Biết rằng, là nhà báo, phóng viên thì trong hoàn cảnh nào cũng phải xông pha để tác nghiệp - đó không phải là việc thích hay không, mà là yêu cầu, nhiệm vụ đối với nghề, xa hơn là trách nhiệm với bạn đọc, khán giả và cộng đồng, xã hội. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà báo, phóng viên Báo Ninh Bình, Đài PT-TH tỉnh, Phân xã Thông tấn xã Việt Nam, Thường trú Báo Nhân dân... trên địa bàn tỉnh Ninh Bình luôn nêu cao tinh thần xông pha tác nghiệp, nhằm đưa đến cho bạn đọc những thông tin thực tế, kịp thời, cảnh báo, nâng cao trách nhiệm, ý thức người dân.
Trong cuộc đời làm báo hơn 20 năm tại Báo Ninh Bình, đây là lần đầu tiên tôi được "trải nghiệm" những nỗi lo từ thực tế tác nghiệp: Nỗi lo lây nhiễm bệnh dịch nguy hiểm khi căn bệnh chưa có thuốc điều trị, chưa có cách phòng tránh tuyệt đối; nỗi lo tin, bài liệu đã đảm bảo chất lượng, có đạt được mục tiêu tuyên truyền; sự băn khoăn, lo lắng khi mình có thể là nguồn lây bệnh cho gia đình và đôi khi người thân "mặt nặng, mày nhẹ" trách cứ vì đi sớm về muộn, vì thức đêm làm việc...
Có đến gần 2 tháng, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất, trên địa bàn có hàng chục trường hợp lây nhiễm bệnh phải điều trị trong các cơ sở y tế, có cả ca bệnh lây nhiễm tại cộng đồng, đòi hỏi người phóng viên phải bám sát cơ sở để tuyên truyền dịch bệnh, là những tháng, ngày chưa bao giờ trải qua trong cuộc đời làm báo của mình. Tôi từng phải giấu người thân như cha mẹ, chồng con về lịch trình tác nghiệp của mình, không dám nói khi mình mới hôm qua đã vào tận nơi đang có hàng trăm người đang phải cách ly tập trung, gần chục người mới phát hiện mắc bệnh; nơi đang điều trị bệnh nhân mà khoảng cách tiếp xúc chỉ là vài mét với các dụng cụ bảo hộ "thô sơ" là khẩu trang và nước sát khuẩn.
Tôi cũng từng "phũ phàng" đẩy con thật nhanh ra khỏi mình khi theo thói quen mẹ đi làm về thường chạy đến ôm mẹ. Thậm chí, liên tiếp hết tuần này đến tuần khác, phải nhiều tuần liền tôi không dám ra thăm bố mẹ mình, dù khoảng cách quãng đường chưa đến 1km... Rất may, thời gian dịch bệnh ấy đã qua, mọi việc đều diễn biến tốt đẹp. Số tin, bài, ảnh tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19 khá nhiều và không để xảy ra sai sót lớn, góp phần cùng đồng nghiệp Báo Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền kịp thời, chính xác, hiệu quả về dịch bệnh. Những kỷ niệm ấy, suy nghĩ ấy, thời gian ấy thật sự không thể nào quên và tôi nghĩ rằng, sẽ trân trọng, ghi nhớ mãi trong cuộc đời làm báo của mình....
Đối với nữ phóng viên trẻ Thanh Huyền, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, thì những ngày cả xã hội chống dịch là những ngày chị không còn cả thời gian ăn, uống, ngủ, nghỉ. Công việc cuốn đi, trách nhiệm đè nặng, áp lực tin phải nhanh, bài cần kịp thời, cùng với thông tin chính xác, hình ảnh phù hợp... khiến nhiều lúc chị thấy nghề nghiệp thực sự đúng như nhận định của nhiều nhà báo lão thành - báo chí là nghề nguy hiểm. "Đó là những ngày người dân vô cùng hoang mang, lo lắng và có nhiều thông tin giả mạo. Nếu nói là chúng tôi - những người phóng viên, quay phim không lo lắng thì là nói dối, bởi ai cũng ngại, sợ và lo lắng trong lòng, nhưng đều không dám nói ra. Mọi người chỉ biết động viên, nhắc nhở nhau, quan trọng nhất là phải bảo vệ mình, đảm bảo an toàn nhất, tránh lây nhiễm cho bản thân và đồng nghiệp, đó cũng là để bảo vệ an toàn cho gia đình và cộng đồng, cố gắng đưa đến cho khán giả truyền hình những thông tin kịp thời, giúp người dân yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.." - chị Huyền chia sẻ.
