Ngô Tiến Giang: Giỏi một nghề, biết nhiều việc
Có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (25 năm), ông Ngô Tiến Giang (Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh) hiểu khá rõ về nghề "làm bạn với nhà nông" của mình. Ông tâm sự, từ nhỏ đã chứng kiến người dân quê tôi (Khánh Thượng - Yên Mô) và cả người thân trong gia đình sản xuất, chăn nuôi theo lối quảng canh, lạc hậu vì vậy mùa màng thường xuyên thất bát; dịch bệnh gia súc tràn lan mà bà con thường không hiểu nguyên nhân, chỉ biết rằng "ốm chết"! Khi tôi 19 tuổi (năm 1971) cũng là lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang ở thời kỳ cam go, quyết liệt, tôi lên đường nhập ngũ. Hòa bình lập lại, năm 1977, tôi được chuyển ngành và có điều kiện thực hiện ước mơ của mình: đi học và trở thành bác sỹ thú y.
Ở Trường Đại học Nông nghiệp I - Hà Nội, Ngô Tiến Giang luôn là một trong những sinh viên xuất sắc của trường. Năm 1983, tốt nghiệp đại học với tấm bằng "đỏ", ông được phân công về làm việc tại Phòng Nông nghiệp huyện Hoa Lư rồi chuyển sang Công ty vật tư nông nghiệp huyện.
Đến năm 1994, ông được đề bạt làm Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh, sau đó làm Giám đốc, đến nay đã được gần 10 năm. Nhiều năm làm công tác khuyến nông, ông Giang đã cùng đồng nghiệp đi khắp các thôn xóm, bản làng tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân. Năm 2001, ông được nhiều người biết đến với đề tài khoa học "Cải tạo đàn dê", được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp bằng "Lao động sáng tạo". Thành công từ đề tài "Cải tạo đàn dê" là động lực giúp ông không ngừng nghiên cứu, lao động sáng tạo, đưa công tác chuyển giao KHKT trở thành "cầu nối" quan trọng giúp nông dân làm giàu, góp phần tạo bước tăng trưởng vượt bậc của ngành Nông nghiệp. Năm 2006, Giám đốc Ngô Tiến Giang một lần nữa xuất sắc mang về tấm bằng "Lao động sáng tạo" thứ 2 khi nghiên cứu thành công đề tài "Cải tạo đàn bò". Đề tài này đã được bà con nông dân áp dụng rộng rãi.
25 năm trong nghề, dù là cán bộ thú y hay trên cương vị quản lý, ông Ngô Tiến Giang luôn là người làm việc cần mẫn và sáng tạo, được bạn bè, đồng nghiệp tin yêu, quý trọng. Nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp & PTNT tặng Bằng khen. Năm 2002, Giám đốc Ngô Tiến Giang đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, ông đang được Trung tâm Khuyến nông tỉnh đề nghị Nhà nước trao giải thưởng "Nguyễn Đức Cảnh", danh hiệu cao quý dành cho những người có nhiều đóng góp trong hoạt động khuyến nông.
Cô giáo Đinh Thị Thoại: Người phụ nữ "hai giỏi"
Nhắc đến cô giáo Đinh Thị Thoại, Tổ trưởng tổ KHXH, Trường THCS Đồng Giao (thị xã Tam Điệp), các đồng nghiệp đều có chung nhận xét, cô là giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề và luôn là tấm gương sáng để nhiều người noi theo.
Yêu nghề dạy học từ nhỏ, học xong THPT, cô Đinh Thị Thoại đã thi đỗ và theo học Khoa Văn tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam Ninh. Tốt nghiệp, cô được phân công về giảng dạy ở Trường cấp II Kỳ Phú (Nho Quan) và sau này được luân chuyển qua nhiều trường khác. ở đâu cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn là giáo viên nòng cốt trong đội ngũ giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi. Trên 30 năm trong nghề, 13 năm gắn bó với Trường THCS Đồng Giao, cô Thoại cùng tập thể giáo viên đã đào tạo được nhiều học sinh giỏi môn Văn học cấp tỉnh, cấp quốc gia, góp phần đưa Trường THCS Đồng Giao trở thành lá cờ đầu của ngành Giáo dục thị xã.
