Sau lời chào hỏi của vị "khách sộp" một chị đang mò cua, bắt ốc ở ven sông kéo từng chiếc làn (đựng trai, ốc) tiến lại gần và hỏi: -Cô mua nhiều không?
-Cũng vừa vừa thôi chị (tôi đáp).
-Gớm, "khách sộp" đã mua thì phải mua nhiều nhiều vào chứ! (người đàn bà bắt ốc mặt lấm lem, cười tươi).
Thấy có khách hỏi mua, nhiều chị đang bắt ốc cũng dừng tay và lên bờ tham gia cuộc mua - bán.
Chìa đôi bàn tay với chi chít những vết sẹo đã thâm đen, một người phụ nữ gầy, nhỏ, trạc 65 tuổi có tên Đầng nói: Đấy, cô xem, những vết trầy xước này là do những vỏ ốc, thủy tinh, chai lọ vỡ đâm vào trong khi mò ốc, trai... Hàng ở đây đều được bắt ở dưới sông kia nên đảm bảo "sạch", cô cứ yên tâm mua nhiều về mà dùng.
Trò chuyện với bà Đầng, tôi được biết, bà ở xã Gia Tiến- địa phận giáp đê tả sông Hoàng Long. Bà nói: Từ xa xưa, nhiều nông dân Gia Tiến, Gia Trung cứ xong mùa vụ là lại ra sông Hoàng Long để mò cua, bắt ốc. Thời gian đầu chỉ là để cải thiện bữa ăn cho gia đình.
Nhưng sau này, cua, ốc được nhiều người mua thì mò cua, bắt ốc đã trở thành nghề của không ít chị em phụ nữ nông thôn. Khi mới theo các chị trong xóm đi làm, thấy vất vả quá, đã nhiều lần bà định bỏ nhưng vì mò trai, ốc cũng cho thu nhập cao nên ngày càng ham.
"Khoảng hơn 10 năm trước khi chưa có quần ủng, áo mưa thì mỗi lần mò chỗ sâu, tôi phải dầm nước ngập đến cổ, bắt được giỏ cua, ốc thì người cũng ướt như "chuột lột". Nhưng bây giờ đã có quần ủng, áo mưa bảo hộ, việc mò cua, bắt ốc cũng đỡ vất vả hơn"- bà Đầng tâm sự.
Chị Lương- một trong những người bạn cùng đi mò cua, bắt ốc với bà Đầng thanh minh thêm: Bắt trai, ốc cực lắm cô ạ. Vào mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông thì dù mặc hai, ba lớp áo mưa vẫn rét thấu da, thấu thịt. Nếu như trước đây, mỗi ngày tôi có thể bắt được 50-80kg ốc, trai, vẹm… thì giờ chỉ mò được vài chục cân mỗi ngày. Hôm nào gặp bãi nhiều trai, ốc thì số lượng có thể hơn một chút.
Cũng may, trai, ốc bắt được đến đâu có thương lái đến trực tiếp thu mua đến đó với giá trung bình 4-5.000 đồng/kg, còn nếu đem ra chợ cũng được 8-10.000 đồng/kg, nhưng đó là con to, việc mua bán ở chợ cũng rất chậm. Thế nên, chúng tôi thường để cho thương lái mua buôn, lãi ít một chút nhưng "tiền tươi, thóc thật"!
Cũng theo những người mò trai, ốc ở trên khúc sông này: Khoảng chục năm trước, nghề mò trai, ốc rất phát triển. Bởi thấy thu nhập cao từ nghề nên nhà nhà đua nhau đi mò trai, bắt ốc.
Nhờ vậy, kinh tế nhiều gia đình đã khá lên trông thấy. Hàng ngày, khi trời mới tang tảng sáng, bà Đầng, chị Lương cũng như nhiều phụ nữ trong thôn đã trở giấc để chuẩn bị hành trang cho một buổi mưu sinh.
Đồ nghề của họ đơn giản chỉ cần chiếc bao tải, chiếc làn, bộ quần áo mưa và chiếc xe đạp là có thể "lên đường" bắt đầu cuộc mưu sinh. Hầu như ngày nào chị Lương và những người bạn cũng đi, họa hoằn những hôm trái gió, trở trời hoặc quá rét các chị mới nghỉ. Vì vậy, mỗi chị cũng kiếm được vài triệu đồng mỗi tháng.
