Qua 2 năm thực hiện, công tác TDTT Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo ngành TDTT phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển TDTT theo Chỉ thị số 17-CT/T.Ư, Thông tri số 17-TT/TU và Nghị quyết 08-NQ/T.Ư bằng việc triển khai các công việc: Xây dựng đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên làm công tác TDTT; tập trung đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, quy hoạch quỹ đất, xây dựng các sân, bãi tập luyện TDTT và các điểm vui chơi cho trẻ em; tiếp tục phát triển gia đình thể thao, các câu lạc bộ TDTT, nâng tỷ lệ số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, số trường học có phong trào TDTT ngoại khóa, xem đây là một trong những nhiệm vụ phát triển KT- XH hàng năm.
Các cấp chính quyền đã chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản của Chính phủ, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 22/2007/NQ-HĐND ngày 22-8-2007 về việc phê duyệt quy hoạch và chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện TDTT; điểm vui chơi cho trẻ em ở cấp xã, phường, thị trấn đến năm 2010. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch phát triển TDTT của tỉnh đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2025.
Các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã nhận thức đúng đắn trách nhiệm và tăng cường phối hợp với ngành TDTT tổ chức phát triển phong trào, rèn luyện TDTT trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người cao tuổi… Hàng năm số lượng được gia tăng và chất lượng từng bước được nâng lên rõ rệt.
Chính vì sự quan tâm chỉ đạo và sự tham gia phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị hữu trách nên TDTT Ninh Bình đã đạt những bước tiến đáng kể. Về thể thao quần chúng tại các xã, phường, thị trấn, hầu hết các xã, phường, thị trấn thành lập được các câu lạc bộ TDTT.
Nếu như năm 2010 số người dân tham gia luyện tập TDTT thao thường xuyên mới chỉ đạt 25,6% thì đến năm 2011 là 26,5%. Chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ TDTT không ngừng được nâng lên, nhất là ở các môn thể thao đã thành lập được liên đoàn như: Bóng bàn, cầu lông, quần vợt.
Hoạt động TDTT không chỉ phát triển mạnh tại xã, phường, thị trấn mà còn phát triển mạnh mẽ hơn tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp, tư nhân.
Từ phong trào TDTT quần chúng trên đã xuất hiện mô hình câu lạc bộ thể thao hoạt động hiệu quả như: Câu lạc bộ xe đạp người cao tuổi phường Thanh Bình (Tp.Ninh Bình), câu lạc bộ bơi Sông Vân (thành phố Ninh Bình), Câu lạc bộ bóng bàn Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh…
Thể thao học đường cũng liên tục gặt hái nhiều thành quả: 100% số trường phổ thông thực hiện chương trình giáo dục thể chất nội khóa (năm 2011), số học sinh được đánh giá phân loại thể lực đạt 97% (tăng 2% so với năm 2010).
Công tác TDTT trong các lực lượng vũ trang cũng là một điểm sáng. Lãnh đạo các đơn vị công an, quân đội xem hoạt động rèn luyện TDTT là một trong những nội dung thi đua rèn luyện thường xuyên của ngành. Năm 2011, số cán bộ, chiến sỹ kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo từng quân, binh chủng đạt 100%.
Công tác thể thao thành tích cao liên tục tạo những dấu ấn. Điển hình là Đội tuyển bóng chuyền Tràng An Ninh Bình thi đấu tốt và về nhất Bảng A (vòng I) giải bóng chuyền vô địch Quốc gia 2012. Trong khi đó đội tuyển bóng đá nam Xi măng The Vissai cũng thi đấu khá ấn tượng tại V.league 2012. Các đội tuyển vật, võ thuật, cờ vua trong 9 tháng đầu năm cũng đạt được nhiều thành tích đáng kể tại các giải trẻ, giải vô địch quốc gia và khu vực.
Để công tác TDTT phát triển mạnh và vững chắc bên cạnh sự đầu tư của tỉnh, các cấp, các ngành đã chủ động thực hiện xã hội hóa. Trong đó có việc tích cực phát huy nguồn lực của nhân dân, sự đóng góp của các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ cho các hoạt động TDTT, xây dựng cơ sở vật chất.
Những thành tích sau 2 năm thực hiện Chiến lược, TDTT tỉnh Ninh Bình có thêm động lực để hoàn thành tốt các mục tiêu mà Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra.
Đức Bá