Với một tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", họ đã cống hiến tuổi thanh xuân với bao ước mơ, hoài bão đẹp đẽ để "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Giờ đây khi trở về với cuộc sống đời thường, những người "lính không sao, không vạch" ấy vẫn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên để xứng đáng với những hy sinh năm xưa của đồng đội trên tuyến lửa.
Năm 1965, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh thanh niên Nguyễn Ngọc Nguyện ở xóm Hạ, thôn Đông Mai, xã Khánh Hải (huyện Yên Khánh) đã nộp đơn tình nguyện tham gia thanh niên xung phong. Ra chiến trường mang theo bao ước mơ của tuổi trẻ, một mối tình thầm lặng chưa nói thành lời, người thanh niên ấy đã tình nguyện cùng bạn bè ở đơn vị HR100 phá đá, mở đường trên tuyến Hà Giang đến biên giới Thanh Thủy, sau đó vào tuyến lửa Quảng Trị. Anh tâm sự với chúng tôi, lúc đó chỉ biết xông lên, không nghĩ đến hiểm nguy. Với nhiệt huyết sôi nổi của tuổi trẻ, trong những ngày tháng chiến đấu trên tuyến đường ác liệt ấy, anh đã nhiều lần lặng đi trước những hy sinh, mất mát của đồng đội. Với anh, những ngày tháng phục vụ trên chiến trường luôn đầy ắp những kỷ niệm khó quên. Trở về với đời thường, những vết thương của anh luôn tái phát lúc trái gió, trở trời. Anh đã xoay rất nhiều nghề nhưng không thu được hiệu quả, cuối cùng anh quyết định đấu ruộng khoán để làm 2 trang trại nấm với tổng diện tích 8 sào và kết hợp phát triển kinh tế theo mô hình VAC với 2 đàn vịt, mỗi đàn 300 con. Lúc đầu vợ chồng anh không có tiền để nhập giống cũng không có đủ điều kiện để vay ngân hàng nhưng đồng đội cũ đã giúp đỡ anh, quyên góp cho vay tiền để làm ăn. Những đồng vốn quý báu đầu tiên ấy đã giúp anh vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. Hiện nay tổng thu nhập của gia đình anh mỗi năm sau khi đã trừ chi phí đạt trên dưới 60 triệu đồng.Anh cũng đã giúp đỡ cho nhiều anh chị em cựu TNXP vay vốn không lấy lãi để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Còn với anh Tạ Thanh Cảnh ở vùng quê chiêm trũng xã Gia Vân (huyện Gia Viễn) thì ký ức hào hùng trong những năm tháng đầy mưa bom, bão đạn đã hun đúc cho anh ý chí, quyết tâm, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, vất vả của cuộc sống đời thường. Anh tâm sự với chúng tôi: "Nhiều lúc công việc gặp khó khăn, tôi lại nhớ về thời chiến tranh ác liệt ngày xưa trên tuyến đường Trường Sơn đầy mưa bom, bão đạn. Để giúp tôi lấy lại được tinh thần và tiếp tục vươn lên trong cuộc sống".
Từ 2 bàn tay trắng, anh đã vay vốn để sản xuất. Với doanh thu trên 50 triệu đồng mỗi năm từ việc đầu tư cho chăn nuôi, anh Cảnh đã có điều kiện thực hiện lời hứa với những đồng đội năm xưa. Anh đã giúp đỡ cho nhiều anh chị em cựu TNXP vay vốn không lấy lãi để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Anh thấy mình may mắn hơn nhiều đồng đội khác vì có những người cùng trang lứa như anh khi vào chiến trường bị nhiễm chất độc da cam, không có khả năng có con hoặc có con nhưng lại bị nhiễm chất độc da cam. Vì thế nuôi dạy các con khôn lớn trưởng thành là một cách anh trả nghĩa với những đồng đội đã cùng vào sinh ra tử. Anh luôn nhắc nhở các con phải sống cho xứng đáng với những hy sinh, mất mát mà thế hệ đi trước đã phải trải qua để có được độc lập như ngày hôm nay.
Còn rất nhiều những cựu TNXP đã và đang ngày đêm lao động không mệt mỏi, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để trở thành những người có ích cho xã hội, những điển hình trong phong trào sản xuất, kinh doanh, nêu gương sáng nghĩa tình đồng đội. Họ đã và đang thực hiện lời hứa năm xưa, sống xứng đáng với những người đã ngã xuống, với phẩm chất TNXP một thời máu lửa, xứng đáng là những người lính "không sao, không vạch" mà nhiều người đã gọi họ để thể hiện sự biết ơn với những cống hiến, những hy sinh của những người đã tình nguyện xông pha nơi tuyến lửa.
Bài, ảnh: Quỳnh Thu