Nghề mò trai, ốc những tưởng chỉ dành cho chị em nhưng lại có rất nhiều người đàn ông tham gia. Phụ nữ đi mò trai, bắt ốc thường chỉ quanh quẩn ở các vùng bãi bồi ven sông. Còn những người đàn ông, họ có thể lặn ngụp dưới nước sâu nên số lượng trai họ bắt được thường nhiều hơn và giá trai bán ra thị trường cũng cao hơn do trai sống ở nơi nước sâu thường to, béo hơn…
Ông Chung ở xã Gia Trung- người nhiều năm mưu sinh bằng nghề mò trai, ốc ở sông Hoàng Long cho biết: Lặn bắt trai dưới đáy sông là một nghề mưu sinh gian truân và đầy nguy hiểm.
Thế nhưng, do không tìm được việc làm khác, với lại làm nghề này không cần đầu tư vốn liếng nên tôi đã theo nghề được mấy năm rồi. Trung bình mỗi ngày tôi cũng bắt được vài chục kg trai, ốc, thậm chí có ngày kiếm được hơn tạ trai, ốc lớn nhỏ, cũng kiếm được 300-500.000 đồng/ngày.
Theo ông Chung, để bắt trai dưới lòng sông, điều đầu tiên đòi hỏi ở người bắt là phải biết lặn, có sức khỏe tốt để ngâm dưới nước hàng giờ. Bên cạnh đó cần có sự kiên trì vì không phải lúc nào ở dưới lòng sông cũng có nhiều trai.
Đặc biệt là những người mò trai dưới lòng sông không được đi ủng, phải đi chân đất để dẵm bùn và "dò trai". Sự dũng cảm cũng là điều cần có ở những người mưu sinh dưới lòng sông. Bởi khi lặn ngụp mò trai, họ phải tự mình xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra.
Vì bám trụ và sống được từ công việc bắt trai, ốc nên hầu như ngày nào trên sông Hoàng Long (đoạn qua xã Gia Trung, Gia Tiến) cũng có người đi mò. Đặc biệt, những năm gần đây khi nhu cầu của thị trường về trai, ốc ngày càng lớn thì càng có nhiều người làm nghề.
Những người mò trai, ốc thích nhất là vào tháng 10 (âm lịch) nước sông cạn, trai, ốc lúc này to và béo nhất trong năm, trời lại dịu mát, việc mưu sinh của họ bớt vất vả hơn, giá của những con trai, ốc vì thế cũng cao hơn. Nhưng điều mà họ sợ nhất là trời mưa, rét kéo dài khiến họ không thể ra sông và như vậy, cuộc sống cũng sẽ khó khăn hơn.
Mưu sinh bằng nghề mò trai, ốc thu nhập tương đối, nhưng đổi lại, sức khỏe của họ cũng bị giảm sút nhiều vì phải ngâm mình hàng giờ dưới nước, cúi nhiều cũng dẫn đến bệnh đau lưng. Đặc biệt, với phụ nữ họ thường mắc các bệnh phụ khoa do nước sông ô nhiễm...
Chia tay những người dân quê cần mẫn, tôi không quên hỏi sao mình lại là "khách sộp?" bà Đầng cười tươi giải thích: Do cô mua hàng nói sao trả vậy chứ không như các bà buôn "đặt con ốc lên, hạ con ốc xuống" rồi chê bai, ép giá".
Ôi, những người dân quê cần mẫn. Chỉ đơn giản chừng ấy thôi mà họ đã cho là… "khách sộp" rồi! Nhưng họ cũng giúp tôi hiểu rằng: Mưu sinh vất vả là vậy, bị thương lái "ép" là vậy, song, những người mò trai, ốc trên sông vẫn quyết tâm bám trụ với nghề.
Bởi lẽ, đây không chỉ là nghề mang lại miếng cơm, manh áo cho họ mà hơn hết với họ sông nước đã là một phần của cuộc sống. Mong cho trời yên, bể lặng để những người dân quê cần mẫn có thể đi làm thường xuyên hơn, đảm bảo chi tiêu, sinh hoạt cho gia đình.
Mai Lan