Đơn giản bởi HTX gốm Gia Thủy (Nho Quan) nằm tách biệt khỏi khu dân cư, sản xuất tập trung, chuyên nghiệp.
Dù vậy, bóng dáng của gốm tràn ngập khắp nơi: từ những dãy dài chum vại, ấm chén đến những hàng rào tường gạch được điểm tô bởi muôn vàn mảnh gốm vụn đủ hình thù, màu sắc. Và mặc cho những chuyến xe lớn nhỏ đến chở hàng đi khắp nơi, không khí trong lò gốm vẫn nhịp nhàng, bình yên. Nó trật tự ngay cả từ cách sắp xếp sản phẩm mới. Cái còn ướt màu đất, cái đã phơi màu bạc phếch, cái đã qua lò khỏe khoắn, phong trần màu cánh dán.
Ông Trịnh Văn Hòa, Chủ nhiệm HTX gốm Gia Thủy cho biết, khác với gốm ở một số địa phương khác, gốm Gia Thủy được làm từ nguyên liệu là đất sét vàng. Sản phẩm được làm thủ công hoàn toàn từ khâu làm đất, thấu đất, nặn, chuốt đến trang trí, phơi nắng tự nhiên và nung trong lò củi. Sản phẩm khi còn thô có màu vàng, khi nung ở nhiệt độ từ 1200- 1300oC thì sẽ chuyển sang màu cánh dán, đây chính là màu lý tưởng nhất. Dáng của gốm mộc mạc, thô phác bởi không có men nhân tạo nhưng khỏe khoắn, đẹp nguyên sơ bởi sự hòa quyện giữa đất và lửa. Những sản phẩm gốm gắn bó với mọi nhà như: vại, vò, ấm chén, đặc biệt là chum đựng rượu còn rất tốt cho sức khỏe người sử dụng. Có lẽ, đó chính là những thứ làm nên nét duyên độc đáo của gốm Gia Thủy. Và ở mỗi sản phẩm, khách hàng không chỉ thấy kỹ thuật điêu luyện mà còn cảm nhận được sự tinh tế, hồn nhiên của bao thế hệ nghệ nhân đã được cô đọng lại trong từng đường nét.
Để làm ra một sản phẩm gốm hoàn chỉnh, đến tay người tiêu dùng thì có nhiều công đoạn, và vai trò của công đoạn nào cũng quan trọng như nhau. Ngay cả những công đoạn tưởng chừng như đơn giản, chỉ cần có sức vóc là đã hoàn thành được nhiệm vụ như: làm đất, thấu đất hay nung lò cũng đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mỉ, lành nghề, quan sát tinh tế và sáng tạo.
Ông Trịnh Văn Long, người đã gắn bó với lò gốm gần nửa thế kỷ qua tâm sự: Từ khi khởi nghề làm gốm, tôi đã gắn bó với nhiệm vụ làm đất. Đừng nghĩ rằng làm đất là đơn giản. Trước đây, đất được lấy về thì nhào nặn và làm luôn. Quá trình làm chúng tôi thấy nếu để đất lẫn nhiều tạp chất thì khi nung sản phẩm sẽ bị nổ, bị rạn không đẹp mắt, thậm chí phải bỏ đi vì bị thủng. Từ đó, chúng tôi rút ra kinh nghiệm là phải chế biến đất trước khi làm. Theo đó, đất khi lấy về sẽ được phơi khô, đập nhỏ rồi cho vào bể ngâm. Sau đó, dùng máy quấy đều rồi múc lọc qua sàng. Gạn bớt nước phía trên, lấy phần đất đông đặc rồi mang ra phơi khô, đến khi đất đủ tầm dẻo là mang ra làm được. Việc phơi đất cũng phải thật tỷ mẩn, bởi nếu để đất khô quá hoặc ướt quá thì sẽ rất khó tạo hình. Bởi thế, mà trong những bài học đầu tiên dành cho thế hệ trẻ khi theo nghề làm gốm, chúng tôi đều nhắc nhở rằng làm ở bất cứ khâu nào cũng quan trọng, người thợ cần tự hào và không ngừng học hỏi, sáng tạo để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Anh Trần Văn Quang, 41 tuổi và đã có 5 năm làm ở bộ phận nung tâm sự: Khi mới xin vào làm trong lò gốm, tôi rất muốn được làm ở bộ phận tạo hình để được trở thành nghệ nhân, nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng khi làm việc ở bộ phận nung một thời gian thì tôi càng thấy yêu công việc này hơn. Việc tiếp củi vào lò nung những tưởng đơn giản, song thực tế, để ra được lô sản phẩm đẹp, chất lượng thì công đoạn nung sản phẩm đóng vai trò quyết định. Nếu trong quá trình nung, thợ không điều chỉnh lửa, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp thì sản phẩm sẽ cong, vênh, rạn, hoặc cháy quá…Mỗi người thợ phải ham học hỏi, chịu khó quan sát và nhạy bén để có được kỹ năng "nhìn lửa, đoán nhiệt độ" cho mình.
Điều đáng trân trọng là dù làm ở những công đoạn khác nhau, nhưng mỗi người thợ ở đây đều có ý thức và tạo điều kiện tốt nhất cho nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi với họ, mẻ sản phẩm ra lò thực sự là những "đứa con chung", ai cũng muốn nó phải hoàn hảo, không tỳ vết. Gắn bó với nhau bởi tấm chân tình, vì thế mà với mỗi người thợ, xưởng gốm đã trở thành ngôi nhà thứ 2. Những đồng nghiệp kia chính là người thân, người bạn. Những tinh hoa trong nghề trở thành niềm tự hào chung của cả đội.
Sự giao thoa giữa các thế hệ tạo nên sức sống mãnh liệt của gốm Gia Thủy. Với những kiến thức đã được học, thế hệ trẻ Gia Thủy hôm nay cũng đang say sưa thổi hồn vào đất. Họ không ngừng sáng tạo và phát triển những tinh hóa của nghề gốm. Nhìn những người thợ trẻ thoăn thoắt vuốt nặn gốm bên bàn xoay, hay miệt mài, tỷ mẩn từng nét vẽ trang trí sản phẩm, chúng tôi hiểu rằng tình yêu tha thiết với gốm đã giúp tâm hồn họ thăng hoa. Gốm Gia Thủy hôm nay không chỉ đơn thuần là những mặt hàng thô sơ như nồi, ấm, chum, vò, vại... mà ngày càng tinh xảo, gần gũi hơn với cuộc sống hiện đại bởi các mặt hàng mỹ nghệ như: chum từ 1-100 lít, cùng các mặt hàng trang trí nội thất bằng đồ sành như ấm, chén, đĩa hoa, lọ hoa, chậu cảnh, đèn vườn…
Đất cũng không phụ người. Mỗi tháng, thu nhập của những người thợ lò gốm Gia Thủy dao động từ 3 đến 5 triệu đồng. Gốm đã giúp họ no ấm. Chứa đựng trong từng sản phẩm, là kỹ thuật điêu luyện, là cả tình người lắng đọng. Phải chăng, đây chính là điểm hấp dẫn của gốm Gia Thủy, để nghề mãi trường tồn?
Bài, ảnh: Đào Hằng