Kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều thay đổi lớn trong phương thức tuyển sinh. Theo đó, ngoài phương án thi "ba chung" (chung ngày thi, chung đề thi, chung kết quả xét tuyển) như các kỳ thi ĐH trước đây, các trường ĐH có đề án tuyển sinh riêng, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của quy chế tuyển sinh sẽ được tự chủ tuyển sinh và mỗi trường ĐH sẽ được tuyển sinh tối đa 2 lần/năm.
Các trường ĐH cũng có thể kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi chung để tuyển sinh. Đặc biệt, năm nay, một hội đồng tư vấn sẽ giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định các tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào phù hợp yêu cầu tuyển sinh của các trường, thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước.
Đây sẽ là cơ hội cho các thí sinh khi được dự thi nhiều lần hơn và xác suất đỗ của thí sinh có thể sẽ cao hơn khi dự kiến các trường ĐH được phép tuyển sinh riêng sẽ tuyển đa dạng và phù hợp với khả năng của thí sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi mang tính thuận lợi cũng đòi hỏi thí sinh phải nắm vững thông tin tuyển sinh của từng trường, nắm vững kiến thức, đặc biệt là các ngành nghề đào tạo của các trường ĐH để có thể đăng ký dự thi đúng với năng lực của bản thân.
Do có những đổi mới mang tính căn bản, cho nên kỳ thi tuyển sinh năm nay, nhiều trường ĐH, CĐ đã và đang đưa ra các giải pháp đổi mới cho phù hợp năng lực và nhu cầu ngành nghề đào tạo của mình. Đơn cử như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục áp dụng phương thức thi ba chung, xét tuyển theo nhóm ngành nhưng bổ sung vòng sơ tuyển dựa trên kết quả học tập THPT. Thí sinh đạt vòng sơ tuyển nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với trường ĐH Quốc gia Hà Nội thì trường đã chọn việc đổi mới tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực bằng cách kết hợp giữa thi và tuyển chọn...
Còn ở Trường ĐH Hoa Lư (Ninh Bình), nhà trường vẫn lựa chọn phương pháp tuyển sinh bằng việc thực hiện phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi ĐH, CĐ hệ chính quy theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ưu tiên đối với những thí sinh tốt nghiệp THPT có hạnh kiểm khá trở lên và tổng điểm trung bình các môn học theo khối thi của những năm học THPT…
Mặc dù nhiều trường ĐH, CĐ đã sớm công bố những đổi mới và đưa ra những cơ chế ưu tiên, khuyến khích học sinh học tốt thi vào trường mình, nhưng khá nhiều học sinh lớp 12 vẫn tỏ ra thận trọng, kỹ càng trong việc lựa chọn ngành nghề đăng ký dự thi, tuyển sinh. Em Lê Duy Bách, học sinh lớp 12K, Trường THPT Hoa Lư A cho biết, mặc dù đã xác định từ đầu ôn thi Đại học khối D với 3 môn Văn, Toán và Ngoại ngữ nhưng hiện em vẫn đang lúng túng, chưa xác định được trường để đăng ký dự thi. Còn em Trần Khánh Linh, học sinh lớp 12C, Trường THPT Yên Khánh A thì cho biết, em học không đều ở các môn nên cũng khá lo lắng khi chọn khối thi, bởi nếu đăng ký theo các khối thi và theo phương án thi "ba chung" sẽ khó có cơ hội thi đỗ ĐH vì em chỉ học khá ở các môn Toán, Ngoại ngữ và Sinh. Vừa qua tìm hiểu thông tin tuyển sinh em được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường, theo đó những thí sinh nổi trội ở môn học nào sẽ có nhiều cơ hội hơn so với phương án thi "ba chung". Như vậy, những thí sinh học không đều các môn như em sẽ có nhiều cơ hội thi đỗ vào ĐH và ở những trường mình có khả năng học tốt…
Trước những điểm mới trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2014, nhiều phụ huynh cũng cảm thấy lo lắng, băn khoăn. Chị Nguyễn Thị Hải, phường Trung Sơn (thị xã Tam Điệp) có con trai học lớp 12 cho biết: Những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH, CĐ năm nay khiến bản thân cháu và gia đình rất hoang mang, lúng túng. Bởi phải xem sức học thực sự của con mình như thế nào để tư vấn, động viên cháu lựa chọn ngành, trường dự thi phù hợp, vừa đảm bảo đúng năng lực, sở thích của cháu để có động lực ôn và thi đỗ đại học, vừa cố gắng khi học xong ra trường có thể kiếm được việc làm. Vì vậy chúng tôi rất quan tâm lắng nghe, tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng để nắm bắt những điểm mới, những thay đổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường mà con mình có ý định đăng ký dự thi. Tôi và rất nhiều phụ huynh rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành nhanh cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2014"….
