Tuổi thơ anh lớn lên trong thử thách nghiệt ngã của chiến tranh, của những ngày đói cơm rách áo, nhưng cũng thật hào hùng bởi những hoạt động yêu nước và cách mạng của người dân nơi đây luôn một lòng ủng hộ kháng chiến, nguyện đi theo Đảng, Bác Hồ đến cùng.
Những năm tháng đó, dù điều kiện gia đình hết sức khó khăn nhưng vẫn cố gắng cho anh được đi học. Vốn có tư chất thông minh, lại chăm ngoan chịu khó, nên từ cấp I đến cấp II, không năm nào Trịnh Văn Núi không được tặng giấy khen. Ở anh còn sớm bộc lộ một năng khiếu hội họa. Thích vẽ và vẽ say sưa, từ một nhành hoa, một con chim chào mào đậu vắt vẻo trên cành tre, một con thuyền nan nhỏ nhoi đang vật vã với con sóng từ giữa mặt sông ào tới, vào có cả hình ảnh người mẹ chân trần đang oằn vai gánh lúa từ đồng về…
Tất cả đều đang mộc mạc nhưng đã mang một hồn quê đằm thắm. Và anh đã sớm thể hiện một phần phẩm chất đáng quý, đó là sự say mê hoạt động cộng đồng. Khi còn sinh hoạt ở đội Thiếu niên, anh đã theo các bác, các chú kẻ khẩu hiệu, vẽ tranh cổ động, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Những mảng tranh cổ động của Trịnh Văn Núi đường nét rất linh hoạt, hình ảnh sống động, làm cho người qua kẻ lại không thể không dừng chân đứng ngắm và tất yếu hiệu quả lại truyền đạt sẽ cao. Tiếng lành đồn xa, đã không ít lần, các chú ở văn hóa, thông tin huyện về Gia Lạc tìm Núi giúp vẽ tranh cho huyện.
Vào tuổi 15, vừa học văn hóa ở trường, anh vừa tham gia vào đội tuyên truyền xung kích của xã. Anh còn vẽ nhiều tranh cổ động phục vụ chiến dịch "Hòn Khoai- Quang Trung" năm 1961-1962 do tỉnh phát động, được dư luận đánh giá cao. Đã có những bức tranh được đưa về Thị xã trưng bày.
Những ký ức về anh ở cái tuổi đầu đời ấy, đã giúp hình dung một Trịnh Văn Núi với một năng khiếu bẩm sinh, một đam mê vừa hồn nhiên, vừa cháy bỏng, ước mơ được trở thành họa sĩ, được bước trên con đường thêng thang song cũng đầy thách thức của lao động nghệ thuật. Ấp ủ của anh rồi cũng sớm được chắp cánh, để được bay vào khung trời mơ ước. Đó là một ngày họa sĩ Đinh Trọng Khang (nay là họa sĩ-phó giáo sư), lúc ấy là giảng viên trường Mĩ thuật Quốc gia- Yết Kiêu- Hà Nội về thăm quê ở Gia Lạc. Họa sĩ đã phát hiện được năng khiếu và những tố chất trong hội họa của cậu bé Trịnh Văn Núi và đã giúp anh thi vào trường mĩ thuật khóa 1962-1965.
Thời đó, một thanh niên nông thôn, ăn mặc xuyềnh xoàng, chân quê, giản dị như Trịnh Văn Núi vào trường Mĩ thuật Quốc gia là chuyện hiếm. Ấy thế nhưng ấn tượng anh tạo được từ những ngày đầu cũng thật đặc biệt. Đó là một học sinh chăm ngoan, nghiêm túc mà còn sớm bộc lộ những năng lực thiên bẩm nên từ năm đầu tiên đã được xếp loại ưu… Anh không chỉ giỏi về hội họa mà còn có khả năng về đồ họa. Anh say sưa học, vẽ đến nỗi quỹ thời gian hầu như lúc nào cũng thiếu.
