Những người lính trên Đoàn tàu "Không số" Một ngày trung tuần tháng 4, chúng tôi đã tìm gặp và trò chuyện cùng một số nhân chứng sống của Đoàn tàu "Không số" năm xưa- những người góp phần viết nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, đóng góp to lớn vào thành công của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975. Những câu chuyện của họ cắt nghĩa cho tôi về niềm vinh quang và những mất mát sau cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Tiếp xúc với cựu chiến binh (CCB) Hà Văn Bằng (xóm Thông 2, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh), điều dễ nhận thấy được ở ông, đó là lối nói chuyện cởi mở, thân tình, tác phong giản dị. Ông là một trong số những người con ưu tú của quê hương Ninh Bình được tuyển chọn tham gia Đoàn tàu "không số".
Pha trà mời khách, vợ ông Bằng nói: Chuyện về Đoàn tàu "không số" với ông nhà tôi thì nhiều lắm, hết ngày cũng chưa hết chuyện. Nói xong, bà cười hóm hỉnh nhìn về phía ông.
Ông Bằng cười tươi, giãi bày: Cuộc đời tôi, được tham gia Đoàn tàu "không số" là quãng thời thanh xuân đẹp nhất, với nhiều kỷ niệm không bao giờ phai...
Và cứ như thế, hình ảnh về những chiếc tàu "không số" như hiện ra trước mắt chúng tôi qua hồi ức của người lính già. Ông Bằng kể lại: Năm 1963, khi đang là học sinh lớp 9, tôi xung phong nhập ngũ. Nhà chỉ có 2 anh em trai, trước đó, anh tôi cũng đã xung phong ra trận. Bố tôi mất khi tôi mới được 2 tuổi, nên nhiều người khuyên tôi cân nhắc giữa nhập ngũ và tiếp tục theo học. Nhưng "Tuổi 20 khi hướng đời đã thấy", tôi cũng như nhiều thanh niên ngày ấy chỉ mong góp sức nhỏ bé của mình ra chiến trường, đánh tan quân thù.
Tháng 4 năm 1964, sau 2 tháng huấn luyện và qua một đợt sơ tuyển khắt khe, ông Bằng được nhận nhiệm vụ ở Tiểu đoàn 20 (K20) thuộc Lữ đoàn 125- Đoàn tàu "không số". Tại đây, ông được đơn vị phân công làm thủy thủ mặt boong, đảm nhận vị trí pháo thủ số 5. Đối với người lính Đoàn tàu "không số" thì mỗi một chuyến đi là một nhiệm vụ tối mật và những quy định mà cán bộ, chiến sỹ nào cũng phải chấp hành: Tuyệt đối không được làm lộ bí mật của con đường, không để người và vũ khí, tàu rơi vào tay địch. Do tính chất thực thi nhiệm vụ đặc biệt, nên trước khi đi tất cả các chiến sĩ trên tàu đều được "truy điệu sống".
Ông Bằng chia sẻ: Trước mỗi chuyến đi, chỉ huy tàu tập trung các chiến sĩ lại, đồng chí chính trị viên nói: lần này chúng ta đi vào vùng rất nguy hiểm, địch sẽ phong tỏa, các đồng chí có sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc? Chúng tôi hô đồng thanh 3 lần: "sẵn sàng"!
- Ấy vậy mà tôi đã có 4 lần được "truy điệu sống" đấy nhé - ông Bằng cười vui.
- Hẳn ông vẫn còn nhớ tâm trạng của mình trong những lần "truy điệu sống"? - tôi hỏi.
- Tôi và các thủy thủ trên tàu "không số" luôn mang trong mình niềm tự hào khi được tham gia làm nhiệm vụ đặc biệt, chúng tôi hiểu rằng mỗi khẩu súng, mỗi thùng đạn, viên thuốc... được vận chuyển vào chiến trường miền Nam là vô cùng quý giá. Vì thế ai cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không màng cái chết, tất cả vì miền Nam ruột thịt.
4 năm gắn bó với Đoàn tàu không số (1964-1968), ông Bằng và đồng đội đã có 4 chuyến đi thành công, trong đó có 2 lần được tháp tùng cùng thuyền trưởng Phan Vinh- người anh hùng của biển cả. Những chuyến đi ấy đều gặp khó khăn, bất trắc bởi thời tiết, bởi sự theo dõi, truy sát của kẻ địch. Song nhờ sự mưu trí, khôn khéo và tinh thần quả cảm, ông và các đồng đội đã vượt qua tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nên nhiều chiến công.
Năm 1965, ông vinh dự được kết nạp Đảng trên tàu. Năm 1966, ông Hà Văn Bằng là người duy nhất của đơn vị tàu 41 được cử về Hà Nội dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Cùng chiến đấu trên Đoàn tàu "Không số" còn có CCB Nguyễn Xuân Hạnh, ở phố Trần Kiên, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình). ở tuổi 77, đã nhiều lần đối mặt với hiểm nguy và cái chết cận kề, thế mà trông ông vẫn còn phong độ lắm.
Ông Hạnh chia sẻ: Gọi là tàu "không số", không phải vì không có số mà thậm chí mỗi tàu có rất nhiều số. Để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu phải ngụy trang thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, liên tục thay biển số, thay mầu sơn, thậm chí thay đổi hình dạng. Và đương nhiên, những thủy thủ trên tàu cũng phải cải trang thành ngư dân nên cũng không quân trang, quân hiệu, quân hàm.
