Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ những người làm công tác dân số từ thành phố đến cơ sở đã góp phần đưa công tác dân số thành phố đạt được những bước tiến mới, ổn định quy mô dân số, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm nay đã tròn 60 tuổi nhưng bác Đàm Thị Hường, cán bộ chuyên trách dân số ở phường Ninh Phong đã có gần 20 năm gắn bó với công tác dân số- KHHGĐ tại địa phương. Chia sẻ về khoảng thời gian mới đảm nhiệm công việc, bác Hường cho biết: Năm 1992, khi bộ máy làm công tác dân số- KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn, từ công tác phụ nữ của xã, tôi được phân công sang đảm nhiệm công tác dân số.
Khó khăn lúc đó đối với công tác dân số thì nhiều vô kể. Ví như: nguyên việc kẻ vẽ bản đồ, lập địa bàn để theo dõi, rà soát, lên danh sách chị em trong độ tuổi sinh đẻ đã chiếm nhiều thời gian. Chưa kể, khó khăn lớn nhất đối với công tác dân số là nhận thức của nhiều người còn rất hạn chế. Là vùng nông thôn nên số gia đình đông con chiếm tỷ lệ lớn. Lúc đó, đối với những người làm công tác dân số như chúng tôi, đi tuyên truyền về dân số-KHHGĐ chỉ "chung chung" là đi vận động các gia đình có đông con rồi thì không nên sinh thêm nữa, nên áp dụng biện pháp tránh thai là đi đặt vòng. Bên cạnh đó, khó khăn với những người làm công tác dân số thời ấy là các hoạt động hỗ trợ cho công tác truyền thông còn thiếu thốn. Tuyên truyền về dân số chỉ có tờ rơi là chủ yếu. Các biện pháp tránh thai chỉ duy nhất có biện pháp đặt vòng, chưa có biện pháp dành cho nam giới…
Nhưng bây giờ, làm công tác dân số đỡ vất vả hơn trước nhiều. Vẫn tuân thủ phương châm "Đến từng nhà, rà từng đối tượng", nhưng cán bộ, cộng tác viên dân số được sự hỗ trợ rất nhiều từ các hoạt động như: Được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, các phương tiện phục vụ tuyên truyền đa dạng hơn với loa, đài, tài liệu, hình thức tuyên truyền được tổ chức theo nhóm... Do đó, việc tuyên truyền không còn đơn điệu như trước mà đa dạng, phong phú hơn, được đối tượng cần tuyên truyền đồng tình hưởng ứng.
Trung bình hàng năm, phường Ninh Phong tổ chức được từ 10- 12 lớp tư vấn về dân số-KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi từ 15- 49. Các lớp tư vấn thu hút khá đông chị em đến tham dự và cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về dân số-HHGĐ. Đến nay, trong tổng số 1.987 phụ nữ ở độ tuổi từ 15- 49 của phường, có khoảng 90% phụ nữ tham gia và được hưởng các quyền lợi chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ từ các chiến dịch truyền thông mang lại. Hầu hết chị em đều trang bị cho bản thân kiến thức về sức khỏe sinh sản/KHHGĐ. Từ một địa phương chỉ có 13% số phụ nữ áp dụng các biện pháp tránh thai (năm 1993), đến nay toàn phường đã có 76,7% dân số áp dụng các biện pháp tránh thai, trong đó thu hút cả nam giới cùng tham gia, chia sẻ trách nhiệm về việc KHHGĐ. Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 9,3%.
Những năm gần đây công tác dân số-KHHGĐ của thành phố Ninh Bình luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Thành phố đã quan tâm kiện toàn Ban chỉ đạo công tác dân số- KHHGĐ, hỗ trợ nhiều mặt cho công tác dân số từ khâu tuyên truyền đến triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản/HHGĐ... Hàng năm, Trung tâm Dân số- KHHGĐ thành phố triển khai tổ chức 2 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, trong đó chú trọng các xã, phường khó khăn, vùng nông thôn như: Ninh Nhất, Ninh Phong, Ninh Sơn...
Mỗi chiến dịch được triển khai là một cơ hội tốt để người dân được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ do chiến dịch mang lại như: được khám phụ khoa, khám thai định kỳ, hưởng các gói chăm sóc sức khỏe sinh sản, lựa chọn các hình thức, biện pháp tránh thai đa dạng, phong phú, phù hợp... Đồng thời, qua mỗi chiến dịch góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về công tác dân số-KHHGĐ.
Các hình thức truyền thông được triển khai khá bài bản, phong phú, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân như: Trên hệ thống truyền thanh ba cấp, phát tờ rơi, làm các băng zôn, panô, áp phích... Các buổi truyền thông về đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, tư vấn cho phụ nữ và nam giới về sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, cung cấp kiến thức về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân... được tổ chức tại 14/14 đơn vị xã, phường trong thành phố đã thu hút gần 2.000 người tham dự.
Năm 2011, đã có 5.180/4.784 ca thực hiện các biện pháp tránh thai, đạt tỷ lệ 108% kế hoạch, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 7,96%. Toàn thành phố có 137/177 phố, thôn, xóm không có người sinh con thứ 3 trở lên, đạt tỷ lệ 77,40%, tỷ số giới tính khi sinh là 104,4 bé trai/100 bé gái. Đặc biệt, đội ngũ làm công tác dân số/KHHGĐ thành phố đã có sự trưởng thành nhanh chóng. Tại 14 xã, phường đều bố trí cán bộ chuyên trách dân số có trình độ chuyên môn được đào tạo cơ bản, cộng tác viên ở 185 thôn, xóm, phố là những người năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, góp phần đưa các hoạt động truyền thông về dân số-KHHGĐ, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ... đến với mọi người dân một cách đồng bộ, toàn diện, thường xuyên và kịp thời.
Bùi Diệu