Những lần "đầu tiên" đáng nhớ
Báo Ninh Bình điện tử ra mắt độc giả vừa tròn 1 năm. Mặc dù số lượng phóng viên còn ít, song Báo Ninh Bình điện tử đã vượt qua những thách thức ban đầu để sản xuất những tin, bài có chất lượng. Đặc biệt, trong các sản phẩm báo chí, Báo Ninh Bình điện tử còn ghi dấu ấn bởi những phóng sự video chất lượng, hình ảnh đẹp. Nhà báo Phan Hiếu, Trưởng phòng Báo Điện tử và cũng là tác giả đầu tiên của những phóng sự video kể từ khi Báo Ninh Bình điện tử có giao diện mới, cho biết: Làm phóng sự video là một hình thức mới mẻ, nên khi chuyển sang làm một sản phẩm báo chí mới, chúng tôi không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Nhưng trên tất cả là niềm háo hức, say mê khám phá để tìm ra ngôn ngữ riêng của loại hình báo chí này.
Theo nhà báo Phan Hiếu, trước khi làm các phóng sự video, chị và quay phim đã xem, tham khảo cách làm của các đồng nghiệp một số cơ quan truyền thông khác. Khi đã nắm vững được quy trình để sản xuất một phóng sự video, tôi bắt tay vào việc chọn đề tài. "Vì không phải là thế mạnh và sản xuất thường xuyên như một tờ nhật báo, nên muốn để lại ấn tượng cho người xem, thì các phóng sự video phải lựa chọn được những đề tài hấp dẫn. Đó phải là những sự kiện nổi bật, các vấn đề xuất phát từ thực tiễn cuộc sống mà độc giả thường quan tâm. Chọn được đề tài rồi, tôi quan tâm đến viết kịch bản, chọn góc tiếp cận vấn đề bằng hình ảnh, chọn nhân vật phỏng vấn, chọn hình ảnh dự kiến sẽ quay… khi ấy, tôi không khác gì một… đạo diễn thực thụ"- nhà báo Phan Hiếu chia sẻ.
Với loại hình "kể chuyện bằng hình ảnh" như thế này, người quay video phải tìm tòi, sáng tạo được những góc quay độc đáo, lột tả được bản chất của sự việc. Bởi thế, mà sự hợp tác giữa người làm nội dung và quay phim là vô cùng quan trọng. Sau mỗi tác phẩm được xuất bản, cả ê kíp đã xem lại và cùng đánh giá những mặt còn hạn chế để khắc phục ở những phóng sự video sau. Cứ như vậy, các video ngày càng được hoàn thiện, chỉn chu, có góc nhìn mới trong từng khuôn hình. Sau khi xuất bản, đã có nhiều phóng sự video đạt hàng nghìn lượt truy cập. Điển hình như: Trailer Năm Du lịch đạt gần 1.600 lượt truy cập; Độc đáo nghi thức tế cửu khúc với gần 1.400 lượt truy cập; Cồn Nổi- Kim Sơn đạt trên 1.600 lượt truy cập…
Không dừng lại ở đó, các cán bộ, phóng viên của phòng Báo Điện tử tích cực học hỏi, trau dồi nghiệp vụ, sẵn sàng tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền ở những sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh. Điển hình như tác nghiệp tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Ninh Bình lần thứ V; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025, Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…
Chia sẻ về những kỷ niệm khi đi tác nghiệp tại các sự kiện chính trị quan trọng, nhà báo Phan Hiếu, Trưởng phòng Báo Điện tử cho biết thêm: Đây là lần đầu tiên các phóng viên của phòng Báo Điện tử tác nghiệp trực tiếp tại các sự kiện quan trọng này, bởi thế, ai cũng hồi hộp, háo hức. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trước mỗi sự kiện, phòng Báo điện tử đã họp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phóng viên, kỹ thuật viên. Đồng thời, thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ với phòng chuyên môn, để xây dựng kịch bản cho từng sự kiện. Điển hình như khi tác nghiệp tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua, chúng tôi đã đưa cả… "tòa soạn" của báo Điện tử sang tác nghiệp trực tiếp tại sự kiện. Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo phụ trách, sự phối hợp nhịp nhàng, khoa học giữa phòng Báo Điện tử với các phòng chuyên môn, đã góp phần quan trọng trong việc đưa thông tin nhanh nhạy, chính xác, hấp dẫn bạn đọc.
