Thời điểm này, các địa phương trên địa bàn huyện Gia Viễn bước vào vụ thu hoạch lúa. Mới hơn 8 giờ sáng, dưới ánh nắng gắt, nhiệt độ đã bắt đầu tăng. Mặc dù đã thấm mệt song ai cũng cố làm cho thật nhanh để sớm hoàn thành công việc.
Vừa thoăn thoắt tay liềm, anh Đinh Văn Đáp ở thôn Văn Hà, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn vừa nói: ở những diện tích thuận lợi thì đa số bà con gặt bằng máy gặt hết. Nhưng đối với diện tích trũng, máy gặt không xuống được thì phải gặt bằng tay. Diện tích này của gia đình tôi là 4 sào, để xong sớm trước khi trời nắng nóng gay gắt, tôi đã phải thuê thêm 2 công lao động và huy động hết các thành viên trong gia đình cùng tham gia. Vậy nhưng do thời tiết nắng nóng ngay từ sáng sớm và diễn ra trong nhiều ngày qua nên ai cũng thấm mệt, tốc độ làm việc không thể nhanh được. Với diện tích này, chúng tôi phấn đấu phải xong trước 10 giờ trưa, nhưng chưa chắc đã hoàn thành được…
Đối với những gia đình có diện tích gặt bằng máy cũng gian nan không kém. Vì không thể biết lúc nào máy gặt qua diện tích lúa nhà mình nên mọi người đều phải tập trung ra đồng từ sớm và phải đợi đến khi nào máy đến gặt lúa nhà mình thì khi ấy mới gọi là đến lúc làm việc. Có nhà phải đợi đúng đến trưa, nắng nóng gay gắt, ngoài đồng không một bóng cây mà trú chân, vậy nhưng người nông dân vẫn phải oằn mình dưới nắng vác từng bao lúa lên xe để chở về nhà.
Đối với gia đình bà Xuyến ở xã Gia Vượng thì dù đã thu hoạch lúa xong nhờ máy gặt, tuy nhiên, do diện tích lớn được thu hoạch trong một buổi nên việc phơi thóc khi thu hoạch về gặp nhiều khó khăn, rất vất vả. Bà Xuyến cho biết: Diện tích ruộng nhà tôi là 8 sào, tương đương với trên 1,6 tấn lúa tươi được chở về nhà. Việc phơi lúa cũng là một công đoạn quan trọng và vất vả của người nông dân. Do diện tích sân nhà chật lại rợp cây nên tôi cũng phải thuê nhân công chở ra tận nhà văn hóa trung tâm xã để phơi nhờ. Trời nắng nóng quá trong khi công việc phải làm trực tiếp dưới nắng nóng nên mọi người làm việc rất mệt mỏi. Với nhiệt độ cao như thế này, chỉ chừng 2-3 giờ chiều là lúa khô săn, nếu để khô quá thì gạo nát, mất ngon nên dù là lúc nắng nóng cao điểm chúng tôi vẫn phải ra nắng thu gọn lúa, quạt sạch rồi mới đóng bao thóc chở về nhà. Nắng như đổ lửa, lại thêm sức nóng từ đường bê tông, từ lúa… nhiều lúc tôi muốn ngất xỉu luôn. Vất vả thì không lời nào kể cho hết, nhưng nhìn thóc đầy bồ thì ai cũng vui mà quên đi mọi nỗi mệt nhọc.
Còn bà Đinh Thị Diệp là một người bán hàng rong trên địa bàn thành phố Ninh Bình. Năm nay ngoài 50 tuổi, bà Diệp gắn bó với chiếc xe đạp cà tàng, với những nẻo đường để đi bán hoa quả rong cũng đã được ngót chục năm nay. Bà Diệp kể, quê bà ở tận bên Nam Định. Để nuôi mấy đứa con ăn học, cứ cấy gặt xong là bà lại sang Ninh Bình làm nghề bán hàng rong.
