Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Chánh Văn phòng điều phối XDNTM tỉnh cho biết: Sau 7 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Ninh Bình đạt được một số kết quả, thành tựu nổi bật là: Đã ban hành các cơ chế, chính sách, chủ trương, giải pháp thực hiện đồng bộ, phù hợp để chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình đạt được kết quả cao; hoàn thiện hệ thống quản lý, giúp việc các cấp từ tỉnh đến cơ sở, thường xuyên kiện toàn, phân công, phối hợp hoạt động có hiệu quả.
Chương trình có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp và mọi người dân, tạo thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa cao trong cộng đồng.
Bộ mặt nông thôn đã thay đổi một cách toàn diện, từng bước phát triển theo quy hoạch với 100% số xã đã hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch phát triển sản xuất, đã hoàn thành cắm mốc chỉ giới, ban hành quy chế quản lý quy hoạch; tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của địa phương. Tập trung ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, đời sống, nhân dân, phù hợp với nhu cầu sử dụng và nguồn lực huy động.
Xác định xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn là khâu đột phá với chính sách tỉnh hỗ trợ xi măng, các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ thêm vật tư, phương tiện, nhân dân tự nguyện hiến đất, đóng góp vật liệu, nhân công để làm đường, đến hết năm 2017 toàn tỉnh đã cấp 184.409 tấn xi măng, làm được 11.847 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 1.403 km; kiên cố hóa 957 tuyến kênh mương với chiều dài là 41.045km; xây mới, nâng cấp 552 trường học các cấp; 115 trạm y tế xã; 63 chợ nông thôn; 104 nhà văn hóa xã; 684 nhà văn hóa thôn; 119 bãi tập kết rác; 102 nghĩa trang...
Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa công trình nước sạch, cơ sở hạ tầng thương mại, khu thể thao, vui chơi nhằm tiết kiệm ngân sách và đáp ứng nhu cầu của người dân. Đã triển khai hỗ trợ nhiều mô hình phát triển sản xuất có giá trị kinh tế cao từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM và gắn xây dựng nông thôn mới với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thực hiện Nghị quyết 05 - NQ/TU ngày 24/10/2016 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững; đã triển khai hỗ trợ được trên 500 mô hình sản xuất, trong đó có 6 mô hình công nghệ cao.
Công tác dồn điền, đổi thửa tiếp tục được thực hiện, đến nay đã có 97 xã, huyện Yên Mô và thành phố Tam Điệp đã hoàn thành, với diện tích thực hiện trên 34.600 ha. UBND tỉnh đã cấp từ ngân sách hỗ trợ cho các xã số tiền là 30,765 tỷ đồng. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 110 triệu đồng/ha/năm. Triển khai kịp thời Chương trình quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) bước đầu đã khảo sát lập danh mục được 33 loại sản phẩm để đưa vào triển khai thực hiện.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại tiếp tục khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, đã hình thành nhiều cụm, điểm công nghiệp ở khu vực nông thôn, thu hút nhiều lao động với mức thu nhập khá cao; khuyến khích các hộ dân mở rộng, phát triển thêm ngành nghề, nhất là các nghề truyền thống như: chế biến nông sản, cơ khí, mộc, gốm sứ, đá mỹ nghệ, thêu ren... Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển các loại hình dịch vụ thăm quan, du lịch sinh thái nông thôn.
Thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật, đến nay 100% HTX nông nghiệp đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Năm 2017, GRDP bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 44,5 triệu đồng/người; thu nhập bình quân đầu người đạt 34,25 triệu đồng/người; trong đó khu vực nông thôn đạt 31,15 triệu đồng/người, tăng 18,6 triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 4,52%, giảm 1,25% so với năm 2016.
Chủ động lồng ghép nội dung của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" với việc thực hiện các tiêu chí XDNTM tại địa phương. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; nếp sống văn hóa ở cộng đồng... được phát huy mạnh mẽ và đến hết năm 2017 đã có 112/119 xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa, chiếm 94,1%. T
iếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học, toàn tỉnh đã có 408 trường đạt chuẩn quốc gia; có 115/119 xã đạt chuẩn tiêu chí giáo dục, chiếm 96,6%. Đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm thêm trang thiết bị cho các trạm y tế xã, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực y tế cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế với tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 89%; có 109/119 xã đạt chuẩn tiêu chí về y tế, chiếm tỷ lệ 91,6%.
Công tác vệ sinh môi trường nông thôn có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt trên 94%, tiếp tục thực hiện xã hội hóa các công trình nước sạch nông thôn. Hệ thống chiếu sáng, trồng hoa, cây xanh các tuyến đường được vận động, triển khai thực hiện có sức lan tỏa nhanh, được nhân dân đồng tình hưởng ứng; đã có gần 50 km đường được chiếu sáng, trồng hoa, cây xanh do người dân tự quản...với 95/119 xã đạt chuẩn tiêu chí môi trường và ATTP, chiếm 79,8%.
Hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh, cơ sở vật chất, nơi làm việc, trang thiết bị được đầu tư, nâng cấp. Qua xây dựng nông thôn mới, đội ngũ cán bộ được rèn luyện, trưởng thành, sâu sát, gần dân hơn, dám nghĩ, dám làm, cán bộ ở cơ sở từng bước được chuẩn hóa. Các tổ chức trong hệ thống chính trị được củng cố và ngày càng vững mạnh, chất lượng hoạt động, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân được cải thiện rõ rệt; dân chủ ở cơ sở ngày càng được tăng cường, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người dân và có 113/119 xã đạt chuẩn tiêu chí về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, chiếm 95%.
Tình hình quốc phòng, an ninh trật tự xã hội nông thôn cơ bản ổn định và giữ vững, không để xảy ra các điểm nóng; hạn chế phát sinh tai, tệ nạn xã hội, đã có 118/119 xã đạt chuẩn tiêu chí về quốc phòng và an ninh, đạt 99,1%.
Theo báo cáo, tổng nguồn lực huy động vào XDNTM đến hết năm 2017 của tỉnh đạt 32.528 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 7.649 tỷ đồng, chiếm 23,5% (gồm ngân sách trực tiếp là 3.224 tỷ đồng; ngân sách lồng ghép là 4.425 tỷ đồng); vốn tín dụng tham gia 15.422 tỷ đồng, chiếm 47,41%; vốn khu vực doanh nghiệp là 1.380 tỷ đồng, chiếm 4,24%. Nguồn huy động từ cộng đồng dân cư là 8.077 tỷ đồng ; chiếm 24,83% (trong đó dân đóng góp bằng tiền là 877,2 tỷ đồng).
Đã có 80/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 67,2%, có 2 đơn vị cấp huyện là: huyện Hoa Lư đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Số tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là 17,5 tiêu chí/xã (tăng 12 tiêu chí/xã so với năm 2010), không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. ở tỉnh ta, Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM đã tổ chức triển khai thực hiện một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, tạo thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa, được nhân dân đồng tỉnh hưởng ứng, tự nguyện đóng góp tiền của, công sức, trí tuệ, tích cực tham gia XDNTM.
Đinh Chúc