Mỗi chuyến đi là sự trải nghiệm mới
Hơn 20 năm công tác tại Báo Ninh Bình, dẫu rằng đã quá quen thuộc với những chuyến đi, với mọi cung bậc cảm xúc trên các nẻo đường tác nghiệp, nhưng có lẽ, tuyên truyền về dịch bệnh COVID-19 lại là những trải nghiệm khó quên nhất đối với nhà báo Mỹ Hạnh, Trưởng phòng Văn xã. Chị Mỹ Hạnh kể rằng, vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhất, trên địa bàn có hàng chục trường hợp lây nhiễm bệnh phải điều trị trong các cơ sở y tế, có cả ca bệnh lây nhiễm tại cộng đồng, thì rất cần những thông tin dịch bệnh nhanh nhạy, chính xác, đòi hỏi người phóng viên phải bám sát cơ sở để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền.
Mỗi chuyến đi là một sự hồi hộp, lo lắng. Có những lần, chị Mỹ Hạnh và đồng nghiệp đã vào tận nơi, rất gần những trường hợp nghi nhiễm đang phải cách ly tập trung; nơi có hơn chục người mới phát hiện mắc bệnh trong khu cách ly tập trung hoặc khu đang điều trị bệnh nhân COVID-19... "Khi ấy, tôi đối diện với khá nhiều cảm xúc. Đó vừa là nỗi lo bị lây nhiễm trong quá trình tác nghiệp và vô tình lại trở thành nguồn lây cho người thân, đồng nghiệp vì dịch bệnh này cho đến hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có cách phòng tránh để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đó là nỗi lo tin, bài liệu đã đảm bảo tiến độ, chất lượng và có đạt được hiệu quả tuyên truyền như mong đợi? Đó còn là những phút giây khó xử khi bắt gặp ánh mắt như … hờn dỗi của người thân khi ngày nào tôi cũng đi sớm về muộn, rồi thức đến khuya để hoàn thành tin, bài. Để đảm bảo an toàn cho người thân, nhiều khi tôi không dám ôm con, không dám ra thăm bố mẹ, dù rằng quãng đường đến nhà bố mẹ chưa đầy 1km…" - Nhà báo Mỹ Hạnh chia sẻ.
Nhưng nhà báo Mỹ Hạnh đã không có nhiều thời gian cho những nỗi niềm đó. Việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về dịch bệnh COVID-19 càng trở nên cần thiết, cấp bách, bởi khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, đa số tâm lý người dân vô cùng hoang mang, lo lắng. Thậm chí, đã xuất hiện nhiều thông tin giả mạo, không đúng sự thật, càng làm tâm lý người dân thêm lo lắng, sợ hãi. Gạt mọi nỗi băn khoăn, chị Mỹ Hạnh lại cùng với các đồng nghiệp miệt mài xây dựng những tin, bài để tuyên truyền đúng, đủ, kịp thời các thông tin về cách phòng, chống dịch bệnh đến với mọi người dân, giúp người dân có thêm kiến thức để phòng dịch, đặc biệt là để mọi người dân yên tâm, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước… Đã có những tin nhanh về dịch bệnh được thực hiện buổi tối muộn, khi Sở Y tế tổ chức họp báo đột xuất, đăng trên Báo Điện tử Ninh Bình, chỉ trong thời gian ngắn vài giờ đồng hồ đã được hàng trăm người chia sẻ, hàng nghìn lượt người truy cập, giúp nhiều người dân yên tâm trước tình hình thực tế của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của Ngành Y tế, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong từng đợt bùng phát đã được khống chế, kiểm soát tốt. Số lượng tin, bài, ảnh tuyên truyền về dịch bệnh COVID-19 do chị Mỹ Hạnh thực hiện cũng được khá nhiều. Trong đó, có nhiều tin, bài được Ban Biên tập và bạn đọc đánh giá cao. Những nỗ lực đó của nhà báo Mỹ Hạnh đã góp phần cùng đồng nghiệp và tập thể Báo Ninh Bình hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền kịp thời, chính xác, hiệu quả về dịch bệnh COVID-19. Cá nhân chị Mỹ Hạnh và tập thể Báo Ninh Bình đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Đối với nhà báo Nguyễn Lựu, phóng viên phòng Kinh tế, mỗi một tác phẩm báo chí của chị đều gắn với những chuyến đi thực tế. Bởi thế, đọc bài của chị Nguyễn Lựu, độc giả thấy được rõ ràng từng nhịp điệu, từng hơi thở của cuộc sống. Những buổi nắng rát đồng hành với người nông dân, với ngành chức năng tìm hiểu nguyên nhân tôm chết hàng loạt; những chuyến lội sình lầy đến bãi cò đậu như một sự khám phá thú vị; những chuyến rong ruổi tìm đến với tấm gương làm giàu từ nghề nông… Sau mỗi hành trình ấy, chị Nguyễn Lựu đều cho ra đời những tác phẩm báo chí chất lượng, được bạn đọc yêu thích, đồng nghiệp đánh giá cao.
