Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền, sự tham gia vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông ngày càng được nâng cao. Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo kết quả của ngành Công an, tai nạn giao thông hàng năm trên địa bàn huyện Nho Quan đều được kiềm chế, giảm tối đa. Năm 2012, qua kiểm tra trật tự an toàn giao thông, công an huyện đã phát hiện, xử lý 6.161 trường hợp vi phạm, phạt tiền 834,27 triệu đồng, tạm giữ 1.583 lượt phương tiện… So với năm 2002, tai nạn giao thông năm 2012 đã giảm 60% số vụ, giảm 70,6% số người chết và giảm 80% số người bị thương.
Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng, song việc thực hiện một số giải pháp về đảm bảo trật tự an toàn giao thông vẫn còn những tồn tại, đó là: Một số cấp ủy Đảng cơ sở còn chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở có nơi, có lúc còn hạn chế, nhất là công tác quản lý hành lang an toàn giao thông.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa thực sự được duy trì thường xuyên; kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập; lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông tuy đã được quan tâm củng cố nhưng còn mỏng, mới duy trì kiểm tra được ở một số tuyến đường, địa bàn chính…
Trong thời gian tới, trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, vẫn là nỗi lo của mỗi người, mỗi gia đình khi tham gia giao thông và là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Do vậy, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cần phải có sự chuyển biến quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa cả về nhận thức và hành động.
Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông" và Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 05/12/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Huyện ủy Nho Quan đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư nhằm phổ biến, quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư đến từng chi bộ đảng, cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm về tầm quan trọng của công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nguy cơ thiệt hại do tai nạn và ùn tắc giao thông gây ra.
Qua đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông; phấn đầu hằng năm tiếp tục kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông từ 7% đến 15% trên cả 3 tiêu chí.
Để đạt được mục tiêu trên các cấp ủy Đảng phải tập trung chỉ đạo trực tiếp, toàn diện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của mình. Từ đó đề ra các nghị quyết, chương trình hành động để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư.
Việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông sẽ là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên và là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên. Nghiêm cấm mọi sự can thiệp vào việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm chính về tình hình, kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở ngành, địa phương mình.
Đối với các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông với nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội.
Gắn việc xây dựng "văn hóa giao thông" vào nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Chú ý biểu dương gương người tốt, việc tốt đi đôi với phê phán, lên án các hành vi cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các trường học. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong giáo dục, nhắc nhở học sinh tự giác chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông và tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm.
Trong quá trình thực hiện các cấp ủy, chính quyền địa phương phải từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, tập trung các nguồn lực để đầu tư thực hiện các chiến lược phát triển giao thông vận tải, giao thông đô thị. Thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời các bất hợp lý trong tổ chức giao thông và khắc phục ngay các "điểm đen" trên cả các tuyến đường bộ và đường thủy.
Nguyễn Phương Thảo
(Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình)