Sau đợt rét kéo dài nửa đầu tháng 1, thời tiết những ngày này đã nắng ấm trở lại, gia đình chị Hoàng Thị Liên, thôn Quảng Thành, xã Quảng Lạc đang tất bật cùng các chị em trong thôn xuống đồng mở nilon, kiểm tra và tưới thêm phân cho đám mạ đã gieo. Chị cho biết: Vụ đông xuân năm nay gia đình tôi sẽ cấy hơn 5 sào. Hiện nay mạ đã được 15 ngày tuổi và đang lên rất tốt, đất đã cày xong, nếu thời tiết tiếp tục nắng ấm một hai ngày tới gia đình tôi sẽ nhổ mạ ra cấy.
Được biết, vụ đông xuân này xã Quảng Lạc có kế hoạch gieo trồng 570 ha, trong đó diện tích lúa là 250 ha. Đến thời điểm này, nhân dân đã làm được 30 ha đất, xuống mạ từ ngày 25-12-2012. Để kịp khung lịch thời vụ gieo cấy, xã đang hướng dẫn bà con thu hoạch nhanh diện tích ngô đông và rau màu còn lại, đẩy mạnh cày ải trên diện tích ruộng không gieo trồng cây vụ đông, chủ động đưa nước vào đồng ruộng, tổ chức cấy khi thời tiết thuận lợi.
Đồng chí Bùi Khắc Tiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc cho biết: Hiện nay, năng suất lúa trung bình của Quảng Lạc chỉ ở mức 150 kg/sào, thấp hơn bình quân chung của huyện. Nguyên nhân là do chất đất xấu, địa hình ruộng bậc thang nhưng một phần cũng là do tập quán canh tác lạc hậu, trình độ thâm canh kém. Để khắc phục tình trạng này, vụ đông xân 2012-2013, xã đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kịp thời cung ứng các loại giống, phân bón và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời tiến hành rà soát, vận động, chỉ đạo bà con gieo cấy đúng khung lịch thời vụ, loại bỏ dần các giống lúa cũ năng suất thấp chuyển sang gieo cấy các giống mới năng suất, chất lượng cao... phấn đấu nâng năng suất lúa lên mức 48-50 tạ/ha.
Thời điểm này, trên các cánh đồng thuộc xã Phú Sơn, Lạc Vân, Lạng Phong, bà con nông dân cũng đã tập trung ra đồng để làm đất, tiến hành gieo cấy. Đã quá trưa nhưng chị Nguyễn Thị Mai, thôn 4, xã Phú Sơn vẫn cần mẫn cấy lúa. Chị cho hay: tranh thủ nắng ấm, gia đình chị đang phấn đấu cấy xong 4 sào lúa để cây lúa kịp bén rẽ hồi xanh, chống chịu được các đợt rét.
Theo kế hoạch vụ đông xuân 2012-2013, huyện Nho Quan gieo cấy 7.100 ha lúa với mục tiêu đạt năng suất 56-60 tạ/ha, đồng thời mỗi xã phấn đấu xây dựng 1-2 khu đồng diện tích 7-10 ha trị giá trên 70 triệu đồng/ha/năm. Về cơ cấu trà lúa, toàn huyện cấy 1.491 ha lúa trà xuân sớm, chủ yếu ở vùng thùng đào, thùng đấu ven sông để thu hoạch trước lũ tiểu mãn; 5.609 ha cấy ở trà xuân muộn trên chân đất chủ động nguồn nước, thâm canh cao.
Nhận định vụ đông xuân năm nay nhiều khả năng xảy ra khô hạn nên ngay từ cuối năm 2012, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã cùng với các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương củng cố, kiện toàn ban nông nghiệp cấp xã, thị trấn cũng như tổ, đội thủy nông cơ sở để đảm bảo nhân lực trong việc chỉ đạo, hướng dẫn nông dân triển khai sản xuất. Tổ chức nạo vét, tu bổ kênh mương, quản lý chặt chẽ nguồn nước, tưới tiết kiệm, điều tiết hợp lý để phục vụ tốt cho sản xuất.
Nhằm chủ động phòng trừ sâu bệnh, hơn 1 tháng nay, Trạm BVTV cùng các lực lượng có liên quan thường xuyên khuyến cáo nông dân ra đồng phát dọn cỏ bờ, cày phơi ải, bón vôi bột khử trùng cho đất sớm. Đặc biệt, phong trào ra quân diệt chuột trước vụ sản xuất được triển khai mạnh ở hầu hết các địa phương. Nhiều xã như Phú Sơn, Đức Long, Yên Quang... đã triển khai các đợt diệt chuột từ tháng 12-2012 đến nay.
Để đảm bảo cung ứng nguồn giống lúa chất lượng và kịp thời, căn cứ chỉ tiêu kế hoạch đề ra, các HTX đã liên hệ với các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng cung ứng giống, phân bón đảm bảo chất lượng để phục vụ bà con. Năm nay, do thời tiết diễn biến bất thường nên ngành nông nghiệp huyện xác định thay đổi cơ cấu giống cho phù hợp trong vụ đông xuân. Theo đó, ngành chọn nhóm giống trung ngày và ngắn ngày như X21, Xi23, Nhị ưu 838, Phú ưu, Đại dương, Khang dân, QR1, TBR45 làm chủ lực.
Đồng chí Trần Văn Dưỡng, Phó Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Đầu vụ, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều và rét kéo dài nhưng nhân dân trong huyện đã khá chủ động trong sản xuất. Khi gieo mạ bà con đều che phủ nilon, chăm sóc cẩn thận nên tỷ lệ mạ chết thấp. Đến thời điểm này, toàn huyện đã gieo 240 ha mạ, cơ bản đủ mạ để cấy; các xã phía Bắc và những khu đồng chiêm đã tiến hành làm được trên 3.200 ha đất, cấy được 40 ha. Để hoàn thành mục tiêu gieo cấy xong toàn bộ diện tích lúa đông xuân trước ngày 25-2, Phòng Nông nghiệp & PTNT tiếp tục chỉ đạo các xã, HTX làm tốt các khâu dịch vụ như cung ứng vật tư nông nghiệp, ký hợp đồng với các chủ phương tiện đẩy nhanh khâu làm đất, tuyên truyền, vận động nông dân tích cực làm thủy lợi nội đồng, tu sửa, nạo vét kênh mương. Huyện đã xây dựng phương án phòng, chống rét có thể xảy ra, trong đó trọng tâm là bảo vệ mạ. Với mạ đã gieo, phải chăm sóc, che chắn và tuyệt đối không bón phân đạm để mạ không bị chết rét. Với lúa đã cấy, phải giữ mực nước hợp lý để giữ ấm. Đồng thời bà con cũng cần dự phòng giống lúa ngắn ngày đề phòng rét đậm, rét hại xảy ra.
Theo dự báo, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết dẫn tới khả năng sâu bệnh phát sinh gây hại nặng, đặc biệt là đạo ôn lá, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện khuyến cáo bà con nông dân cần chủ động theo dõi thời tiết để bón phân cân đối phân đạm, lân, kali, đồng thời theo dõi mật độ sâu bệnh, sâu cuốn lá nhỏ, rầy để phòng trừ ngay từ đợt đầu, tránh bùng phát khi thời tiết ấm lên.
Bài, ảnh: Hà Phương