Lặng thầm nỗi đau người Mẹ Chúng tôi tới thăm gia đình mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Ngắn ở xóm 3, thôn Thượng Hòa, xã Gia Thanh (huyện Gia Viễn) vào một ngày cuối tháng bảy. Năm nay, mẹ Ngắn đã 92 tuổi. Sức khỏe của mẹ cũng kém đi nhiều, song ký ức về hai người con trai đã nằm lại chiến trường thì vẫn đong đầy. Mẹ Ngắn bảo, mẹ sinh được 8 người con, nhưng nết ăn, nết ở của từng người, đặc biệt là hai người con trai Bùi Trí Sơn và Bùi Trí Thái thì vẫn nhớ như in. Chấm vội dòng nước mắt, mẹ Ngắn bảo ngày hy sinh chính xác của hai người con thì gia đình không biết chắc, bởi vậy, gia đình đã chọn ngày 27- 7 hàng năm để làm ngày giỗ chung cho hai con. Vào ngày này, ngoài mâm cơm đạm bạc, bao giờ Mẹ cũng sắp một đĩa quả hái trong vườn nhà để thắp hương các con.
Ngồi bên cạnh mẹ Ngắn là ông Bùi Hồng Lĩnh. Ông Lĩnh là người con trai duy nhất của mẹ được trở về sau cuộc chiến. Ông Lĩnh kể: Tôi và em trai Bùi Trí Sơn là anh em sinh đôi. Bởi vậy, ngoài tình anh em, chúng tôi còn là những người bạn thân thiết. Sơn hiền lành, ít nói và luôn là đứa con ngoan, được bố mẹ tôi yêu quý. Năm 1969, khi tròn 20 tuổi, em tôi bất ngờ nói với gia đình là em đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Anh trai cả của tôi là Bùi Trí Thái cũng đã nhập ngũ trước đó 3 năm. Trước ngày nhập ngũ, em trai tôi dặn dò, nhà mình có 3 người con trai, anh cả và em tòng quân rồi, anh ở nhà chăm lo cho bố mẹ và các chị. Vậy nhưng, sau khi em Sơn nhập ngũ chừng một năm thì tôi cũng lên đường tòng quân.
Mỗi anh em một mặt trận, vì thế chúng tôi bặt tin nhau. Năm 1974, khi tôi được về tranh thủ qua nhà vài tiếng đồng hồ, tôi mới biết cả anh trai và em trai tôi đã hy sinh. Mẹ Ngắn nghẹn ngào: Thái hy sinh vào tháng 6-1972, thời tiết khi ấy cũng nắng nóng lắm. Tôi còn nhớ rõ cái ngày bi thương ấy, khi tôi đang cấy ngoài đồng thì con gái út chạy ra báo tin vừa nhận được giấy báo tử của Thái. Vẫn biết, vào mặt trận thì cái lằn ranh sinh tử rất mong manh, những mất mát, hy sinh ấy là điều bất kỳ người mẹ nào có con vào chiến trường cũng phải lường trước. Khi nhận được tin con hy sinh, tôi bàng hoàng lắm, nước mắt cứ lã chã rơi, trái tim thì nghèn nghẹn như có ai bóp chặt… Nỗi đau chưa kịp nguôi thì gần một năm sau, gia đình tôi lại nhận được giấy báo tử của Sơn. Chiến tranh đã đi qua tròn 40 năm rồi. Các con tôi đã yên nghỉ ở một nơi nào đó trên dải đất Việt Nam này. Điều tôi day dứt mãi đó là đến giờ vẫn chưa từng được thắp nhang lên mộ phần của các con…
Mẹ VNAH Đặng Anh Phương ở phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) năm nay cũng 90 tuổi. Mái tóc mẹ đã trắng như cước và lưng mẹ cũng đã còng lắm rồi. Mẹ Phương nói, hai người con trai của mẹ là Phạm Việt Anh và Phạm Việt Thanh đã hy sinh ở chiến trường B. Đến nay, gia đình mẹ vẫn chưa tìm thấy hài cốt của con. "Trước đây, khi còn sống, ông nhà tôi vẫn thường nói rằng dù các con có nằm ở đâu thì cũng là trên mảnh đất Việt thiêng liêng, là nơi các con và đồng đội đã bỏ xương, máu của mình để giành lấy. Ông ấy luôn tin rằng dù không được về gần gia đình nhưng các con vẫn không cô đơn vì còn có đồng đội, có tấm lòng của những người đang sống… Những điều ông nhà tôi nói đều đúng, có thể khi tìm thấy mộ con, chúng tôi vẫn để con nằm lại nơi con đã ra đi song tôi vẫn mong mỏi có ngày được tận mắt nhìn thấy mộ của con"- mẹ Phương xúc động.
