với nhiều đồng nghiệp nữ, tôi luôn khâm phục những đồng nghiệp có cách làm việc đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tôi lại muốn đề cập đến vấn đề trang phục của nhà báo nữ khi tác nghiệp. Nếu là người nông dân đang có mô hình kinh tế hiệu quả, được đón nhà báo về tìm hiểu, viết bài, bạn có hài lòng khi được đón tiếp một cô nhà báo trẻ với trang phục váy ngắn, trang điểm lòe loẹt, giầy cao gót? Đi viết bài về sản xuất nông nghiệp ở nông thôn nhưng chỉ ngồi một chỗ để hỏi, không dám trực tiếp đến tận nơi những con đặc sản được nuôi, ra tận ruộng để xem mô hình mới chỉ vì sợ bẩn giầy, lấm bùn vào váy áo? Hay khi đang phỏng vấn lãnh đạo một đơn vị nhưng khiến người ta không dám nhìn trực diện vào người phỏng vấn, chỉ đơn giản vì cổ áo của cô phóng viên quá trễ? Đã có nhiều đồng nghiệp đi trước của tôi, dù không nói ra nhưng qua cách ăn mặc của họ đã cho tôi những bài học sâu sắc: trang phục phải luôn hợp với hoàn cảnh. Nếu là về tác nghiệp vùng nông thôn, nên mặc trang phục đơn giản, quần âu sơ vin áo sơ mi chẳng hạn. Còn khi tác nghiệp tại các hội nghị, có thể diện váy nhưng váy không ngắn trên đầu gối, áo phải không mỏng, không khoét cổ sâu…
Thực tế thì quá trình làm báo của mỗi người đều có những bài học, những kinh nghiệm quý báu, riêng có mà trong khuôn khổ bài viết này không thể nhắc hết được. Chỉ biết rằng, những trải nghiệm với nghề chính là những "chất xúc tác" "nuôi lớn" mỗi nhà báo.
Bùi Diệu