Trong quá trình giảng dạy, ngoài việc thực hiện nghiêm các quy chế chuyên môn như: Lên lớp đúng giờ, soạn giáo án đầy đủ, chất lượng..., cô còn là người gần gũi thân thiện với phụ huynh, học sinh, nhất là với những học sinh cá biệt để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các em, từ đó có những phương pháp rèn luyện phù hợp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các tiết học do cô giảng bao giờ cũng sôi nổi, học sinh luôn hào hứng tiếp thu bài một cách chủ động. Trên bục giảng, cô là người thầy mẫu mực, ngoài giờ học cô như người mẹ hiền sẻ chia, giúp đỡ các em. Tình cảm cô trò luôn gắn bó, quý trọng. Chuyện trò về nghề dạy học, cô Thoại cho biết: Tôi luôn tâm niệm rằng "văn học" là "nhân học" vì thế cốt cách của người thầy dạy môn Văn học đóng một vai trò hết sức quan trọng. Môn Văn học cũng như các môn khác, muốn học sinh tiếp thu bài nhanh, có hiệu quả thì trước hết người thầy phải thực sự hiểu sâu sắc các tác phẩm văn học, đưa ra được những phương pháp truyền thụ nhẹ nhàng nhưng lại sâu lắng...
Với một gia đình hạnh phúc, các con chăm ngoan, học giỏi, thành đạt, cô giáo Thoại còn được tôn vinh là người phụ nữ "hai giỏi" (giỏi việc trường, đảm việc nhà). Cô được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Nam Ninh tặng danh hiệu "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc 10 năm liên tục xuất sắc" (giai đoạn 1978 - 1988); nhiều năm liền là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen trong phong trào thi đua "Lao động giỏi và hoạt động công đoàn xuất sắc"...
Trần Thị Dung: Người cán bộ công đoàn xuất sắc
Đến với tổ chức công đoàn như "duyên số", chị Trần Thị Dung, Chủ tịch công đoàn ngành Giáo dục huyện Kim Sơn là một trong những tấm gương cán bộ công đoàn nhiệt tình, năng động.
"Trước đây khi còn tham gia giảng dạy, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ trở thành một cán bộ công đoàn, bởi lúc đó với tôi, khái niệm "công đoàn" chỉ là một tổ chức đoàn thể hoạt động đơn điệu. Thế rồi, năm 2000, tôi được cử làm chuyên viên phòng Giáo dục, phụ trách các môn xã hội bậc THCS, kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ quan Phòng Giáo dục huyện. Tôi còn nhớ, năm 2001, trong một lần đi tiếp nhận quà của Công ty Bitis hỗ trợ cho các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, được tiếp xúc với các đồng chí làm công tác công đoàn, tôi thấy họ rất gần gũi, thân tình và thực sự đồng cảm, sẻ chia với CNVC - LĐ nghèo. Từ đó, tôi đã thay đổi nhận thức về tổ chức công đoàn, tự tin hơn trong vai trò là Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục huyện Kim Sơn". Đó là những lời tâm sự chân tình của chị Trần Thị Dung với chúng tôi khi nói về công việc hiện nay của mình.
Thấm nhuần lời dạy của Bác: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém", tuy không được đào tạo chuyên môn về công tác công đoàn, nhưng với tinh thần ham học hỏi, quyết tâm cao, chị Trần Thị Dung đã trở thành một cán bộ công đoàn giỏi. Là Chủ tịch Công đoàn ngành, chị đã gặp không ít khó khăn trong công việc do đội ngũ CNVC - LĐ đông đảo, lại được chia thành nhiều cơ sở ở khắp huyện. Trước khó khăn đó, chị Dung đã dành nhiều thời gian đi cơ sở, đến các trường học, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công nhân viên, nhất là với nữ CNVC, động viên chị em phấn đấu thi đua lao động sáng tạo. Ngoài ra, chị còn tích cực tham mưu với các cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng chuyên môn sắp xếp công việc phù hợp với năng lực, trình độ và điều kiện của từng đoàn viên công đoàn giúp họ yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Là một cán bộ công đoàn gương mẫu, chị Dung đã được các đoàn viên công đoàn tin yêu, quý trọng. Nhiều năm công tác, chị luôn đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua các cấp. Năm 2000, chị được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 10 năm đổi mới. Đặc biệt, chị đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2005). Gần 10 năm làm cán bộ công đoàn, 5 năm là Chủ tịch công đoàn ngành, chị Trần Thị Dung cùng Ban chấp hành luôn làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đưa Công đoàn Giáo dục huyện Kim Sơn nhiều năm liên tục đạt danh hiệu đơn vị xuất sắc.
Đức Nghĩa