Mẹ còn có chúng con
"Các anh không trở về nữa, nhưng mẹ vẫn còn có chúng con. Chúng con sẽ thay các anh làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của một người con đối với Mẹ"- Đó là lời hứa từ trái tim của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức huyện Gia Viễn trong buổi lễ nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ngắn diễn ra vào đầu năm 2015 vừa qua. Mẹ Ngắn cũng chia sẻ rằng, bằng những việc làm thiết thực, ân tình của bà con lối xóm, chính quyền địa phương, các cháu thiếu nhi… nhất là những lúc trái nắng trở trời đã thực sự sưởi ấm trái tim của các Mẹ.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Ninh Bình có 1.104 Bà Mẹ (VNAH), trong đó truy tặng 900 Mẹ, phong tặng 176 Mẹ. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 87 Mẹ còn sống. Xác định rõ ý nghĩa của việc nhận phụng dưỡng và chăm sóc các Mẹ VNAH, các đơn vị trong tỉnh đã lên kế hoạch, triển khai kịp thời nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm sóc đời sống mọi mặt, vun đắp tinh thần để các Mẹ được vui tươi, ấm áp hơn trong quãng đời còn lại. Các đơn vị nhận phụng dưỡng thường xuyên tới thăm hỏi tình trạng sức khỏe, điều kiện sinh hoạt của các Mẹ; tặng quà và tiền phụng dưỡng hàng tháng, chúc các mẹ sống vui, sống khỏe, tiếp tục giáo dục lớp trẻ phát huy truyền thống cách mạng, ra sức xây dựng quê hương.
Trong phong trào chăm sóc phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều việc làm cụ thể như hưởng ứng các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Trần Quốc Toản", "áo lụa tặng bà" trong thanh, thiếu nhi; phong trào "Tấm chăn ấm lòng mẹ"; "Quà tặng mẹ" của Hội phụ nữ; phong trào "Nhà tình nghĩa" tặng "sổ tiết kiệm", "phụng dưỡng suốt đời Mẹ VNAH" của các đoàn thể, tổ chức với sự tham gia tích cực của toàn xã hội. 5 chương trình chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng đã được cụ thể hóa trong các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của các cấp, các ngành… Những việc làm đó đã khơi dậy tình cảm, trách nhiệm của nhân dân đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, động viên những người có công tiếp tục phấn đấu vươn lên cống hiến cho xã hội. Phong trào phụng dưỡng Bà mẹ VNAH đã được các địa phương, đơn vị hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay, 100% Mẹ VNAH còn sống đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời với mức trợ cấp từ 500.000 đồng/tháng trở lên. Chất lượng phụng dưỡng ngày càng được nâng lên cả về biện pháp phối hợp và nội dung chăm sóc. Những nghĩa tình ấy đã kịp thời động viên về mặt tinh thần, giúp đỡ cải thiện đời sống vật chất, góp phần làm vơi đi những nỗi đau để các Bà mẹ VNAH có cuộc sống tốt hơn.
Đào Hằng