Mặc dù là nữ, lại là phóng viên trẻ, nhưng chị Huyền xác định, đã chọn nghề phóng viên, việc nhận nhiệm vụ lên đường tác nghiệp dù ở đâu, nơi nào khó khăn hay những điểm nóng, dù mưa hay nắng, dù ngày hay đêm, dù ngày nghỉ hay ngày làm việc, lúc nào bản thân chị cũng đều "cài đặt" chế độ sẵn sàng. Chị Huyền cho biết, từng bám sát và được giao nhiệm vụ tác nghiệp trong lĩnh vực y tế nhiều năm, chị hiểu rõ, trước tiên phải bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình. Đối với những người làm truyền hình, ekip thường gồm 2 người, là phóng viên viết và quay phim. Trong quá trình đi làm, trước đó, chị thường trao đổi sơ bộ nội dung cần làm, sau đó, trong quá trình thực hiện tại hiện trường, thường xuyên bám sát quay phim để trao đổi hình ảnh, nhắc nhở nhau cùng thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe, không tiếp xúc gần khi quay ở những "điểm nóng" đang xảy ra dịch bệnh, như tại các khu cách ly tập trung, cơ sở y tế đang điều trị cho người nhiễm bệnh... Việc sát cánh, hỗ trợ nhau khi tác nghiệp tại những nơi nguy cơ cao, đã tạo được sự đoàn kết, chia sẻ, động viên nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong quá trình tác nghiệp, nhóm chúng tôi - những phóng viên Báo Ninh Bình, Đài PTTH tỉnh và đại diện cơ quan thường trú báo Trung ương tại địa phương như Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Ninh Bình, Thường trú Báo Nhân Dân đã có sự hỗ trợ nhau nhất định về xe cộ đi lại, phương tiện tác nghiệp, nguồn thông tin mà mình tiếp nhận được..., thậm chí còn chia sẻ cho nhau từ chiếc khẩu trang, lọ dung dịch sát khuẩn... Ai cũng có những áp lực và nỗi lo chung trong thời điểm dịch bệnh, trong đó nỗi lo lớn nhất là sợ bị lây nhiễm bệnh. Trong những lần đi tác nghiệp ở xa, trên chuyến xe chung chở quá tải đến 5-6 người, cùng các loại máy ảnh, máy quay phim to, nhỏ, mũ, kính chắn giọt bắn, rồi quần áo mưa phòng dịch...,, chúng tôi luôn đùa nhau, biết đâu trong số này, có thể mình hay đồng nghiệp đã bị nhiễm bệnh từ nguồn này, nguồn kia và đang ủ bệnh trong người. Rồi khi có ai đó trong nhóm có triệu chứng ho, kêu đau đầu, là được "tra hỏi" đã từng đi đâu, tiếp xúc với ai trong những ngày gần nhất, rồi khuyên nên nghỉ ở nhà, hạn chế tiếp xúc với mọi người...
Nhà báo Ninh Đức Phương, Trưởng Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Ninh Bình từng chia sẻ rằng, anh thực sự lo lắng, hoang mang cho bản thân và đồng nghiệp trong những lần tác nghiệp tại những nơi có nguy cơ cao. Nên, không chỉ bản thân anh thận trọng, mà còn yêu cầu các đồng nghiệp, anh em trong Phân xã cần phải tác nghiệp với tinh thần cẩn trọng ở mức cao nhất. Anh từng chia sẻ, thấy bất an, lo lắng khi tiếp xúc với những cán bộ y tế vừa từ vùng cách ly, nơi có ca nghi nhiễm bệnh trở về... Anh cho rằng, có đeo khẩu trang, sát khuẩn cũng không thể yên tâm, bệnh này lây nhiễm bằng nhiều hình thức, nhỡ họ cũng bị nhiễm, rồi không may lây nhiễm, ủ bệnh cho mình..., mình mắc bệnh thì bố mẹ, vợ con mình sẽ thế nào đây? Chúng tôi chia sẻ với anh suy nghĩ đó, thấy anh nói đúng và rất có cơ sở và đã có lúc ai trong chúng tôi cũng mang một sự lo lắng mơ hồ khi thấy mình có những triệu chứng như cảnh báo của dịch bệnh: ho, đau đầu, mỏi mệt... dù đó có thể chỉ là những triệu chứng của bệnh cúm bình thường khi thời tiết thay đổi mà cơ thể chúng ta hay mắc phải...
Có thể nói, trong đợt dịch Covid-19 này, tất cả mọi người đều vất vả, cùng chung tay dập dịch và kiềm chế được dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay. Sự cố gắng, những đóng góp nhỏ bé của mỗi phóng viên Trung ương và địa phương tỉnh Ninh Bình nói riêng, báo chí cả nước nói chung trong việc đưa thông tin từ đầu mùa dịch cho đến hậu dịch bệnh như hiện nay, góp phần cùng cả xã hội làm nên thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tất nhiên, đối với mỗi phóng viên, phải có tình yêu nghề, sự nhiệt huyết với nghề mình đã chọn, thì mới có thể lăn xả, xông pha và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất với nghề như vậy.
Hạnh Chi