Tại dự án Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế, trong những ngày qua, hàng trăm người lao động đang miệt mài làm việc bất chấp thời tiết hiện đang bất thuận (mưa lớn kéo dài). Trên diện tích rộng hàng chục ha, từng nhóm người đang cần mẫn lao động: chỗ dọn vệ sinh, cắt cỏ, trồng lại cây, lát gạch; nơi đang làm cống thoát nước... Đồng chí Lê Minh Trị, Trưởng Ban quản lý Dự án xây dựng đô thị thành phố Ninh Bình cho biết: Nhiều ngày nay, Ban quản lý Dự án phải huy động cán bộ kỹ sư giám sát, quản lý và tư vấn thiết kế cùng với nhà thầu thi công luôn có mặt tại hiện trường, phấn đấu cơ bản hoàn chỉnh hạng mục sân quảng trường trước ngày Đại hội.
Trước đó, UBND tỉnh cũng đã thống nhất với chủ đầu tư, các đơn vị giám sát, tư vấn thiết kế cùng nhà thầu về những hạng mục cần làm trước, làm ngay: Trải nhựa đường Đinh Điền và đường gom 2 đầu hầm chui; lát sân; chỉnh sửa bo hè, lắp đặt lưới chắn rác; thay thế cây chết, cắt tỉa lại cây đã trồng; thay thế gạch lát sân vỡ, làm cống thoát nước...
Những hạng mục chưa thể thực hiện, nhà thầu và thành phố tổ chức thu dọn, san gạt, vệ sinh sạch sẽ, không để vật liệu thừa, nhất là khu vực trước Trung tâm hội nghị tỉnh-nơi sẽ diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.
Cầu Nam Bình (trước đây gọi là cầu Trại Mễ) là một trong 3 cây cầu thuộc Dự án đường kết nối cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình với QL1A (giai đoạn I) đã được hoàn thành và chính thức thông xe vào cuối tháng 6-2015. Cầu nằm trên đường cao tốc Bắc-Nam, bắc qua sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình với Nam Định. Đầu cầu phía Bắc thuộc xã Yên Khang (ý Yên-Nam Định), đầu cầu phía Nam thuộc xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình).
Nhìn theo hướng từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Đáy thì cầu Nam Bình nằm ở phía dưới cầu Non Nước và cầu Ninh Bình. Cầu Nam Bình dài 1.636,6 m, có 37 nhịp. Quá trình thi công công trình có sự thay đổi, điều chỉnh về khoảng tĩnh không khoang thuyền của cầu.
Cùng với các hạng mục, công trình khác thuộc Dự án, cầu Nam Bình được khởi công vào tháng 10-2012, đến ngày 31-12-2014 đã chính thức hợp long 2 đầu và đến ngày 30-6-2015 thì chính thức thông xe.
Đứng trên cầu có thể bao quát được một góc của thành phố Ninh Bình và cách đó không xa là công trường thi công cầu vượt Quốc lộ 10 thuộc Dự án đường kết nối giữa cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và Quốc lộ 1A (giai đoạn II) với máy xúc, máy ủi, máy khoan, ô tô, cần cẩu... đang hoạt động tấp nập. Hệ thống chiếu sáng, biển báo, vạch kẻ đường, cờ Đảng, cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu... trên cầu, đảm bảo cho các phương tiện tham gia giao thông thuận tiện và cùng với các công trình khác trên toàn tuyến kết nối với đường vành đai phía Đông Nam của thành phố Ninh Bình cho phép các phương tiện ra Bắc vào Nam không phải đi qua trung tâm thành phố và tạo cảnh quan mới cho khu vực.
Mới đây, Công ty cổ phần Tổng Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình đã chính thức khánh thành giai đoạn I Dự án Nhà máy chế biến bảo quản nông sản Ninh Bình.
Đây là dự án đã được cấp phép đầu tư từ năm 2012. Trong bối cảnh của suy thoái kinh tế toàn cầu, nguồn vốn khó khăn, đầu ra bị thu hẹp... nhưng với quyết tâm và sự nỗ lực cố gắng lớn của chủ đầu tư nhà máy đã bắt đầu đi vào hoạt động. Nhà máy được lắp đặt thiết bị, máy xay xát gạo tiên tiến, hiện đại theo công nghệ của Nhật Bản.
Ông Vũ Văn Nga, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình chia sẻ: Dự án đã hoàn thành 80% hạng mục công trình, bao gồm dây chuyền sấy với công suất 100 tấn/ngày; dây chuyền máy xay xát chính, công suất 10-12 tấn/giờ với quy mô đồng bộ, khép kín từ khâu sấy đến khâu ra thành phẩm. Nếu hoạt động hết công suất, dây chuyền sản xuất có thể đạt 30-35 nghìn tấn/năm.
Với công suất này, nhà máy có thể bao tiêu sản phẩm cho 500 ha vùng nguyên liệu sản xuất lúa của khu vực miền Bắc.
Hệ thống dây chuyền của nhà máy chế biến bảo quản nông sản Ninh Bình còn có khả năng lau bóng, tách màu, lọc một số tạp chất.
Hạt gạo sau khi thành phẩm đều, trắng, chất lượng được đảm bảo. Nhờ thế, giá trị gia tăng của hạt gạo tăng 1,5 lần so với xay xát thông thường. Chiến lược khách hàng của công ty là: 80% sản phẩm của nhà máy dùng cho xuất khẩu, 20% tiêu thụ nội địa.
Với định hướng như vậy, Công ty đang đẩy mạnh công tác tìm kiếm thị trường xuất khẩu gạo sang các nước thuộc châu Phi, ấn Độ, Đông Nam á... đồng thời tổ chức các cửa hàng, đại lý tại một số tỉnh và khu vực trong nước.
Ngoài các công trình, dự án nói trên thì UBND tỉnh cũng đã chính thức công nhận 15 xã của 5 huyện (Hoa Lư 4, Yên Khánh 4, Yên Mô 2, Kim Sơn 2, Gia Viễn 3) đạt chuẩn nông thôn mới và gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.
Nhiều sở, ngành và địa phương cũng lựa chọn những công trình, dự án hoàn thành trong thời gian này và đề nghị được gắn biển là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Các công trình, dự án trên là những "bông hoa" tươi thắm dâng lên Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI sắp diễn ra.
Đinh Chúc