Ngày ấy, tất cả các nhiệm vụ của lính tàu "không số" là tuyệt mật, đến cả vợ con, người thân cũng không được biết. Khi thành công cũng phải giấu kín, không tuyên truyền, khen thưởng, cho đến những mất mát hy sinh cũng chỉ có biển cả bao la ghi nhận...
Theo ông Hạnh, đã là lính Đoàn tàu "Không số" thì thủy thủ nào cũng trở thành những con người "đa di năng", nghĩa là vừa chiến đấu, vừa có thể lái được tàu, vừa sửa được những hỏng hóc nhỏ, lại vừa làm anh nuôi, vừa làm những diễn viên khi hóa thân thành những ngư dân nhằm đánh lừa địch...
Vì vậy mà chỉ với những con tàu đơn sơ, nhỏ bé nhưng những người lính Đoàn tàu "Không số" bằng trí tuệ, tinh thần quả cảm của mình đã can trường vượt qua sự săn lùng của hạm đội Mỹ và tàu tuần tra của Ngụy, hay những trận cuồng phong của biển cả để kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Đối với ông Hạnh, mỗi một chuyến đi trên tàu "không số" là những kỷ niệm đặc biệt, đó là những lần đấu trí khôn ngoan giữa ta và tàu truy quét của địch; là những lần tàu bị mắc cạn, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam phải huy động những chiếc xuồng ghe để đỡ vũ khí; đó là những lần mật xanh, mật vàng khi con tàu "không số" như lá tre chao đảo trước bão biển; đó là niềm vui của những người lính và đồng bào miền Nam khi tàu cập bến an toàn...
10 năm phục vụ trong Đoàn tàu "Không số", CCB Nguyễn Xuân Hạnh cùng đồng đội đã trải qua bao gian khổ, hy sinh. Nhưng hôm nay, trong câu chuyện của người lính già với thế hệ trẻ chúng tôi, ông chỉ nhắc đến những chiến công của đồng đội và tự hào xúc động về nghĩa tình đồng bào.
Ông Hạnh khoe: Tháng 10 năm 2016, tôi có may mắn được về Thủ đô, được gặp lại đồng đội trong buổi gặp mặt thân mật của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Đoàn đại biểu Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển toàn quốc.
Gặp lại, ai cũng rưng rưng xúc động, mừng mừng tủi tủi nhớ về những ngày chia nhau bát nước, giúp nhau vượt qua cơn say sóng, hay những lần giành giật cái chết về mình, nhường phần sống cho đồng đội... những chuyện tưởng không có thật nơi trần thế, vậy mà lại luôn đầy ắp trong đời sống những người lính Đoàn tàu "Không số".
Có một mùa xuân đẹp nhất
Năm nay ông Nguyễn Giang Nam-Trưởng Ban liên lạc truyền thống CCB Sư đoàn 304 huyện Nho Quan đã sang tuổi 75. Trải qua những năm tháng cùng đồng đội chiến đấu ác liệt với quân thù, sau đó là những thăng trầm của cuộc sống, sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng nhắc nhớ về những ngày tháng 4 lịch sử của 45 năm về trước, ông sôi nổi hẳn lên.
Những chiến dịch, những con đường hành quân, những trận đánh, những chiến công... từ ký ức của người lính năm nào theo lời kể của ông tuôn chảy làm cho người đối diện cảm nhận rất rõ khí thế hào hùng, quyết tâm, anh dũng của đoàn quân giải phóng.
Ông Nguyễn Giang Nam nhớ lại, vào mùa xuân năm 1975, khi đó ông thuộc biên chế Ban Chính trị, Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 2), Sau hơn một tháng liên tục tiến công và nổi dậy với đòn sấm sét ở Tây Nguyên và chiến trường Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng, quân, dân ta đã giành được thắng lợi to lớn. Một cục diện mới chưa từng có đã mở ra; thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến.
Đặc biệt, đêm 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh cho các cánh quân đang tiến về Sài Gòn: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng...". Bức điện truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.
Ai cũng phấn khởi, quyết tâm, vì chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh, điều đó càng tăng thêm sức mạnh cho bước chân thần tốc của quân ta tiến nhanh vào giải phóng Sài Gòn - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
"Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Các đơn vị của Quân đoàn 2 đồng loạt nổ súng tấn công tuyến phòng thủ Đông Nam Sài Gòn của địch, trong đó đơn vị chúng tôi tiến công vào cụm cứ điểm quân sự Long Thành - Nước Trong; Trường Thiết giáp, Ngã ba đường 15... Đến sáng ngày 30/4, chúng tôi đã tiến sâu vào nội đô, áp sát dinh lũy cuối cùng của quân địch".- Giọng sôi nổi, bồi hồi, ông Nam kể về thời khắc quan trọng của chiến dịch.
"Xúc động nhất là khi chứng kiến cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4; cùng với cả rừng cờ xuất hiện khắp các đường phố báo hiệu Sài Gòn đã hoàn toàn được giải phóng, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyện vọng thiết tha của dân tộc là độc lập, thống nhất Tổ quốc. Với chúng tôi, mùa xuân năm 1975 mãi mãi là mùa xuân đẹp nhất trong đời".- Ông Nguyễn Giang Nam xúc động nói.
Đinh Ngọc - Xuân Trường