Quan điểm là phát triển rừng đặc dụng theo hướng bền vững, đảm bảo về môi trường, an ninh, xã hội của địa phương; quản lý tốt hệ sinh thái rừng, kết hợp hài hòa và bền vững giữa bảo vệ phát triển rừng với phát triển du lịch sinh thái gắn với xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân sống trong và ven rừng; phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo vệ phát triển rừng đặc dụng; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng...
Ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh cho biết: Theo quy hoạch đến năm 2020, rừng đặc dụng Ninh Bình gồm rừng văn hóa, lịch sử, môi trường Hoa Lư và khu bảo tồn rừng đặc dụng đất ngập nước vân Long.
Mỗi khu rừng lại được phân chia thành các phân khu khác nhau với tính chất khác nhau. Rừng văn hóa, lịch sử, môi trường Hoa Lư có tổng diện tích là 2.859,4 ha, nằm trong các xã: Ninh Vân, Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Hòa, Trường Yên (huyện Hoa Lư) và xã Ninh Nhất (TP Ninh Bình) và được chia làm 2 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 669,5 ha, chiếm 23,4% diện tích thuộc các xã Trường Yên, Ninh Hải và Ninh xuân; Phân khu phục hồi sinh thái có diện tích 2.189,9 ha, chiếm 76,6% tổng diện tích, nằm ở các xã Trường Yên, Ninh Hải, Ninh xuân, Ninh Hòa, Ninh Vân và Ninh Nhất.
Khu bảo tồn rừng đặc dụng đất ngập nước Vân Long có tổng diện tích 2.736 ha, thuộc dịa bàn 7 xã của huyện Gia Viễn: Gia Hưng, Gia Hòa, Gia Vân, Gia Lập, Gia Tân, Gia Thanh và Liên Sơn và được chia làm 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 1.270,6 ha, chiếm 46,4% diện tích, nằm trong địa bàn của các xã Gia Vân, Gia Hòa, Liên Sơn; Phân khu phục hồi sinh thái có diện tích 1.463,4 ha, chiếm 53,4% diện tích nằm trong địa bàn của các xã Gia Hưng, Gia Lập, Gia Tân và một phần xã Gia Thanh; Phân khu dịch vụ hành chính có diện tích 2 ha, chiếm 0,2% diện tích, thuộc địa bàn thôn Tập Ninh xã Gia Vân...
Quy hoach cũng đưa ra những hạng mục, công trình, dự án nhằm bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng như: Vấn đề bảo vệ rừng (khoán bảo vệ rừng, công tác tuần tra truy quét); phòng chống cháy rừng; cải tạo các khu rừng; trồng và chăm sóc khu rừng đất ngập nước Vân Long; nâng cấp vườn ươm, vườn sưu tập; nghiên cứu khoa học trong các khu rừng; phát triển du lịch sinh thái trong các khu rừng; xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu rừng; mua sắm trang thiết bị phục vụ quản lý bảo vệ rừng; đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng; hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội cho các xã vùng đệm của các khu rừng...
Theo ông Đỗ Văn Các, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì quy hoạch rừng đặc dụng tỉnh lần này có những điểm khác so với Quy hoạch trước là khu rừng văn hóa, lịch sử, môi trường Hoa Lư giảm đi 98,3 ha với lý do diện tích rừng tại xã Ninh Vân giảm 137,6 ha (nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản), nhưng một số mỏ đá khai thác trước kia ở xã Trường yên, Ninh xuân với tổng diện tích 39,3 ha lại nằm trong vùng di sản nên được quy hoạch vào rừng đặc dụng.
Các khu rừng được phân chia thành các phân khu rõ ràng, trong đó: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt cấm mọi hoạt động khai thác gỗ, đá và những hoạt động khác ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển tự nhiên của các loài động, thực vật và phòng chống cháy rừng ; phân khu phục hồi sinh thái và hoạt động du lịch được xác lập để khôi phục hệ sinh thái rừng, phục hồi rừng (trồng rừng mới, thay thế cây rừng, bổ sung các loại cây bản địa...mà phân khu bảo vệ nghiêm ngặt không được phép làm) và cho phép hoạt động du lịch sinh thái. Việc xác định rõ vùng đệm là cơ sở cho các chương trình, dự án về kinh tế - xã hội được triển khai trong địa bàn.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Cấp, Chủ tịch UBND xã Gia Vân: Mô hình quản lý du lịch gắn với khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long hiện đang do xã quản lý nhưng mấy năm gần đây khách đến ít đi, thu nhập của nhân dân thấp; sông ngòi bị bồi lắng không có kinh phí nạo vét; chính sách hỗ trợ cho nhân dân vùng đệm thực hiện chưa đầy đủ...
Để thực hiện tốt Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng nói chung và khu rừng đất ngập nước Vân Long nói riêng, điều quan trọng nhất hiện nay là Ban quản lý rừng đặc dụng Ninh Bình cần nhanh chóng cắm mốc phân định rõ các phân khu và địa giới hành chính để các địa phương và các ngành chức năng có cơ sở triển khai thực hiện theo Quy hoạch.
Đinh Chúc