Vào lúc 22h, chúng tôi có mặt tại chợ Rồng. Không khí mua bán, lao động vận chuyển hàng tất bật bao trùm cả khu chợ. Các tiểu thương từ các huyện đã chở hàng lên tập kết, vận chuyển những thùng, túi rau lớn từ ô tô xuống.
Ông Phạm Đức Đoàn, xã Khánh Hồng (huyện Yên Khánh) vừa chuyển hàng, vừa chia sẻ: Tôi đi bán hàng đêm tại chợ Rồng đã 15 năm nay. Trước kia, tôi đã tham gia bán hàng đêm ở những chợ khác, nhưng việc buôn bán không thuận tiện. Khi về chợ Rồng bán hàng thấy dễ dàng hơn. Tôi đầu tư mua xe chở hàng để vận chuyển nhiều hàng hóa tới chợ, có thể vừa bán hàng của gia đình, vừa thu mua thêm của hộ dân trong xã. Mỗi ngày, tôi xuất bán khoảng 1 tấn hàng nông sản gồm rau, củ đủ loại theo mùa.
Đêm mang hàng nông sản xuất bán tại chợ Rồng, ban ngày lại nhập hoa quả về chợ quê bán, tiểu thương chúng tôi trở thành người trung chuyển hàng hóa nông sản từ nông thôn tới thành thị và ngược lại. Đó vừa là nghề để có thu nhập, vừa là niềm vui của những tiểu thương như chúng tôi.
Bất kể thời tiết mưa gió, lạnh giá hay nóng bức, quanh năm chợ đêm nông sản vẫn họp đều. Người mua, người bán đông đúc; các phương tiện ra vào chợ tấp nập. Đến 2h sáng, khu chợ đông đúc hơn. Tiếng máy xe hòa cùng tiếng người trò chuyện rôm rả làm cho không khí chợ náo nhiệt không kém ban ngày.
Mọi người ai nấy đều tất bật với công việc, người dọn hàng, người mang hàng chất lên xe chở về. Hàng hóa chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả tươi từ các huyện, các tỉnh lân cận đưa về chợ. Cảnh mua bán ở chợ đêm diễn ra nhanh chóng, yên ả, ít nghe những lời rao chát chúa hay mặc cả giá, bởi các thương lái hầu như đều đã quen mặt, là những mối hàng thân thuộc của nhau, nắm bắt sát giá cả thị trường theo từng thời điểm.
Việc mưu sinh tuy vất vả, nhưng ai nấy đều phấn khởi vì có công việc thường xuyên, thu nhập đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Tiểu thương Nguyễn Văn Hiến, xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) phấn khởi cho biết: Thức đêm đi chợ thành nếp sinh hoạt của gia đình tôi đã 25 năm nay.
Do cuộc sống mưu sinh, 2 vợ chồng cùng nhau đi chợ đêm để giúp đỡ nhau. Các con tôi quen nếp đi làm của bố mẹ từ 21 giờ hằng ngày. Buôn bán ở chợ đêm nhanh và được nhiều hơn, đa phần vợ chồng tôi bán buôn nên khối lượng hàng khá lớn. Mỗi tháng gia đình có thu nhập khoảng 15 triệu đồng, tạm đủ cho nhu cầu cuộc sống.
Nằm bên dòng sông Vân thơ mộng, nhiều thập kỷ qua chợ Rồng là nơi giao lưu kinh tế của người dân trong tỉnh. Chợ Rồng những năm gần đây được mở rộng, quy hoạch khang trang, phân khu buôn bán đáp ứng nhu cầu trao đổi, giao lưu hàng hóa của nhân dân trong tỉnh.
Chợ họp chính ban ngày với đa dạng các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống như thiết bị điện, nước, đồ dùng sản xuất nông nghiệp, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp, quần áo, rau củ, hàng ăn, hàng thực phẩm tươi sống… Còn về đêm, chợ Rồng là chợ đầu mối nông sản lớn. Mặt hàng chính tại chợ đêm chính là hàng rau, củ, quả, hàng khô, chủ yếu là hàng hóa ở các huyện được các tiểu thương thu gom đưa về bán.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Tổ trưởng Tổ bảo vệ, Ban Quản lý chợ Rồng thành phố Ninh Bình cho biết: Hàng đêm, chợ có trên 100 tiểu thương buôn bán các loại hàng nông sản. Để người dân yên tâm buôn bán, Ban quản lý chợ Rồng đã cử các tổ bảo vệ tuần tra, canh gác, không để kẻ gian trà trộn móc túi, lấy hàng của khách, đảm bảo an ninh trật tự chợ. Hướng dẫn các tiểu thương sắp xếp các xe hàng, các mặt hàng ngăn nắp, thuận tiện cho người mua, bán, đảm bảo an toàn giao thông.
Tích cực tuyên truyền cho tiểu thương giữ gìn vệ sinh chung, đồng thời, Tổ vệ sinh môi trường thực hiện quét dọn tổng thể, trả lại mặt bằng cho chợ buổi sáng và khu vực dân cư xung quanh chợ, đảm bảo giao thông cũng như mỹ quan đường phố.
Tiến Minh