Trước bà bán dép, kết hợp bán xoong nồi, nhưng mấy năm nay, việc bán những mặt hàng này gặp khó khăn nên bà chuyển sang bán hoa quả. Một ngày bắt đầu từ 3 giờ sáng, dậy sớm ra chợ đầu mối hoa quả để lấy hàng rồi rong ruổi trên những chuyến hàng rong.
Công việc bán hàng rong vốn vất vả, nhưng vào những ngày thời tiết không thuận lợi như mưa phùn giá rét hay nắng nóng thì người bán hàng vất vả hơn gấp nhiều lần. Tuy vậy, bà Diệp cũng không dám nghỉ buổi chợ nào. Bà Diệp bảo, mấy ngày nay trời nắng nóng, các con của bà cứ điện thoại về bảo mẹ tạm nghỉ, khi nào hết nắng, nóng thì đi. Bà nhận lời cho bọn chúng yên lòng, chứ nghỉ một buổi chợ là bà Diệp lại tiếc.
Trời nắng nóng thì mọi người ngại đi ra ngoài mua sắm, mình mang đến tận nơi thì người ta sẽ mua nhiều hơn. Cứ nhủ đi sớm, về sớm. Nhưng đối với người bán hàng thì về sớm hay muộn phụ thuộc vào việc có hết hàng sớm hay không. Mùa nắng nóng này hoa quả không được bảo quản tốt thì dễ bị hư hỏng, vì vậy số lượng hàng đã lấy bà phải cố gắng bán hết trong ngày.
Cứ long dong vậy, nắng mệt quá thì nghỉ chân rồi lại tiếp tục hành trình đến khi nào hết hàng mới về. Những ngày lễ thì hết hàng sớm hơn, chứ ngày thường thì hàng bán cũng chậm.
"Việc bán hàng cũng không thuận lợi lắm vì bây giờ người dân thường có thói quen mua hoa quả ở siêu thị, ở những đại lý bán hoa quả sạch… Vì vậy, để bán được hàng thì tôi phải đi cung đường xa hơn, vào tận các ngõ ngách để phục vụ cho những khách hàng không có điều kiện đi chợ được. Trời nắng là để những gia đình khá giả nghỉ ngơi thôi, chứ với lao động nghèo như mình thì lại là cơ hội để tăng thêm thu nhập.Tuy khó khăn hơn xưa, nhưng mỗi ngày cũng kiếm được trăm ngàn. Tằn tiện thì cũng đủ để gửi tiền ăn, trọ cho con trai đang học Đại học trên thủ đô. "- Bà Diệp nói.
Chia tay bà Diệp, chúng tôi tìm gặp một tốp thợ đang lăn sơn cho một gia đình tại phường Tân Thành. Trong lúc nhiệt độ ngoài trời cao tới 40oC thì những người thợ lăn sơn vẫn phải miệt mài làm việc. Anh Khang, trưởng nhóm thợ cho biết, dù mệt nhưng cũng không dám nghỉ vì ai cũng cố gắng làm cho xong sớm phần việc của mình. Càng trưa thì trời càng nóng, buổi chiều nắng nóng đến tận 4 giờ chiều, lúc đó thợ mới làm việc tiếp được.
Nếu thời gian mà không gấp quá thì những ngày nắng nóng cực điểm thế này anh Khang cũng cho thợ nghỉ vài ngày, song đã hợp đồng với chủ nhà rồi, mà chủ nhà chuẩn bị về nhà mới nên yêu cầu đội thợ làm khẩn trương. Vì vậy mà dù thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ rất cao, chúng tôi vẫn phải làm việc.
Tuy khẩn trương nhưng cũng không vội vàng được vì công viêc này đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết. Nếu làm ẩu, làm vội, chất lượng công trình không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến uy tín của đội. Trong những ngày nắng nóng như thế này, chúng tôi bắt đầu ngày làm việc từ sáng sớm và buổi chiều thì làm muộn hơn.
Còn nhiều lắm những hình ảnh người lao động phải "quăng" mình trong nắng nóng để mưu sinh. Vất vả, nhưng không thể dừng bước. Những giọt mồ hôi mặn chát nhỏ xuống là để giải quyết những bộn bề của cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài mà họ phải đối diện.
Đào Hằng-Minh Quang