Tấm băng rôn tuyển lao động được treo nổi bật trước cổng Công ty TNHH Giầy Athena (Yên Mô) đã khá lâu nhưng đến nay Công ty này vẫn đang thiếu tới cả nghìn lao động. Anh Vũ Văn Tiến, Chủ tịch CĐCS Công ty cho biết: Hiện Công ty đang có khoảng 5.800 công nhân làm việc, trong khi đó quy mô nhà xưởng, máy móc được doanh nghiệp thiết kế, xây dựng phải cần tới 8 đến 9.000 lao động. Bởi vậy Công ty vẫn còn thiếu khoảng 3.000 công nhân nữa.
Nhưng thực tế dù đã mở rộng thị trường tuyển dụng sang các địa phương lân cận như huyện Kim Sơn, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) thì vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Thậm chí doanh nghiệp cũng chấp nhận hạ tiêu chí đầu vào (về trình độ, tuổi tác) nhưng tình trạng thiếu hụt lao động cũng không được cải thiện là bao.
Còn tại Công ty TNHH sản xuất giày Chung Jye (Yên Khánh), một doanh nghiệp mà mặc dù các chế độ lương, thưởng cho người lao động luôn được ưu tiên hàng đầu nhưng việc tuyển công nhân cũng vẫn đang gặp khó. So với quy mô được thiết kế, Công ty hiện còn cần thêm vài nghìn lao động nữa.
Chủ tịch CĐCS Công ty tỏ ra lo ngại: Mặc dù khan hiếm lao động nhưng dù sao ở thời điểm trước Tết Nguyên đán thị trường lao động vẫn còn ít xáo trộn bởi đa số công nhân đang chờ đợi các chế độ lương, thưởng của doanh nghiệp (các chế độ được tính theo thâm niên làm việc). Điều chúng tôi lo lắng hơn cả là tình trạng "nhảy việc" sau kỳ nghỉ vào thời điểm đầu năm mới. Khi đó, công nhân thường có tâm lý "ngại" đi làm hoặc trông chờ vào cơ hội việc làm tốt hơn. Vì vậy, song song với tuyển dụng thì việc "giữ chân" người lao động cũng đang là bài toán đặt ra với doanh nghiệp.
Thực tế, các doanh nghiệp giầy da, may mặc, điện tử… thường cần số lượng lớn lao động và việc tuyển dụng được tiến hành quanh năm (trừ đợt cao điểm của dịch COVID-19) nhưng hầu như đều luôn trong tình trạng thiếu hụt, đặc biệt là dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Nhiều nhà tuyển dụng cũng chấp nhận hạ tiêu chí đầu vào. Có nơi, không cần kinh nghiệm, không thử việc, làm chính thức ngay từ đầu, cải thiện mức lương, phúc lợi... với hy vọng mở rộng đối tượng tuyển nhưng cũng không xoay chuyển được tình thế là bao.
Nguyên nhân cơ bản là do lao động địa phương nơi doanh nghiệp đứng chân chưa đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi lao động ở các địa phương khác e ngại khi phải đi làm xa với các chi phí phát sinh như thuê nhà trọ, tăng sinh hoạt phí, ít có điều kiện chăm lo cho gia đình… Bên cạnh đó, cũng có nhiều lao động chỉ làm việc kiểu tạm thời, thiếu kỹ năng chuyên nghiệp, không đáp ứng được nhu cầu nhưng lại yêu cầu lương cao, quá khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Giải pháp cơ bản mà các doanh nghiệp này đang triển khai nhằm thu hút lao động mới và "giữ chân" những lao động sẵn có đó là đảm bảo mức lương ổn định, thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm theo quy định, bổ sung những khoản phúc lợi để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người lao động. Nhiều đơn vị thuộc lĩnh vực may mặc cho biết, kinh nghiệm từ những năm trước cho thấy trong khi đơn đặt hàng không thiếu thì vấn đề nhân lực lại là nỗi lo khi hàng loạt công nhân nghỉ việc sau Tết Nguyên đán để tìm chỗ làm có mức lương cao hơn, mặt khác việc tuyển mới cũng không dễ dàng gì.
Vì vậy, năm nay để giải quyết tình trạng này, việc cải thiện các chế độ đãi ngộ đang được nhiều doanh nghiệp hướng đến nhằm hạn chế những nguy cơ tổn hại về kinh tế (do bị phạt lỗi vi phạm hợp đồng) và tổn hại về uy tín dẫn tới mất dần bạn hàng...
Cùng với đó các cấp Công đoàn trong tỉnh cũng đang tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động về việc làm và tiền lương, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người lao động…
Bài, ảnh: Đào Duy