Cách "Nói không với thực phẩm bẩn" của Hội Nông dân được bắt đầu ngay ở khâu sản xuất khi xây dựng các mô hình điểm trên nhiều lĩnh vực, từ sản xuất đến chế biến thực phẩm phù hợp với đặc trưng của từng địa phương. Chủ thể tham gia mô hình được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm, tập huấn khoa học kỹ thuật… Dẫn chúng tôi đi thăm từng mô hình, đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phấn khởi cho biết: Rất mừng là trước Tết Nguyên đán tất cả các mô hình đều đã kịp hoàn thiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, sản phẩm an toàn. Điều đó đồng nghĩa với việc nông dân Ninh Bình đã và đang thiết thực đóng góp một phần trong những nỗ lực đem đến một cái Tết "an toàn" cho nhân dân.
Dịp Tết luôn là cao điểm đối với việc tiêu thụ đặc sản mắm tép Gia Viễn, vì vậy điểm đầu tiên chúng tôi đến là mô hình sản xuất mắm tép an toàn Thủy Tới ở thị trấn Me (Gia Viễn). Để được chứng kiến từng công đoạn làm mắm tép, chúng tôi đã cố gắng có mặt ở đây từ tờ mờ sáng khi nhiệt độ ngoài trời còn rất thấp, bà chủ cơ sở nở nụ cười hiền hậu đón khách: Muốn xem làm mắm tép mà giờ mới có mặt thì hơi muộn rồi! Bà tiếp lời: Nhà tôi thường phải thức dậy từ lúc 1 giờ đêm đi thu mua tép đến 4-5 giờ sáng, mang về đãi sạch và chế biến ngay vì chỉ sau khoảng 2, 3 tiếng là tép bị ươn, muối sẽ không ngon.
Nhà bà Tới đã có 3 đời làm mắm tép. Vì vậy ngoài mục đích kinh doanh, thì duy trì nghề này là một cách để bà lưu giữ những ký ức thuở xa xưa. Bà tự hào kể: Đã là người Gia Viễn, đặc biệt là phụ nữ thì không ai là không biết làm mắm tép. Có điều trước đây làm mắm tép vất vả lắm, người đi riu tép phải ngâm mình dưới nước từ 5- 8 tiếng đồng hồ, kể cả những hôm thời tiết giá rét thì mới mong riu được nhiều tép ngon. Bây giờ đã có thêm phương tiện để riu tép nên cũng đỡ cực hơn. Nhưng, làm mắm tép thời nào cũng vậy, điều tiên quyết vẫn phải tuân thủ là cẩn thận, sạch sẽ ở từng khâu chế biến. Ví như khâu chọn tép, phải chọn những mẻ tép mới, thân tép tròn, nhỏ con, màu xanh lam, rồi đãi sạch, tuyệt đối không được để tạp chất, rong rêu lẫn vào. Đến khâu rang thính cũng không thể sốt ruột, nóng vội vì nếu thấy hạt gạo lâu vàng để lửa to sẽ khiến mẻ thính quá chín, bị đắng hoặc để thính còn "non" sẽ làm cho màu hạt gạo vẫn còn trắng… thì vại mắm tép đó coi như thất bại.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm mắm tép và cũng đã tạo được uy tín nhất định đối với thực khách nhưng bà Tới vẫn băn khoăn: Thực hiện các quy trình làm mắm ngặt nghèo là vậy song khi gặp những khách hàng khó tính, chúng tôi không khỏi lúng túng để giải thích cho họ về độ an toàn của những sản phẩm mình đã kỳ công làm ra. Bởi hiện nay người tiêu dùng luôn cảm thấy bất an với thực phẩm, trong khi đó, mắm tép Gia Viễn lại được làm thủ công, đóng gói sơ sài, rồi cũng có ít cơ sở quan tâm đến việc được cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất an toàn… Cho đến khi Hội Nông dân vận động "Nói không với thực phẩm bẩn" bằng cách hỗ trợ mua sắm các thiết bị lọc nước, vệ sinh nơi chế biến, rồi hoàn thiện các tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn thì mọi việc đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Khách hàng nhìn chai mắm được đóng gói cẩn thận, có ghi rõ nơi sản xuất, có giấy chứng nhận vệ sinh thì ai cũng an tâm, nhiều người còn mua để làm quà biếu, quà tặng vào những dịp quan trọng.
Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là các mô hình HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản Văn Phong (Nho Quan) với diện tích 14.000 m2 chuyên sản xuất măng tây và các loại rau theo quy trình sản xuất an toàn, có sổ nhật ký theo dõi; mô hình HTX nông nghiệp Phúc Long (Yên Mô) diện tích gần 13.000 m2 sản xuất các loại rau như cà chua, bí xanh, cải bẹ, cải bắp, su hào, súp lơ, cà rốt... Mô hình sản xuất bún bánh an toàn của hộ ông Đinh Đức Hoàn, mô hình sản xuất miến dong an toàn của hộ ông Nguyễn Văn Trưởng ở thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh) cam kết không sử dụng các loại hóa chất, phẩm màu, chất bảo quản…
Có thể thấy, vẫn là những nông phẩm quen thuộc, nhưng với việc "Nói không với thực phẩm bẩn", người nông dân đã nâng tầm giá trị cho thành quả lao động của mình, đồng thời thể hiện trách nhiệm cao với cộng đồng. Tuy nhiên có một điểm chung ở các mô hình này đó là giá thành sản phẩm thường cao hơn so với thị trường. Chúng tôi băn khoăn: Liệu điều này có làm khó cho người nông dân khi trên thị trường việc cạnh tranh về giá cả luôn rất quan trọng. Thay bằng giải thích, đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tiếp tục giới thiệu với chúng tôi về cửa hàng Nông sản sạch Sông Vân tại thành phố Ninh Bình, nơi giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm an toàn của nông dân trong và ngoài tỉnh.
Tìm hiểu được biết, chủ cửa hàng thực ra là một người "tay ngang" ở lĩnh vực này nhưng lại rất am hiểu về thực phẩm an toàn bởi chị đã được Hội Nông dân hỗ trợ đi học hỏi kinh nghiệm, tham gia rất nhiều lớp tập huấn, được cung cấp các loại tài liệu liên quan để nghiên cứu. Hội Nông dân cũng đứng ra mượn địa điểm, cho vay vốn để cửa hàng sớm đưa nông sản sạch đến tay người tiêu dùng. Hiện cửa hàng có hơn 200 sản phẩm, đảm bảo chất lượng và được bảo quản đúng kỹ thuật, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chủ yếu là nông sản đã được các cơ quan chức năng công nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm như rau, củ, quả của HTX rau sạch Khánh Thành, HTX nông nghiệp Phúc Long, HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản Văn Phong... Những sản phẩm đặc trưng cho quê hương Ninh Bình được du khách gần xa tin dùng cũng được bày bán tại đây như: Mắm tép Gia Viễn, giò chả Kim Sơn, bún bánh Yên Ninh, dê núi Ninh Giang... do chính hội viên nông dân Ninh Bình chăn nuôi và sản xuất. Đây cũng là những sản phẩm của các mô hình sản xuất an toàn do Hội Nông dân tỉnh triển khai xây dựng.
Bên cạnh đó, cửa hàng còn liên kết với nhiều địa phương trong cả nước để giới thiệu tới khách hàng những nông sản đặc trưng cho các vùng miền như Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ.
Đặc biệt, cửa hàng có trang bị một số dụng cụ kiểm tra thử nghiệm tại chỗ như Test nhanh, kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật VPR 10 do Viện kỹ thuật hóa sinh - Bộ Công an sản xuất để khách hàng trực tiếp kiểm tra và yên tâm về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, khách hàng còn được tư vấn các kiến thức về lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Những khách hàng thân thiết còn được cửa hàng tổ chức đi tham quan khu vực sản xuất nông sản an toàn cung cấp cho cửa hàng…
Cũng với cách làm này, mới đây tại thành phố Tam Điệp tiếp tục khai trương một cửa hàng nông sản an toàn góp phần cung cấp các nông sản an toàn, cho bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng, đồng thời cũng là kênh tiêu thụ lâu dài, tạo động lực cho nông dân tăng cường sản xuất sạch, nâng cao thu nhập.
Bài, ảnh: Đào Duy - Đức Lam