Năm nay, do những ngày nghỉ tết gần với ngày cuối tuần nên việc "hành hương vào Nam" của nhiều người bắt đầu từ ngày mùng 6 Tết. Ngay từ sáng sớm các ngày mồng 6, mồng 7 tháng Giêng, dọc tuyến Quốc lộ 1A có rất đông người Ninh Bình tụ tập đón xe khách vào Nam. "Bến xe" thường là các ngã ba, ngã tư hay các điểm "nổi tiếng" mà cánh tài xế có thể dễ nhận biết để đón khách như: Bưu điện thị xã Tam Điệp, Khách sạn Xanh, Khách sạn Hoa Lư, Trường Cao đẳng nghề Cơ giới... Hòa với dòng người đưa tiễn những người thân trở vào Nam sau những ngày về quê ăn Tết tại ngã ba Tam Điệp - Nho Quan chúng tôi cảm nhận rõ hơn không khí trộn rộn của việc hành phương Nam. Ngay từ sáng sớm ngày mùng 6, tại ngã ba này đã có rất đông người đứng bắt xe với đồ đạc, hành lý lỉnh kỉnh: ba lô, va li quần áo, quà Tết của quê hương mang đặc trưng của người miền Bắc, người Ninh Bình như: Bánh chưng, rượu Kim Sơn, nem chua Yên Mạc… Anh Đỗ Duy Mạnh ở Yên Sơn, Tam Điệp đang lưu luyến chia tay chị và em gái để chuẩn bị đón xe vào Nam cho biết: Tôi vào Bình Dương làm công nhân cho Công ty TNHH MTV may mặc Bình Dương được 5 năm, nhưng 2 năm trở lại đây tôi mới có điều kiện về quê ăn Tết. Một phần vì công việc ca kíp của Công ty bận rộn, một phần vì mấy năm đầu mới vào Nam cuộc sống chưa ổn định nên không thể năm nào cũng về quê ăn Tết được. Nhưng năm nay số ngày nghỉ Tết dài hơn, thưởng Tết của công ty cũng khá hơn (trung bình 5 triệu đồng/người) và Công ty lại thuê xe đưa đón công nhân của công ty về quê đón tết Nhâm Thìn 2012 nên tôi và nhiều anh, chị em công nhân rất phấn khởi, yên tâm về quê ăn Tết. Năm trước tôi phải tự bắt xe khách vào Nam rất vất vả, phải dậy từ 5 giờ sáng để ra ngã ba này đón xe, lại còn bị cánh tài xế ép giá, "bán khách"… Bây giờ thì yên tâm rồi, chỉ cần "alô" là có xe của Công ty đưa đón. Nếu cứ được như thế này thì năm nào tôi cũng về quê ăn Tết. Anh Mạnh cười tươi.
Trái với tâm lý phấn khởi của anh Mạnh, chị Hoàng Thị Lý (Phúc Lộc, Nho Quan) trên mặt đầy nét lo âu cho biết: Chị và con gái chờ ở ngã ba Tam Điệp - Nho Quan đã 3 tiếng đồng hồ rồi mà chưa bắt được chuyến xe nào ưng ý để vào Đắc Lắc. Mặc dù trước khi về nghỉ Tết 2 ngày chị đã gọi điện đặt vé xe trước nhưng do chưa có kinh nghiệm, đặt vé muộn nên các hãng xe chất lượng cao có giường nằm như: nhà xe Cao nguyên, Hoàng Long, Thanh Khuê… đều "cháy" chỗ, vì vậy chị đành phải chờ để bắt các xe chất lượng thấp hơn. Xe chất lượng thấp nhưng giá cũng không "mềm" hơn xe chất lượng cao là mấy: 850.000 đồng/người (giá vé xe chất lượng cao là 1.050.000 đồng/người). Thậm chí nhiều tài xế còn rất "kiêu" với "thượng đế": "không đi với giá đó hả, mai (mùng 7) giá vé tăng hơn mà còn chật chội hơn!". Chị Lý cho biết thêm: Nếu đi ngày mùng 5 Tết thì giá vé giẻ hơn đôi chút nhưng theo quan niệm của các cụ xưa đó là ngày không tốt, nên tôi quyết định đi ngày mùng 6. Vả lại đây cũng gần như là thời hạn "áp chót" được nghỉ Tết, các nhà xe nắm bắt tâm lý này nên thường ép giá hành khách…
Kết thúc 2 ngày cao điểm, ngày mùng 6, mùng 7 tháng Giêng, theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay dọc các tuyến Quốc lộ 1A đã bớt cảnh các tài xế đua nhau rượt đuổi, tranh giành bắt khách, thậm chí nhiều người chưa kịp trả giá đã bị các tài xế túm đồ, kéo lên xe như mấy năm về trước. Hiện tượng xe dừng đỗ, đón khách trái nơi quy định thì vẫn còn tiếp diễn… Và năm nào cũng vậy, mặc dù cuộc Nam tiến sau Tết Nguyên đán của người dân miền Bắc nói chung, Ninh Bình nói riêng là "muôn hình vạn trạng", song với những người con xa quê vẫn luôn trộn rộn và có lẽ càng đi nhiều người ta sẽ tự rút ra được kinh nghiệm hay để mỗi năm việc hành phương Nam bớt nhọc nhằn
Bài, ảnh: Mai Lan