Bác Phạm Thị Di ( Khánh Thượng, Yên Mô) đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn đi ra vôi để có thêm thu nhập. Công việc của bác bắt đầu từ 7 giờ sáng tới 11 giờ trưa, chiều thì từ 1 giờ 30 tới 5 giờ. Bác kể: "Nghề này vất vả lắm, các bác phải cào, cuốc vôi củ từ những lò vừa chín, lửa còn ủ trong lò. Nhiều khi nóng rát mặt, cháy cả găng tay, giày ủng mà cũng phải làm. Vất vả nhất là lúc đội lên xe, vôi nóng thủng cả thúng, nóng tới nỗi cảm giác đang bị đốt trên đầu. Công việc không phải ngày nào cũng có. Nếu có thì cũng chỉ làm 2-3 ngày rồi lại nghỉ. Tiền công cũng bấp bênh vì còn phụ thuộc vào chất lượng vôi đạt yêu cầu là bao nhiêu phần trăm, chi phí và lãi lỗ của chủ lò dao động từ 65- 100 nghìn đồng.
Đa số lao động tại các lò vôi là phụ nữ. Họ đang chuẩn bị vào lò.
Cũng như bác Di, cô Nguyễn Thị Lụa (Khánh Thượng, Yên Mô) cho biết : "Đi ra vôi tranh thủ những lúc nông nhàn, nhưng không phải lúc nào cũng có việc, phải có lò vôi nào mà chín thì mới đi làm không thì lại ở nhà thôi. Nghề này tuy vất vả nhưng được cái làm ngày nào có tiền luôn ngày đó, nên cũng có đồng ra đồng vào".
Công việc tại một lò thường có khoảng gần hai chục người làm, chủ yếu là phụ nữ. Người cuốc, người cào, người nhặt nhạnh và người đổ vôi củ lên thùng xe ô tô. Mặc cho sức nóng của lửa và của trời mùa hè thiêu đốt, những chiếc áo dày cũng ướt đẫm vì mồ hôi, họ vẫn miệt mài lao động vì chủ lò thường giám sát khá chặt. Họ làm vậy là bởi: Cái thứ vôi củ này mà gặp nước mưa, nó tỏa ra là hỏng hết đấy. - Một chủ lò nói.
Mặc cho lò vôi còn đỏ lửa, họ vẫn phải lao vào cào, nhặt, đội vôi, bởi nếu chậm, không may gặp mưa, vôi củ trong lò tỏa ra thành vôi bột, công lao động của họ sẽ bị giảm do chủ lò bị thiệt hại.
Những người phụ nữ làm nghề này ai cũng phải có vết tích của lửa nóng cháy da cháy thịt. Chỉ có mình găng tay là được chủ lò trang bị còn lại khẩu trang, giày, ủng người lao động tự túc. Những trang bị của họ cũng thô sơ, không thấm gì với sức nóng của lửa. Bàn tay người phụ nữ nào đi ra vôi một thời gian cũng trở nên thô ráp, trai sần và không ít dấu vết của bỏng. Tất cả các công việc từ nhặt vôi, phân loại vôi chín và chưa chín cũng bằng tay…
Dụng cụ, bảo hộ lao động tối giản, tự trang bị để chống lại lửa lò, bụi vôi và các loại khí độc hại tỏa ra từ lò vôi.
Không khí xung quanh lò vôi ngột ngạt, khó thở. Trong không khí xem giữa mùi cháy khét của vải, nhựa là khói bụi từ vôi tỏa ra, trắng xóa trên mái tóc của những ai không đội nón. Bụi bay từ lò vôi ra trắng cả một góc, xem trong đó là một mùi hăng hắc khó chịu, mùi của bụi vôi tỏa. Nước ở ruộng cạnh lò cũng chuyển một màu đục của nước vôi.
Hết buổi làm việc, áo quần của ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Những giọt mồ hôi rơi vào mắt, miệng cay xè và mặn chát.
Hồng Gấm