Thực hiện chương trình giảm nghèo, huyện xác định đây là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo và toàn thể nhân dân. Với phương châm thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững, huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo từ huyện đến cơ sở. Đồng thời phân công cán bộ theo dõi phụ trách từng địa bàn để thường xuyên nắm bắt tình hình, báo cáo và đề xuất với lãnh đạo để có hướng chỉ đạo kịp thời.
Thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy, Đề án số 15 của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo đến năm 2010, huyện đã điều tra, rà soát đối tượng nghèo, từ đó phân tích rõ nguyên nhân nghèo ở từng địa bàn dân cư, của từng hộ để có hướng hỗ trợ phù hợp. Tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn khai thác có hiệu quả quỹ đất nông, lâm nghiệp và cơ sở vật chất phục vụ sản xuất; phát huy tác dụng của việc dồn điền, đổi thửa, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây trồng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, huyện đã chuyển một số vùng ruộng úng trũng sang nuôi cá và một số diện tích vùng đồi sang trồng cỏ nuôi trâu, bò; chuyển đổi một phần diện tích trồng rừng kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày. Năm 2008, huyện đã chuyển 200 ha rừng xung yếu ở các xã: Thạch Bình, Gia Lâm, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc sang rừng sản xuất. Việc chuyển đổi này đã từng bước tạo điều kiện cho nhiều hộ yên tâm đầu tư sản xuất, tăng thu nhập từ đất rừng.
Thực hiện đề án giảm nghèo, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cho các xã nghèo, cụm nghèo. Trong năm, huyện đã tranh thủ sự quan tâm của các cấp, các ngành để đầu tư nạo vét, nâng cấp 7 hồ nước tại xã Thạch Bình. Các công trình này được hoàn thành đã phục vụ tốt nhu cầu tưới tiêu cho vùng vốn được coi là "sản xuất nhờ trời" của địa phương đặc biệt khó khăn như Thạch Bình.
Huyện đã triển khai dự án xây dựng trạm y tế các xã: Kỳ Phú, Thượng Hòa với tổng kinh phí 1 tỷ đồng; lắp đặt 4 trạm biến áp tại xã Kỳ Phú với tổng kinh phí lắp đặt là 400 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng. Các công trình này được hoàn thành sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống dân sinh ở các vùng còn nhiều khó khăn trong huyện.
Ngoài ra, hàng chục km kênh mương, cầu cống đã và đang được nạo vét, xây mới, sửa chữa..., đảm bảo phục vụ tốt giao thông, thủy lợi nội đồng, phát triển sản xuất nông nghiệp. Cùng với việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, Nho Quan đã chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất. Tính đến hết tháng 9, Ngân hàng CHXH huyện đã giải quyết cho trên 16.400 hộ vay, tổng số tiền là 107 tỷ 320 triệu đồng, trong đó số hộ nghèo được vay vốn là 11.114 hộ, tổng số tiền là gần 49 tỷ đồng (riêng 9 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trong huyện có 3.998 hộ được vay với tổng số tiền trên 16 tỷ đồng). Năm 2008, toàn huyện đã có 206 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay không phải trả lãi với tổng số tiền là 1 tỷ đồng, đưa tổng số hộ được vay trong 2 năm lên 420 hộ, số tiền 2 tỷ đồng.
Cùng với chính sách hỗ trợ vốn, Nho Quan còn thực hiện khá tốt các chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định. Thực hiện đề án hỗ trợ cải tạo, sửa chữa, xây mới nhà dột nát cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo của HĐND tỉnh, huyện đã rà soát, phân loại đối tượng để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Đến cuối tháng 10, toàn huyện đã hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà ở dột nát cho 118 hộ, tổng kinh phí hỗ trợ là trên 2,6 tỷ đồng, trong đó kinh phí của tỉnh hỗ trợ trên 2,3 tỷ đồng, của huyện là 261,25 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, để giảm nghèo không chỉ cần đến đồng vốn mà người nghèo rất cần được tư vấn, hướng dẫn cách thức làm ăn đạt hiệu quả. Huyện đã mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân. Trong công tác đào tạo nghề cho lao động, Nho Quan đặc biệt chú ý tới đối tượng là người khuyết tật, phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2008, Trung tâm dạy nghề huyện mở rộng liên kết với các doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm dạy nghề huyện đã phối hợp với Công ty may Thăng Long, Công ty cổ phần may Văn Phú đào tạo nghề may công nghiệp cho gần 500 lao động ở 9 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trong huyện. Sau khi được đào tạo, các lao động đã được các công ty trên tiếp nhận vào làm việc với mức lương từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, các đoàn thể: Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên huyện đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo các nghề: Mây tre đan, đan bèo bồng, làm chiếu trúc, tăm hương cho hàng nghìn hội viên, đoàn viên. Các lớp tập huấn ngắn ngày, các lớp học nghề đã giúp cho người nghèo chưa có việc làm trên địa bàn huyện tiếp thu được những kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, cuộc sống để người nghèo biết cách sử dụng đồng vốn cũng như sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng một cách hiệu quả.
Đồng chí Bùi Xuân Đỉnh, Trưởng phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện Nho Quan cho biết: Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, Nho Quan đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13,32%, giảm 3,85% so với năm 2007. Một số địa phương có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh là: Xã Thạch Bình hiện chỉ còn 21,65% hộ nghèo (giảm 18,74% so với năm 2007); Gia Sơn là 17,99% (giảm 2,51%); Văn Phong là 17,22% (giảm 3,42%)...
Mục tiêu của huyện đặt ra trong năm 2009 là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 12,5% và đến năm 2010 chỉ còn dưới 12%. Để đạt được mục tiêu đó, huyện tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp về vốn, hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo, tập trung khai thác tốt mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và thương mại; mở rộng cơ chế, thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Song để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện vẫn rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đặc biệt là với các xã còn nhiều khó khăn.
Bài, ảnh: Đức Nghĩa