"Để có tác phẩm hay, chất lượng, tôi không ngại gì vất vả. Có những buổi đêm, tôi theo ngư dân đi thu hoạch ngao nơi cửa biển và cảm thấy thật tuyệt vời. Tôi vừa được tận hưởng không khí trong trẻo ở nơi nước và trời gặp nhau, vừa hiểu rõ hơn về nhịp sống của người lao động. Không còn khoảng cách, những người dân ấy đã coi tôi như một người bạn, người thân, phân công tôi nhiệm vụ hỗ trợ trong quá trình họ thu hoạch ngao. Họ cho tôi nhiều kiến thức thực tế mà ở trường Đại học Nông nghiệp tôi cũng chưa từng học qua. Bởi thế, tôi đặc biệt thích những chuyến đi. Đi không hẳn chỉ để thỏa thuê sáng tạo, mà đó còn là cơ hội để tôi học hỏi, tôi được tận hưởng tròn đầy niềm vui được mùa của những người nông dân chất phác… Tôi đã được rất nhiều sau mỗi chuyến đi"- nhà báo Nguyễn Lựu khẳng định.
Từng có dịp trò chuyện cùng nhà báo Thùy Vân, Phòng Văn nghệ và Giải trí, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, tôi cảm nhận được niềm đam mê mãnh liệt của chị đối với nghề báo. Chị Thùy Vân say sưa kể cho tôi nghe về những phóng sự mà chị tâm đắc, nhưng khi tôi hỏi về "Giấc mơ xa"- một tác phẩm đã mang lại cho chị giải Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 40 thì chị bảo rằng, đó là do chị may mắn.
Có thể chị Thùy Vân nói đúng. May mắn của chị là đã gặp gỡ được tuyến nhân vật nhiều trắc ẩn - những người phụ nữ ở xã miền núi Xích Thổ huyện Nho Quan, vì cả tin vào lời kẻ môi giới về cuộc sống sung túc ở xứ người nên đã bị lừa bán sang Trung Quốc từ thập niên 90. Nhưng thiết nghĩ, nếu không có những rung cảm, sự nhạy bén nghề nghiệp thì chị Thùy Vân và ê kip đã không thể cho ra đời một tác phẩm công phu, hấp dẫn đến thế.
Để hoàn thiện được tác phẩm này, chị Thùy Vân và êkip đã "lao tâm khổ tứ" trong vòng nửa năm: Từ tỉ mỉ xây dựng hàng chục trang đề cương, kịch bản ghi hình, rồi phải rất kiên trì mới thuyết phục được nhân vật và người thân của nhân vật tham gia; cuối cùng là công đoạn dựng phim hậu kỳ…. Khác với những bộ phim từng làm, lần này chị Thùy Vân chọn hình thức thể hiện là phim tài liệu để khai thác tốt nhất yếu tố tự nhiên của nhân vật, khéo léo kết nối câu chuyện theo lời kể của họ để xây dựng kịch tính cho tác phẩm một cách chân thực… Cứ như thế, những nốt thăng trầm trong cuộc đời của những cô gái tuổi đôi mươi năm nào ùa về thật dữ dội, qua giọng nói run rẩy, qua những giọt nước mắt xót xa, ân hận… Những hình ảnh ấy, tiếng nói ấy thực sự gây xúc động mạnh cho người xem.
"Tôi đã gặp những nhân vật ấy khi họ đang ở độ tuổi xế chiều. Họ may mắn được trở về quê hương, trong vòng tay của người thân để làm lại cuộc đời, nhưng họ vẫn sống bất an, đôi lúc hoảng loạn bởi những mảnh ghép còn sót lại từ quá khứ. Tôi đặt tên tác phẩm của mình là "Giấc mơ xa" bởi xuyên suốt trong bộ phim là những khát vọng không nói thành tên. Những nhân vật ấy đang phải trả giá cho một giấc mơ không có thực của tuổi trẻ bằng một giấc mơ xót xa hơn ở hiện tại: mơ về những đứa con vẫn còn đang ở một phương trời xa lắc. Họ không thể tưởng tượng được những đứa con ấy bây giờ như thế nào, cuộc sống ra sao? Và tôi, người làm bộ phim này cũng có một ước mơ. Tôi mơ sẽ không còn người phụ nữ nào là nạn nhân của nạn buôn bán người nữa"- Chị Thùy Vân chia sẻ.
Đào Hằng