Với nhiều ngành nghề đặc thù như nghề y, công nhân đường sắt, lực lượng vũ trang… những ngày tết luôn đồng nghĩa với việc không thường xuyên ở bên người thân, gia đình. Hơn hết là trách nhiệm đối với công việc, họ đã thầm lặng đảm nhiệm tốt các nhiệm vụ chuyên môn, góp phần để người dân được đón một cái tết an vui, đầm ấm…
Những người làm việc "xuyên" Tết
Ga Ninh Bình dịp giáp tết năm nay không đông hành khách như mọi năm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng đối với cán bộ, nhân viên ngành đường sắt, các vị trí công việc vẫn đảm bảo duy trì đúng lịch trực đã phân công. Tại Trạm gác đường ngang, Công ty Cổ phần đường sắt Hà Ninh, chị Hoàng Thị Hiền và các đồng nghiệp đang tất bật với công việc của một nhân viên gác chắn. Vì điểm gác chắn này có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông thường rất đông, nhất là vào thời điểm cuối năm nên lịch trực của mỗi ca kéo dài 12 tiếng/ngày.
Chị Hoàng Thị Hiền 15 năm gắn bó với nghề gác chắn tại Trạm gác đường ngang này. Do là điểm giao cắt có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông, chị và các công nhân gác chắn nơi đây phải làm việc kéo dài 12 tiếng/ngày. Công việc của những công nhân gác chắn khá đơn điệu và có chút buồn tẻ vì thường lặp lại thao tác vào vị trí, kéo rào chắn mỗi khi chuẩn bị có đoàn tàu sắp qua. Tuy nhiên, trước nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến tàu, những người công nhân gác ghi như chị không hề cảm thấy chán hay nghĩ đến việc chuyển công việc khác.
Chị Hiền tâm sự: Nhiều năm công tác trong ngành đường sắt, đón và đảm bảo an toàn cho biết bao chuyến tàu nên tạm gác lại việc gia đình, tôi và đồng nghiệp luôn bảo nhau "mình vì mọi người" thì nhiệm vụ nào trong hoàn cảnh nào cũng hoàn thành. Trực tết có nỗi buồn là không có nhiều đồng nghiệp cùng trực, lại trong điều kiện khu vực làm việc vắng vẻ…Nhưng mỗi chuyến tàu an toàn đi qua là chúng tôi lại thêm niềm vui góp phần đảm bảo cho hành khách của ngành đường sắt có hành trình an toàn, hạnh phúc…
Dịp lễ tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, ngành đường sắt cũng tăng chuyến để phục vụ nhu cầu khách hàng. Đồng nghĩa với việc mỗi ngày vào dịp giáp tết trung bình có khoảng 20- 25 chuyến tàu, trong khi ngày bình thường, có khoảng 15 chuyến tàu. Trong dòng người tấp nập, ngược xuôi sắm tết, gương mặt hồ hởi của những hành khách trên các khoang tàu trở về đón tết cùng gia đình… luôn tương phản với công việc thầm lặng của những công nhân đường sắt nói chung, những người gác ghi nói riêng.
Chăm sóc bệnh nhân nặng tại Khoa Cấp cứu.
Với bác sỹ Đinh Tự Vũ Ngọc, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh, trực ngày tết cũng không khác ngày thường là mấy. Theo chân bác sỹ Ngọc đi thăm các buồng bệnh của Khoa Cấp cứu, phần lớn các bệnh nhân vào nhập viên cấp cứu đều là những trường hợp bệnh nặng. Trong đó, dịp tết thường là các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như: tim mạch, huyết áp, phổi hoặc các ca tai nạn giao thông… Hoàn cảnh nhập viện cấp cứu của phần lớn các bệnh nhân đều cần được xử trí nhanh, kịp thời nên đòi hỏi các y bác sỹ Khoa Cấp cứu làm việc với cường độ cao, nhiều áp lực.
Cả khoa Cấp cứu có tới 60% y bác sỹ là nữ nhưng không vì thế mà có sự phân biệt nam, nữ. Ai ở vị trí nào là đảm nhiệm công việc vị trí đó luôn chân, luôn tay trong suốt cả ca trực. Trực tết, điều ưu tiên duy nhất ở Khoa Cấp cứu đó là nếu có trường hợp đột xuất cần huy động nhân lực không phải lịch trực, sẽ ưu tiên phụ nữ. Hoặc trong những công việc đòi hỏi áp lực cao sẽ ưu tiên đối với y bác sỹ đang trong quá trình mang thai làm những công việc đỡ phải đi lại nhiều…
Có trực cấp cứu mới thấy hết nỗi vất vả của các y, bác sỹ trong lĩnh vực này. Bữa ăn ít khi đúng giờ, thời gian nghỉ ngơi cũng khó. Nhất là vào dịp tết, việc đón khoảnh khắc giao thừa nhiều khi cũng bỏ lỡ bởi có bệnh nhân vào cấp cứu là ai nấy vào việc. Có khi vừa nâng ly lên định chúc nhau năm mới mọi điều tốt đẹp thì người nhà bệnh nhân gọi… Vất vả như vậy nhưng với bác sỹ Đinh Tự Vũ Ngọc và các đồng nghiệp, đã chọn nghề y đồng nghĩa với việc cống hiến hết mình, tận tâm hết sức với công việc đã được phân công, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân…
Chính bởi đặc thù nghề nghiệp nên những ngành nghề như: ngành y, ngành đường sắt, điện lực hay lực lượng vũ trang… người lao động chịu "thiệt thòi" hơn vì phải xa nhà, xa người thân trong khoảnh khắc đón năm mới. Nhưng với những người làm việc "xuyên" tết, đó là khoảng thời gian ý nghĩa nhất trong năm khi được làm tròn trách nhiệm, được cống hiến, tận tâm, tận lực với công việc… để góp phần đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.