Bất kể thời tiết nắng mưa, ngày lễ, công nhân gác chắn đường tàu vẫn miệt mài làm việc. Nhiều người cho rằng đây là công việc an nhàn nhưng thực tế với người trong cuộc lại có không ít vất vả, phải đánh đổi nhiều thứ, thậm chí là sự an toàn của chính bản thân.
Nhọc nhằn nghề gác chắn tàu
Thấp thỏm trực tàu như trực chiến
Chúng tôi ghé thăm trạm gác chắn tàu gầm cầu vượt (phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình). Vừa nhận được cuộc gọi từ trực ban, chị Phạm Thị Bích Thuận - tổ trưởng tổ gác Ninh Bình (Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh) nhanh chóng ra hiệu lệnh cho đồng nghiệp vào vị trí làm việc. Dưới cái nắng gay gắt, chị Thuận hì hục đẩy thanh barie chắn ngang đường, rồi nhanh chóng ra hiệu cho các phương tiện dừng lại. Gần đó, một vài xe máy cố lấn tới, tràn qua thanh barie để qua đường. Tàu đi qua, công nhân trạm gác trở lại với khuôn mặt đẫm mồ hôi.
Trong căn phòng rộng chưa đầy 10m2 là không gian làm việc của chị Thuận và các đồng nghiệp nhiều năm qua. Căn phòng không điều hòa, chỉ vỏn vẹn một chiếc quạt con, chất đủ thứ từ máy móc, bàn làm việc, mấy chiếc ghế ngồi. Vì quá chật, lại nằm trơ trọi giữa đường phố, trạm gác luôn nóng bức, ngột ngạt vào mùa hè, rét buốt khi vào đông.
Chị Thuận chia sẻ, năm nay chị 40 tuổi nhưng đã gắn bó với nghề ròng rã 20 năm. Suốt quãng thời gian đó, không ít lần chị trăn trở và có ý định bỏ nghề vì quá áp lực, quá vất vả.
"Mùa đông hay mùa mưa bão là nỗi ám ảnh của chị em công nhân gác tàu. Những đêm rét buốt, tôi vẫn phải canh trạm gác. Trung bình mỗi tiếng có 1 đến 2 lượt tàu qua, vừa vào trạm người chưa kịp ấm lên lại thêm một chuyến khác. Tôi vừa sợ mưa gió, giá rét, vừa sợ cả sự vắng vẻ của đường phố về đêm. Làm lâu dần thì cũng thành quen, không sợ nữa. Nhưng sức khỏe của mình lại không thích nghi được, gác tàu không làm chuyên ca ngày hay ca đêm mà ca trực 12 tiếng nghỉ 24 tiếng, thành ra ngày đêm làm xen kẽ lẫn lộn, nhịp sinh học của cơ thể không theo kịp. Người lúc nào cũng vật vờ, buồn ngủ. Có những hôm thiếu nhân viên thay ca, tôi phải tham gia trực liên tục suốt 24 tiếng. Vì cứ cố gồng gánh như vậy, sức khỏe ngày càng giảm sút."
Theo chị Thuận, nhân viên gác tàu luôn phải tuân thủ những nguyên tắc bất di bất dịch bởi đôi khi chỉ một vài sơ suất rất nhỏ có thể gây ra hậu họa khôn lường. Trạm gác cần đảm bảo đủ số người, nếu nhân viên vắng thiếu thì phải có biện pháp bổ sung ngay, mỗi nhân viên phải làm xuyên ca liên tục 12 giờ (từ 6h - 18h hoặc từ 18h - 6h hôm sau).
Họ phải luôn giữ trạng thái tỉnh táo, không được chợp mắt dù chỉ là vài phút, đi làm bất kể thời tiết, ngày lễ hay chủ nhật. Đặc biệt, tất cả nhân viên gác chắn đều tuyệt đối không được uống rượu, bia trước và trong ca làm để tránh những sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
"Làm như vậy thức sao nổi, lỡ buồn ngủ quá thì sao ạ?"- chúng tôi hỏi. Chị Thuận cười, chỉ tay vào ấm chè đặc lúc nào cũng pha sẵn nói: Hầu như nhân viên thâm niên nào cũng bất đắc dĩ làm bạn với ấm chè.
Vất vả nhất trong nghề có lẽ là khi các chị có con nhỏ, công việc nhà hầu như phó thác cho gia đình, con nhỏ 6 - 7 tháng phải tập quen khi buổi đêm không có mẹ.
Không dừng lại ở việc thời gian áp lực, gò bó mà những người làm nghề gác chắn tàu cũng gặp phải vô vàn áp lực khác.
Chị chia sẻ, làm nghề này phải có tinh thần thép, ngoài chịu được vất vả, phải không ngại "ăn chửi" bởi chính những người tham gia giao thông. "Họ biết tàu đến, nhân viên kéo gần hết thanh chắn vẫn cố len vào, có người thì kéo ngược thanh chắn lại để lách qua, nhân viên nhắc nhở thì quát tháo, nạt nộ. Có người còn văng tục, chửi bới mình", chị Thuận buồn bã nói.
Nhận được điện thoại trực ban, chị Nguyệt nhanh chóng ghi chép nhật ký thời gian tàu đến để kéo chắn.
"Tàu qua ga an toàn là thấy vui"
20 năm ròng rã theo nghề, làm xuyên ngày, xuyên đêm, bất chấp mưa rét, nắng chói chang hay bão bùng luôn phải bám sát đường ray, thanh chắn nhưng đến nay lương của chị Thuận cũng chỉ vẻn vẹn hơn 4 triệu đồng.
Tương tự, chị Phạm Thị Nguyệt, nhân viên gác chắn trạm cầu vượt chia sẻ, chồng chị cũng làm làm nhân viên gác chắn, gác cầu trong ngành đường sắt. Hai vợ chồng gắn bó với công việc cũng đã 20 năm nhưng mức lương của họ chỉ từ 3,8 triệu - 5,5 triệu đồng/tháng (tùy thuộc vào việc tăng ca).
Trong khi đó, vào những ngày lễ tết, những người trực gác chắn tàu phải làm việc hết công suất. Lương ba cọc ba đồng, lại vất vả, hại sức khỏe, nhiều lúc chị Nguyệt cũng chán nản, nghĩ tới bỏ việc làm công nhân nhưng lại không nỡ rời xa công việc mình gắn bó gần 2 thập kỷ.
Thu nhập thấp, lạm phát cao, đồng lương không đủ chi trả cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống nhưng anh chị em nhân viên gác chắn vẫn luôn tự động viên nhau yêu nghề thì phải gắn bó với nghề.
Tâm tư cũng nhiều nhưng có một điều mừng mà các anh chị em nhân viên gác chắn thấy yên tâm pha chút tự hào, đó là ở trạm gác chắn này chưa xảy ra tai nạn tàu nào.
"Niềm vui trong công việc của bọn chị chỉ có thế. Nghề này không có chuyện làm cho xong, mỗi người gác chắn cần làm việc không chỉ bằng sự chịu khó, trách nhiệm mà phải tận tâm, làm việc bằng cả đạo đức của mình", chị Nguyệt tâm sự.
Giữa những ồn ào, tấp nập nơi phố xá, những nhân viên gác chắn tàu như chị Thuận, chị Nguyệt và đồng nghiệp vẫn ngày ngày thầm lặng hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đem đến những chuyến tàu an toàn cho hành khách và những người tham gia giao thông.