Đồng chí Bùi Văn Lực, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ của huyện cho biết: Diện tích rừng ở Nho Quan không tập trung, rừng phòng hộ và rừng sản xuất đan xen. Nhiều nơi rừng xen kẽ với đất sản xuất nông nghiệp, có dân cư sinh sống, hàng ngày vẫn còn tình trạng người dân vào rừng kiếm củi, đốt nương làm rẫy, chăn thả gia súc, săn bắn, sử dụng lửa không đúng quy định. Một số khu, điểm du lịch nằm trong rừng, du khách vào thăm quan du lịch nếu sử dụng lửa bất cẩn, rất dễ gây ra cháy rừng.
Năm 2019 trên địa bàn huyện xảy ra 02 vụ cháy rừng với tổng diện tích 0,47 ha. Cụ thể, ngày 22/6/2019 xảy ra cháy rừng tại lô 7b, khoảnh 1 Xã Phú Sơn, cháy thực bì rừng tự nhiên núi đá với diện tích 0,40ha, chủ yếu là cỏ, lau lách. Ngày 5/12/2019 xảy ra cháy rừng ở lô 7a khoảnh 1 xã Phú Sơn làm cháy thực bì 0,07ha, rừng tự nhiên núi đá. Do thực hiện tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, các vụ cháy rừng đều được phát hiện sớm, kịp thời.
Qua thực tế cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Nho Quan tuy đã được thực hiện tốt nhưng vẫn còn một số khó khăn và tồn tại. Một bộ phận dân cư sống gần rừng còn có ý thức chủ quan trong khâu PCCCR, sử dụng lửa trong sản xuất và sinh hoạt, kéo các đường điện qua rừng, đốt ong, tổ chức các hoạt động cắm trại, picnic... gây nguy cơ cháy rừng cao. Kinh phí đầu tư cho công tác PCCCR còn hạn chế, đầu tư chưa đồng bộ, do vậy chưa khai thác đúng công dụng của các phương tiện, trang thiết bị.
Bên cạnh đó, tình hình biến đổi khí hậu khó lường khô hạn, nắng nóng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Công tác quản lý về rừng tại một số xã có rừng và đất rừng còn nhiều bất cập như chính sách giao đất, khoán BVR, thuê rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng…
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã tham mưu cho UBND huyện trong công tác quản lý Nhà nước về rừng và đất rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ phụ trách ở các xã, ký hợp đồng với các hộ nhận khoán để bảo vệ rừng; phòng chống cháy rừng.
Khi có tình huống xảy ra cháy rừng, cán bộ của Ban phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền xã, các thôn, bản và hộ gia đình chủ động chữa cháy rừng. Cán bộ phụ trách địa bàn chịu trách nhiệm phối hợp với UBND xã, thị trấn tổ chức thực hiện kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng khoanh nuôi tái sinh.
Thực hiện công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cán bộ kiểm lâm địa bàn, công an địa bàn, Ban lâm nghiệp xã, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy rừng có thể gây cháy rừng….
Tại địa bàn huyện Nho Quan, các xã trọng điểm cháy rừng trên địa bàn được xác định gồm: Xích Thổ, Thạch Bình, Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Quỳnh Lưu, Phú Lộc và được phân thành các vùng có nguy cơ cháy rừng cao như: Khu đồi Thông 3 Ngả xã: Quảng Lạc, Quỳnh Lưu và Phú Long; Vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương: Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương; Rừng thông nhựa khu vực hồ Đồng Chương Phú Lộc, Kỳ Phú, Phú Long; Vùng giáp ranh với các xã của huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, Thạch Bình, Xích Thổ.
Từ việc xác định rõ trọng điểm PCCCR, Nho Quan chủ động chỉ đạo các xã có rừng lập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Các xã củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng ; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng sát với tình hình thực tế.
Xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng của xã, thôn đủ mạnh đảm bảo cho việc huy động lực lượng, phương tiện khống chế, kịp thời khi có cháy rừng xảy ra . Đối với thôn, bản xây dựng tổ đội quần chúng bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng gồm lực lượng là các chủ rừng, chủ hộ nhận khoán bảo vệ rừng, do trưởng thôn, bản chỉ huy.
Cán bộ xã, thôn, bản được tập huấn nghiệp vụ về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng do cơ quan chuyên môn tổ chức. Các chủ nhận khoán rừng xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Bố trí đủ lực lượng, phương tiện để thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừngtrong việc tổ chức tuần tra bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừngtrên diện tích rừng mình quản lý.
Hiện nay là thời điểm nắng nóng kéo dài, cảnh báo cháy rừng luôn ở cấp III, IV có lúc lên đến cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Những ngày này, Huyện chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ tăng cường kiểm tra và chỉ đạo các địa phương có rừng, đôn đốc chủ rừng, chủ hộ nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện tốt các biện pháp PCCCR. Quản lý chặt chẽ tình hình hoạt động nương rẫy ở các nơi có rừng, hạn chế số lượng người ra vào rừng trong những ngày nắng nóng. Tạo thế chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bài, ảnh: Trần Dũng