Những năm cuối khóa học của Núi là những năm chiến tranh bắt đầu diễn ra ác liệt. Thua đau ở miền Nam, đế quốc Mĩ đã tìm cách mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Mục tiêu của chúng đâu chỉ là những căn cứ quân sự, những tuyến đường giao thông mà bom đạn của kẻ thù đã không từ cả những xóm nhỏ bình yên, một bến đò nằm trên con sông quê hiền hòa, một mái trường dung dị nép mình phía sau lũy tre làng… Ngày cũng như đêm, cả không gian như vỡ ào ra trong tiếng gầm rú của máy bay, tiếng nổ chát chúa của bom đạn.
Vào thời điểm đầy thử thách đó, trong đội ngũ những đoàn quân ra trận, có không ít thanh niên trí thức, họ là thày giáo, sinh viên, học sinh… tạm xếp bút nghiên để đầu quân chiến đấu, để bảo vệ Tổ quốc ngàn lần yêu thương đang bị kẻ thù xâm lược. Trong số những con người tình nguyện lên đường ấy có họa sĩ trẻ Trịnh Văn Núi, lúc đó, anh đang học năm cuối cùng của trường Mĩ thuật Quốc gia. Là người say mê nghệ thuật, trên đường hành quân, anh luôn mang giá vẽ, bút, giấy bên mình, tranh thủ những khoảnh khắc ngắn ngủi được nghỉ ngơi anh lại vẽ. Trường Sơn huyền thoại với cảnh rừng núi thâm nghiêm, đèo cao, dốc thẳm, cảnh sắc nên thơ đã là nguồn cảm hứng vô tận để các nghệ sĩ đi vào sáng tác thơ,văn, nhạc, họa…
Những bước tranh trên đường ra trận của anh, luôn tươi ngời sắc màu của lạc quan, chiến thắng. Khi vào đến chiến trường, không ít bức tranh đã được chỉ huy đơn vị đem theo ở Chỉ huy sở. Họa sĩ Nguyễn Năm Ngữ sau này là giám đốc Sở VHTT Đồng Nai lúc đó cùng ở đơn vị với anh, đã có những ấn tượng đặc biệt về anh những ngày ở chiến trường Tây Nam Bộ, một chiến trường hết sức ác liệt. Mật độ của những trận đánh cứ ken dày. Ấy thế nhưng anh vẫn tranh thủ cả những phút giao thoa giữa 2 trận đánh để vẽ. Và thật lạ, những phác thảo vội vàng ấy vẫn mang những thần sắc đến kỳ ảo.
Nhưng rồi cũng như bao người con ưu tú khác đã ngã xuống trên chiến trường, dang hiến cả tuổi xuân mình trong cuộc chiến sinh tử với kẻ thù để bảo vệ Tổ quốc, họa sĩ, chiến sĩ Trịnh Văn Núi đã hy sinh trong tư thế của người lính Cụ Hồ tại Mặt trận Tây Ninh tháng 6/1966. Anh ra đi khi tuổi đời đang ở độ thanh xuân, khi tài năng đang mở ra nhiều hứa hẹn ở phía trước.
Vậy là cùng với bao nhiêu nghệ sĩ, chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giữa chiến troờng miền Nam khói lửa như Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Nguyễn Mĩ, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý… quê hương Ninh Bình đã thêm họa sĩ Trịnh Văn Núi, nối vào dòng tên bất tử đó.
Những ngày này, về thăm vùng quê Gia Viễn, quê hương đang đổi mới mỗi ngày, nhưng vẫn thấy đâu đó giữa đất trời rưng rưng hình bóng của họa sĩ, liệt sĩ Trịnh Văn Núi. Tên tuổi, tài năng và chiến công của anh mãi được giới Mỹ thuật và lịch sử ghi nhận. Đánh giá cao công lao và năng lực sáng tạo của anh, sau 30 năm ngày anh đi xa hội Mỹ thuật Việt Nam đã truy tặng anh "Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam". Đây cũng là niềm tự hào của quê hương Ninh Bình nói chung và giới văn nghệ Ninh Bình nói riêng có một tấm gương liệt sĩ- họa sĩ đã cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, cho Nghệ thuật.
Lê Liêu