Tất cả những âm thanh ấy gói gọn, rồi mờ nhạt vào khoảng không ồn ào, bon chen của cuộc sống. Công việc hàng ngày của những người mưu sinh bằng nghề thu mua đồng nát bắt đầu từ 6, 7 giờ sáng cho đến khi tối mịt với những phương tiện hành nghề đơn giản như: vài bao tải, một cái cân, thêm một cái búa hoặc con con dao… Trên chiếc xe đạp cũ, họ rong ruổi khắp hang cùng, ngõ hẻm,với hy vọng một ngày may mắn sẽ thu mua được nhiều hàng.
Đường từ thành phố về đến các vùng quê hẻo lánh đâu đâu cũng bắt gặp những dáng người nhỏ bé ấy. Ngoài việc thu mua phế liệu từ các hộ gia đình, công trình xây dựng, hễ gặp bãi rác nào, họ lại ghé xuống, dùng móc bới lật tìm từng chai nước, mảnh sắt vụn, bọc nilon. Những câu chuyện khi gặp nhau những lúc dừng lại bên đường để nghỉ ngơi thường cũng chỉ là lời hỏi thăm về giá sách, giá nhựa…
Chị Vịnh (Nho Quan) đã theo nghề đồng nát gần 6 năm tâm sự: " Nghề đồng nát mang tiếng là nghề phụ nhưng đem lại thu nhập chính đấy. Tuy hơi cực một chút nhưng nhờ những đồng tiền góp nhặt hàng ngày từ đống chai nhựa, giấy, báo đã cũ mà gia đình tôi có thêm đồng ra đồng vào, trang trải cuộc sống hàng ngày".
Theo chia sẻ của chị Vịnh, nghề đồng nát chỉ dành cho những ai chịu khó, bởi vì mỗi ngày phải đạp xe đến vài chục cây số. "Đêm về hai cẳng chân mỏi nhừ, đau nhức".
Người ta nói thời buổi này, dân đồng nát dễ làm ăn lắm, nhưng nỗi cơ cực đằng sau những chuyến xe chở toàn phế liệu ấy thì có mấy ai hiểu được. Để có được miếng cơm manh áo, những người thu mua đồng nát ngoài việc phải đi khắp nơi, tiếp xúc với nhiều người, mà còn thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm. Chẳng có phương tiện bảo hộ lao động, thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại, đó là chưa kể đến những nguy cơ gặp tai nạn giao thông khi cả ngày rong ruổi trên đường.
Khó khăn là thế nhưng sự cơ cực, vất vả của cuộc sống mưu sinh chẳng thấm tháp vào đâu so với những định kiến xã hội dành cho họ. Vẫn có những trường hợp người thu mua đồng nát bị gán cái tiếng là ăn cắp, ăn trộm. Nhưng " không thể vì một con sâu mà làm rầu nồi canh, người đời không thể vì thế mà phủ nhận toàn bộ mồ hôi, công sức của chúng tôi được". ánh mắt ngậm ngùi, chị Vịnh chua xót nói.
Mỗi công việc là một nỗi nhọc nhằn riêng. Bao chuyến đi là bao ước mơ, khát vọng được đổi đời, hay đơn giản chỉ để no cái bụng sống tiếp đến ngày mai. Biết được công việc của những người làm nghề thu mua đồng nát mới thấm thía được những vất vả, cơ cực đằng sau những chuyến đi.
Bài, ảnh: Hải Yến
Học viện Báo chí-Tuyên truyền