Chúng tôi gặp đội thợ sơn nước của anh Nguyễn Văn Bình khi họ đang nỗ lực hoàn thiện việc lăn sơn cho một ngôi nhà 3 tầng. Trời mùa hè nắng nóng gay gắt, vậy nhưng ở phía ngoài ngôi nhà cao tầng, vẫn có 2 thợ sơn đu mình trên dây thừng để sơn tường. Họ ngồi trên tấm ván gỗ nhỏ, bên hông đeo thùng sơn nước, cứ thế di chuyển để sơn hết bức tường này đến bức tường khác mặc cho cái nắng gắt tới gần 40 độ. Anh Bình, trưởng nhóm thợ sơn quê ở xã Gia Vượng (huyện Gia viễn) cho biết, chúng tôi nhận công trình tính theo mét vuông với giá từ 7000-8000 đồng/m2. Nếu việc đều đặn thì mỗi tháng cũng được 6-7 triệu đồng. Tuy thu nhập ổn định, việc làm sẵn song đây thực sự là nghề nặng nhọc. Nhất là vào những ngày nắng nóng, chúng tôi phải làm việc liên tục ngoài trời. Nghề làm sơn phụ thuộc vào thời tiết, nên khi trời nắng ráo thì làm việc ngoài trời, còn khi râm mát thì lại làm trong nhà. Đối với nghề này, không chỉ coi đó là nghề để kiếm sống mà phải thực sự yêu thích, tâm huyết với nó. Từng nét cắt, từng đường chổi… phải thể hiện được sự tâm huyết của người làm. Chủ nhà ngày nay bận rộn, nên thường khoán việc hoàn toàn cho thợ. Không có chủ nhà, nhưng thợ sơn ai cũng bảo nhau phải làm như thể làm cho chính mình. Sơn rồi kiểm tra lại, còn chỗ nào chưa ưng ý thì phải chỉnh sửa cho thật vừa lòng mới thôi. "Mỗi khi bàn giao công trình cho chủ nhà, sự hài lòng của họ mới thực sự là nguồn động viên lớn đối với chúng tôi"- anh Bình nói. Rồi anh Bình giới thiệu cho tôi những thành viên đặc biệt trong đội. Gọi là đặc biệt, bởi đối với lĩnh vực làm nghề lăn sơn nước thì nữ giới được coi là rất hiếm. "Tuy là nữ, nhưng họ làm việc không kém gì đấng mày râu. Thậm chí, xét về tay nghề, họ có phần nhỉnh hơn. Bởi vậy, khi giao việc, tôi vẫn lựa những việc đòi hỏi kỹ thuật cao để giao cho mấy chị em"- anh Bình nói vậy.
Chị Vũ Thị May quê ở thôn Đồng Chưa, xã Gia Thịnh tham gia vào đội làm sơn nước đã gần chục năm. Là phụ nữ, song chị May cũng là người có tay nghề cứng của đội, luôn được giao đảm nhận những phần việc nghiêng nhiều về kỹ thuật. Chị May nói, chị sinh năm 1975. Năm 19 tuổi chị May đã lấy chồng. Chẳng có nghề nghiệp gì nên hai vợ chồng cũng xoay sở đủ kiểu để kiếm sống. "Sinh liên tiếp hai đứa con trai, khi con còn đi chưa vững, cả hai vợ chồng "nổi máu" làm ăn lớn. Tìm thuê vài người cùng quê rồi dẫn họ đến bãi đào vàng để làm.
Vậy nhưng, vừa mới đặt chân đến, còn lạ nước lạ cái, chúng tôi bị công an phát hiện và giải tán. Thấy công việc quá nhiều rủi ro nên vợ chồng lại bảo nhau về quê kiếm sống. Cũng trải qua đủ mọi nghề trước khi đến với nghề lăn sơn. Nhưng giờ thì tôi xác định lâu dài với nghề này tuy rằng nó có nhiều nặng nhọc, độc hại. Làm nhiều thành ra cũng say nghề rồi. Nhớ lại những ngày đầu xin vào đội lăn sơn, chưa có tay nghề nên chị May được giao việc chà tường, rồi nấu cơm. Nhưng giờ thì chị May làm được hết mọi việc, kể cả làm việc ở trên giàn giáo cao ngất ngưởng. "Tôi nhiều tuổi nhất trong đội nên anh em ai cũng quý mến. Tình cảm giữa các thành viên gắn bó như thể trong một gia đình, dù việc nặng hay nhẹ cứ bảo ban nhau làm thật chau chuốt, tỉ mỉ. Những giây phút giải lao là lúc chúng tôi tâm sự, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống"- chị May nói.
Cũng trong đội làm sơn của anh Bình, còn có một thành viên nữ nữa là chị Trang. Chị Trang chưa đầy 30 tuổi, song nhìn Trang già dặn hơn so với tuổi của mình. Trang cười: công việc vất vả lắm, quần áo lúc nào cũng lấm lem bụi với sơn thôi. Vậy nhưng vì mưu sinh nên em vẫn gắn bó với nghề. Trang kể, chồng Trang cũng làm nghề thợ xây ở thôn Đồng Chưa. Trước khi lấy chồng, Trang chẳng biết gì về nghề xây dựng cả.
Vậy mà khi làm vợ thợ xây thì Trang cũng bắt đầu học cách cầm bay, cầm gạch. Sinh đứa con gái đầu lòng xong thì cũng là lúc chị Trang thành thạo nghề thợ xây. Kinh tế chẳng dư dả gì, vậy nên tích cóp được bằng nào vợ chồng chị mua hết vật liệu xây dựng rồi cả hai vợ chồng tự bỏ sức xây dựng một ngôi nhà cho mình. Chỉ có 2 vợ chồng vừa xây vừa hoàn thiện, chẳng phải thuê thêm ai cả. Đến nay thì ngôi nhà đã được hoàn thiện. Tranh thủ lúc rảnh, Trang vẫn đi theo đội sơn để làm thêm. Là nữ, lại mới làm nghề nên các anh chị trong đội ưu tiên nhiều lắm. Em chỉ phải làm những việc nhẹ nhàng hơn và ở trong nhà thôi.
Công việc làm sơn thì làm quanh năm, nhưng bận rộn hơn vẫn là thời điểm cuối năm. Nhiều chủ nhà đòi hỏi tiến độ công việc để kịp về nhà mới trước khi Tết đến, xuân sang hoặc cũng có chủ nhà "áp" tiến độ để kịp khai trương cửa hàng, cửa hiệu mới nên anh em thợ lại phải tranh thủ làm cả ban đêm. Làm đêm, nam giới thì còn đỡ chứ mấy chị em nữ thì vất vả hơn nhiều vì còn phải thu xếp việc gia đình, con cái. Đến sáng, khi mọi người thức giấc thì cũng là lúc chúng tôi kết thúc công việc của mình. Ai cũng thấm mệt, nhưng nhìn công trình của mình hoàn thiện đúng tiến độ và rất đẹp mắt thì trong lòng ai cũng vui. Những niềm vui nho nhỏ ấy đủ để "níu" chị May, chị Trang và những người thợ sơn khác ở lại với nghề, dù rằng ai cũng thấy đó là nghề rất vất vả. Và cũng còn bởi phía sau những vất vả ấy là tương lai của gia đình họ.
Bài, ảnh: Đào Hằng