Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão hiệu quả, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các ngành triển khai kịp thời các phương án phòng, chống bão số 8 nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản của nhân dân.
Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Ninh Bình đã phối hợp cùng huyện Kim Sơn kiểm tra các khu vực trọng yếu, kiểm đếm tàu thuyền, kêu gọi ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy hải sản chủ động vào bờ tránh bảo. Đến chiều tối ngày 27/10, huyện đã kêu gọi 150 phương tiện với 300 ngư dân đang hoạt động trên biển vào bờ; vận động 510 lao động nuôi trồng thủy sản ở khu vực đầm bãi, Cồn Nổi ngoài đê BM3 và 1500 nhân khẩu nuôi trồng thủy sản trong đê BM 3 vào nơi trú tránh bão an toàn. Sáng ngày 28/10 đã di chuyển 386 hộ dân với 1.005 nhân khẩu của 3 xã bãi ngang về nơi trú ẩn an toàn.
Sở Nông nghiệp & PTNT, Công TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi và các địa phương đã tiến hành rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó, bảo vệ an toàn hồ đập, chủ động mở cống, bơm tiêu nước cho các khu vực thấp, trũng để bảo vệ 10.648 ha cây trồng vụ đông.
Các đơn vị lực lượng vũ trang đã huy động 615 cán bộ chiến sỹ tăng cường tập trung phòng chống bão, giúp dân di dời nhà cửa, tài sản, hỗ trợ di chuyển người già, trẻ em về nơi trú ẩn an toàn và sẵn sàng ứng phó, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người, các công trình đê điều và tài sản.
Ngành giao thông vận tải chuẩn bị đủ phương tiện phục vụ di chuyển dân các xã bãi ngang ra khỏi vùng nguy hiểm. Ngành nông nghiệp đã triển khai chuẩn bị 15.000 m2 vải bạt chắn sóng cùng các phương tiện, vật tư thực hiện phòng chống bão, sóng lớn, bảo vệ đê biển Kim Sơn. Bố trí lều bạt cơ động cho các tổ tuần tra, trực bão canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, các trọng điểm xung yếu.
Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra đảm bảo giao thông đi lại, phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang và các cơ quan chức năng cùng các tổ tuần tra hướng dẫn, ngăn chặn, không để người dân quay trở lại khu vực nuôi trồng thủy sản, tránh xa các khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. UBND tỉnh đã quyết định cấp kịp thời 500 triệu đồng để phục vụ công tác di dân trên địa bàn huyện Kim Sơn…
Qua công tác chỉ đạo, triển khai đối phó với bão số 8, Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đã rút ra những bài học kinh nghiệm là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, kịp thời, sâu sát, cụ thể, hướng về cơ sở; có sự phân công nhiệm vụ chi tiết, hợp lý cho các đồng chí thành viên Ban chỉ huy để tập trung chỉ đạo, điều hành từng lĩnh vực, địa bàn. Công tác chỉ huy điều hành bám sát diễn biến tình hình của bão số 8, chủ động triển khai ứng phó kịp thời, phù hợp sát với diễn biến của bão.
Công tác theo dõi hướng di chuyển, dự báo đường đi của bão được cập nhật thường xuyên, sát sao, phục kịp thời cho công tác chỉ đạo các cấp, ngành phòng tránh và đối phó hiệu quả với bão số 8. Công tác chuẩn bị 4 tại chỗ từ tỉnh đến huyện, xã, thôn đảm bảo cụ thể phù hợp với nguồn lực của địa phương và cộng đồng dân cư; cùng với sự vào cuộc, ủng hộ của nhân dân vùng bão đã phát huy tối đa hiệu quả, nhất là thực hiện công tác di dân ra ngoài vùng nguy hiểm trên địa bàn huyện Kim Sơn.
Ngay sau khi bão số 8 đi qua địa bàn, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp cùng các lực lượng vũ trang khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả của cơn bão. Tập trung giúp dân sửa chữa nhà, lều lán bị đổ, tốc mái, cắt tỉa cây đổ để đảm bảo giao thông đi lại.
Các đơn vị huy động lưc lượng, vật tư để khắc phục hệ thống điện và các công trình bị hư hỏng. Tập trung chỉ đạo sản xuất, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc cây vụ đông sau bão và trồng cây vụ đông còn thời vụ. Đồng thời tập trung vệ sinh môi trường thu dọn cây đổ, lá cây, rác sau bão... góp phần ổn định đời sống nhân dân, đưa các hoạt động kinh tế- xã hội trở lại bình thường.
Trần Thanh