Được biết, những thay đổi trong tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo lộ trình 3 năm để những học sinh vừa vào lớp 10 năm nay vẫn có thể dự kỳ thi "ba chung", trước hết để thí sinh quen với cách thi mới, sau đó các trường ĐH, CĐ có thời gian chuẩn bị, tiến tới năm 2017, tất cả các trường ĐH sẽ tự tổ chức thi tuyển sinh. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc thay đổi về tuyển sinh chỉ là sự thay đổi về nhận thức, từ đó dẫn đến sự thay đổi về cách làm, còn nội dung thi vẫn dựa vào chương trình THPT và chủ yếu ở lớp 12. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng không phụ thuộc vào vấn đề tuyển sinh riêng hay tuyển sinh chung mà dựa vào năng lực đào tạo của nhà trường và các tiêu chí bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, do trước đây mục tiêu đào tạo trong các trường phổ thông là cung cấp kiến thức cho học sinh và nay thực hiện đổi mới giáo dục, các nhà trường đã chuyển sang hướng dẫn học sinh phát huy tính chủ động và năng lực sáng tạo, do đó cách tuyển sinh vào các trường ĐH cũng cần đổi mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kỳ vọng rằng, việc thay đổi phương thức thi sẽ kéo theo các thay đổi khác như hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm. Theo đó, trong dự thảo quy chế tuyển sinh riêng, các trường phải cam kết không để dạy thêm, học thêm, luyện thi gây dư luận không tốt như trước đây. Đồng thời, các trường tổ chức thi riêng đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp cả tự nhiên và xã hội, có tư duy xử lý những vấn đề thực tiễn, tránh học lệch...
Đồng chí Trần Quang Ánh, Phó Giám đốc Thường trực Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nhằm khảo sát chất lượng học tập 8 môn thi đại học, cao đẳng (gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh) làm cơ sở điều chỉnh kế hoạch, nội dung, phương pháp dạy - học và ôn tập trong thời gian tới, cuối tháng 2-2014, Sở Giáo dục và Đào tạo đã căn cứ vào số lượng thí sinh tự nguyện đăng ký thi thử đại học, cao đẳng của các trường THPT trong tỉnh để tổ chức kỳ thi thử đại học, cao đẳng theo đề chung của Sở. Theo đó, Sở tổ chức thi thử ở 5 khối: A, A1, B, C, D.
Cụ thể là: Khối A thi các môn: Toán, Vật lí, Hóa học; Khối A1 thi các môn: Toán, Vật lí, Tiếng Anh; Khối B thi các môn: Toán, Sinh học, Hóa học; Khối C thi các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí; Khối D thi các môn: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh. Với kỳ thi chung này sẽ tạo điều kiện cho học sinh tích lũy kinh nghiệm, làm quen với quy chế thi, áp lực thi, rèn kỹ năng vận dụng kiến thức, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Qua kỳ thi đánh giá năng lực học sinh, trên cơ sở đó tạo động lực giúp học sinh phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập. Đồng thời, kết quả thi giúp cho giáo viên có cơ sở khoa học để tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh lựa chọn trường đại học và cao đẳng để thi cho phù hợp năng lực và nguyện vọng của mình…
Cùng với đó, trước những thay đổi trong tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình cũng yêu cầu các trường THPT tổ chức tốt công tác hướng nghiệp, cập nhật thông tin tuyển sinh và hướng dẫn cụ thể cho học sinh làm hồ sơ dự thi để tránh những nhầm lẫn, sai sót không đáng có, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các em trước kỳ thi ĐH, CĐ.
Đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh những nội dung được điều chỉnh trong công tác tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo nằm trong lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ theo tinh thần Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra đánh giá học sinh. Trên cơ sở đó hướng tới kỳ thi đáp ứng cả yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ…
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh