Ông Bùi Xuân Đỉnh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan cho biết: Tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng, điện giật, súc vật cắn, ngã, ngộ độc… là những tai nạn thương tích thường xảy ra với trẻ em. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước chiếm tỷ lệ lớn hơn và thường rơi vào nhóm trẻ dưới 14 tuổi. Qua khảo sát các vụ tai nạn đuối nước cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thương tâm, trong đó có sự bất cẩn và thiếu trách nhiệm của người lớn. Nhiều gia đình do bất cẩn trong việc san lấp hố trong vườn sau khi sử dụng, không đậy nắp giếng, bể, hố ga; nhiều công trình xây dựng dở dang… đã vô tình để con em mình phải đối mặt với nguy hiểm.
Bên cạnh đó, do đặc thù của Nho Quan là có nhiều ao hồ, sông…, trong khi đó, hệ thống rào chắn bảo vệ, biển báo, biển cấm thì hầu như không có nên nguy cơ gây tai nạn đuối nước trẻ em là điều không tránh khỏi. Mặc khác, các cấp, các ngành và chính bản thân trẻ em còn xem nhẹ vấn đề tử vong do đuối nước. Từ mặt nhận thức còn hạn chế dẫn đến việc giải quyết vấn đề đuối nước cho trẻ em chưa được chú trọng, thiếu các biện pháp phòng ngừa.
Xác định được những nguyên nhân gây tai nạn thương tích trẻ em, thời gian qua, huyện Nho Quan đã tích cực triển khai mô hình "Phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ". Mô hình được triển khai nhằm mục đích nâng cao nhận thức và hành động cho cán bộ quản lý, cộng đồng, gia đình và trẻ em về phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ. Qua đó, đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ trẻ em bị thương tích.
Để mô hình được triển khai có hiệu quả, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Đài truyền thanh huyện tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em thông qua mạng lưới tuyên truyền viên, cộng tác viên cơ sở, tuyên truyền trên panô, áp phích…, mô hình "Phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ" đã đến với cộng đồng dân cư, các trường học.
Ngoài hỗ trợ xây dựng biển báo, biển cấm tại các ao hồ có nguy cơ xảy ra đuối nước cho trẻ em, huyện còn hỗ trợ mở lớp tập bơi cho trẻ, tổ chức hội thi vẽ tranh về "Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em".
Bên cạnh đó, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội còn phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các trường học tổ chức các hoạt động lồng ghép như: Tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nói chuyện chuyên đề truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích; tập huấn sơ cứu ban đầu cho các em.
Huyện còn vận động các cán bộ, đảng viên, nhân dân, đơn vị ký cam kết thực hiện xây dựng "Ngôi nhà an toàn", "Trường học an toàn"… để tạo tiền đề cho công tác xây dựng cộng đồng an toàn, tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích tại địa bàn dân cư.
Các Trạm y tế xã đã củng cố các phương tiện, trang thiết bị để xử lý kịp thời các tai nạn thương tích xảy ra trên địa bàn. Với những hoạt động truyền thông tích cực này, đến nay, toàn huyện có hàng nghìn gia đình ký cam kết "Ngôi nhà an toàn" cho trẻ, 100% trường học ký cam kết xây dựng "Trường học an toàn" cho trẻ.
Ông Bùi Xuân Đỉnh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan khẳng định: Trong thời gian tới, để xây dựng thành công cộng đồng an toàn, thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng ngừa tai nạn thương tích, huyện sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong việc phòng, chống tai nạn thương tích, góp phần giảm tỷ lệ tai nạn thương tích ở trẻ xuống mức thấp nhất. Vì vậy, năm 2012, số trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích (đuối nước, tai nạn giao thông...) giảm đáng kể, chỉ còn 7 trường hợp.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng và gia đình trong việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, tạo môi trường an toàn cho trẻ em. Và quan trọng hơn nữa, các bậc phụ huynh cần quản lý, giám sát thường xuyên hơn về địa điểm, thời gian cũng như các loại hình hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ, nhất là vào dịp nghỉ hè. Bởi trẻ chỉ được bảo vệ an toàn khi mỗi gia đình thực sự là "ngôi nhà an toàn" cho trẻ.
Thu Hằng