Mùa đông, vì vậy mà ông Vũ Ngọc Thế- một thợ cắt tóc ở phố 3, phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình) cũng bắt đầu ngày làm việc của mình muộn hơn. Hơn 8 giờ sáng, ông Thế đã có khách đến "mở hàng". Là khách quen, vì vậy mà ông Thế không cần phải hỏi yêu cầu của khách, ông bắt đầu tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng đường kéo. Tiếng kéo lách cách xen lẫn tiếng chuyện trò giữa thợ và khách, tạo nên sự bình yên giữa ồn ào phố thị. Ông Thế kể, năm nay ông đã gần 70 tuổi và là thợ cao niên nhất ở tổ cắt tóc này. Ông đến với nghề cắt tóc từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Vốn khéo tay, vì vậy lúc rảnh rỗi ông thường cắt tóc giúp bạn bè, cắt cho cả bọn trẻ con trong khu phố, được động viên, ông chính thức bước vào nghề cắt tóc.
Thời ấy, ông Thế chưa ngồi ở một địa điểm để chờ khách như bây giờ. Với chiếc xe cà tàng, với hộp đồ đơn giản, ông Thế đạp xe đi khắp các nẻo đường trong thị xã, rồi đi xa hơn về các xã vùng lân cận. Năm 1995, phường Vân Giang quy hoạch vị trí ở phố 3 để dành cho những người thợ cắt tóc thì ông Thế là một trong những người đầu tiên đăng ký chỗ ngồi. Dần dần, nhiều thợ cắt tóc khác trên địa bàn cũng tề tựu về đây và thành lập nên tổ cắt tóc phường Vân Giang. Đến nay, cả tổ có khoảng chục tay kéo, được bố trí chỗ ngồi theo thứ tự. "Tuy tập trung vào cùng một vị trí nhưng chúng tôi không phải lo ngại việc tranh giành hay mất khách. Ngược lại, chúng tôi cảm thấy được làm nghề một cách chuyên nghiệp hơn. Lượng khách tìm đến cũng đông hơn"- ông Thế nói.
Ở hàng bên cạnh ông Thế là anh Trần Trọng Nguyễn, năm nay 45 tuổi và là một trong những tay kéo ít tuổi nhất của đội. "Trước đây, mỗi ngày cũng được tầm chục khách, mỗi khách tôi thu từ 20-30 nghìn đồng một lượt cắt. Ngày nào may mắn thì cũng được vài trăm nghìn, đủ để phụ với vợ nuôi con"- anh Nguyễn nói. Anh Nguyễn bảo mặc dù có gần chục tay kéo, song không có sự cạnh tranh, giành khách nào ở đây cả. Mỗi người đều có khách quen của mình, và nếu ai đó có đông khách thì sẽ san sẻ cho những người ít khách. Mặc dù anh em trong tổ sẵn sàng góp ý, hỗ trợ nhau trong kỹ thuật cắt tóc, tuy nhiên, để thực sự là tay kéo lành nghề, có uy tín thì mỗi người thợ cắt tóc đều phải trang bị cho mình nhiều kỹ năng khác.
Bên cạnh sự khéo léo của đôi bàn tay, người thợ phải có tính tỉ mỉ, kiên trì và tinh thần ham học hỏi. Bây giờ khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Đối tượng thanh niên thường chọn vào những salon tóc thời trang. Vì vậy, để thu hút được lượng khách hàng này thì các thành viên trong đội phải tìm hiểu, tham khảo nhiều kiểu tóc thời trang trên các tạp chí, mạng Internet. "Mỗi gương mặt, mỗi vóc dáng, tính cách… lại hợp với một kiểu tóc khác nhau. Cùng là kiểu đầu cua nhưng không phải ai cũng giống ai. Người thợ cắt tóc không chỉ cầm kéo cắt theo ý của khách mà còn phải biết tư vấn kiểu đầu phù hợp cho khách"- anh Nguyễn nói. Đối tượng đến đây cắt tóc chủ yếu là những người ở độ tuổi trung niên trở lên hoặc trẻ nhỏ. Thường thì buổi chiều mới là thời điểm mọi người đi cắt tóc đông nhất. Dù đông khách, song anh em trong tổ vẫn duy trì thứ tự, hướng dẫn khách để xe gọn gàng. Cuối ngày, anh em lại tổng vệ sinh cả dãy quán, vì vậy bà con trong dãy phố chưa phải than phiền gì về tình hình trật tự và vệ sinh ở đây.
Tác động của sự thay đổi về văn hóa, xã hội khiến không còn nhiều người lựa chọn nghề cắt tóc vỉa hè. Đa phần những người thợ cắt tóc còn lại hiện nay là những người trung và cao niên. Với những người thợ già, đam mê là thứ duy nhất khiến họ không từ bỏ cây kéo. "Tôi làm bao nhiêu năm nay rồi, muốn bỏ nghề cũng không được. Cái nghề "vít đầu vít cổ" khách này đã giúp tôi nuôi 3 người con khôn lớn, trong đó có 2 đứa học đại học. Bây giờ các cháu đã có công ăn việc làm ổn định, có gia đình riêng, không muốn tôi phải vất vả nữa. Song, ngày nào không dọn hàng, không gặp đồng nghiệp, khách hàng là tôi muốn… ốm. Chỉ trừ ngày bão, còn lại ngày nắng, ngày mưa hay ngày lạnh giá… chúng tôi cũng đều có mặt tại cửa hàng. Không có khách thì ngồi nói dăm ba câu chuyện cho khuây khỏa. Anh em trong tổ vì thế mà thêm đoàn kết, gắn bó chẳng khác gì người thân. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, song được chia sẻ, động viên thì ai cũng phấn chấn hơn"- ông Thế cho biết.
Bài, ảnh: Đào Hằng