Phóng viên (PV): Từ ngày 1-1-2015, Luật Việc làm mới chính thức có hiệu lực. Xin ông cho biết cụ thể điểm mới trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Ông Phạm Quang Hùng: Luật Việc làm năm 2013 có hiệu lực từ 1-1-2015 đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể tại Điều 43 của Luật Việc làm quy định: Đối với người lao động có giao kết hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng và người chủ sử dụng lao động có sử dụng từ 1 lao động trở lên đã giao kết hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng cũng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Quyền lợi cho người lao động có giao kết hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng: Khi bị chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề và được đóng bảo hiểm y tế.
Quyền lợi cho người chủ sử dụng lao động: không phải trả khoản trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc đối với thời gian mà người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi bị mất việc làm, giảm khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp.
PV: Với quy định mới trong Luật Việc làm, thời gian và mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi gì thưa ông?
Ông Phạm Quang Hùng: Theo quy định tại Điều 50 của Luật Việc làm, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc mức lương tối thiểu vùng theo quy định.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 đến đủ 36 tháng sẽ được nhận 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, cứ 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo thì người lao động sẽ được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, tối đa không quá 12 tháng.
PV: Trong Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng thay đổi một số nội dung trong việc hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động thất nghiệp. Xin ông thông tin rõ hơn về sự thay đổi này?
Ông Phạm Quang Hùng: Theo quy định tại Điều 47 của Luật Việc làm, đối với những trường hợp doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên, gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, đồng thời không có đủ kinh phí để đào tạo cho người lao động, doanh nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm và cho người lao động thì sẽ được hỗ trợ kinh phí với mức kinh phí tối đa là 1 triệu đồng/1 người/1 tháng, thời gian không quá 6 tháng tùy theo việc người lao động học nghề gì. Đây là chính sách nhằm hạn chế ngăn ngừa giảm thiểu việc sa thải người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng nguồn lao động sẵn có để đào tạo đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
PV: Người lao động sẽ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp nào? Vì sao lại có sự thay đổi như vậy?
Ông Phạm Quang Hùng: Theo quy định tại Khoản 3, 4 Điều 53 của Luật Việc làm, các trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được bảo lưu thời gian khi: đã tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ 12 tháng trở lên; chấp hành các quyết định áp dụng các biện pháp vào các trường giáo dưỡng các nơi tập trung, chấp hành các quyết định của tòa án hoặc chấp hành án phạt tù.
Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là một quy định mới có trong Luật Việc làm được cộng dồn thời gian đã đóng để người lao động được hưởng khi bị mất việc làm trong thời gian tiếp theo.
PV: Trường hợp người lao động kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp nhằm trục lợi, khi bị phát hiện sẽ bị xử lý như thế nào?
Ông Phạm Quang Hùng: Đây là vấn đề đặt ra trong thực tiễn, nếu làm sai lệch, sửa chữa hoặc trục lợi liên quan đến việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trước hết người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời phải hoàn trả toàn bộ kinh phí mà người lao động đã nhận từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó người lao động sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 95 của Chính phủ. Khi Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp nhận giấy tờ hồ sơ của người lao động bị thất nghiệp, phải kiểm tra xác định các nội dung có trong hồ sơ. Đối với trường hợp có vấn đề, phải yêu cầu người lao động giải trình rõ. Nếu phát hiện có vấn đề, Trung tâm sẽ có trách nhiệm thẩm tra, thẩm định hồ sơ với các cơ quan có liên quan để ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
PV: Trường hợp người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp từ chối nhận việc làm khi được Trung tâm Dịch vụ việc làm giới thiệu, những trường hợp này sẽ giải quyết như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Quang Hùng: Theo Quy định tại điểm d, Khoản 3, Điều 53 của Luật Việc làm: Người lao động sau 2 lần từ chối nhận việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu, người lao động từ chối không có lý do chính đáng sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Quy định lý do không chính đáng là: từ chối nhận việc làm mà đối tượng đó đã từng làm việc hoặc đã từng được đào tạo.
PV: Sau thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động vẫn chưa tìm được công việc mới, hướng giải quyết tiếp theo với người lao động sẽ là gì, thưa ông?
Ông Phạm Quang Hùng: Sau thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động vẫn chưa tìm được việc làm mới, người lao động tiếp tục đề nghị với Trung tâm Dịch vụ việc làm để được tư vấn, giới thiệu cung ứng lao động cho người lao động, tìm việc làm mới. Trường hợp người lao động gặp khó khăn muốn tự tạo việc làm cho mình nên đăng ký đề nghị với cơ quan lao động địa phương để được vay vốn theo Quỹ Quốc gia về vấn đề giải quyết việc làm.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hùng (thực hiện)