Đầu xuân, về xã Thạch Bình thưởng thức âm thanh vang vọng của những tiếng cồng chiêng mới có thể cảm nhận hết được không khí rộn ràng của lễ hội mùa xuân. Thạch Bình là địa phương còn lưu giữ được khá nguyên bản nét đẹp văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường trong cuộc sống thường ngày của bà con nơi đây. Từ xa xưa, người Mường nơi đây đã thổi hồn cho cồng chiêng và sáng tác ra những điệu nhạc mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình. Việc gìn giữ và phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng đối với người dân tộc ở Thạch Bình đã được lưu truyền qua các thế hệ. Bà con nơi đây thường sử dụng cồng chiêng trong các lễ hội làng, trong các buổi biểu diễn văn nghệ và đặc sắc hơn hẳn là sử dụng cồng chiêng trong các điệu hát sắc bùa chúc tết vào đầu năm…
Thạch Bình duy trì hoạt động thường xuyên của đội cồng chiêng của xã gồm khoảng 20 thành viên. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, hội làng, kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước hay các buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng của huyện không thể thiếu được tiếng cồng đặc trưng của đồng bào Mường ở Thạch Bình. Ông Quách Thiện Lai, 85 tuổi, người đã gìn giữ và lưu truyền những giá trị đặc sắc của những bài biểu diễn cồng chiêng ở thôn Đồi Bồ cho biết: Đối với những người cao tuổi nơi đây, cồng chiêng là một di sản văn hóa rất đặc biệt, vì vậy, việc bảo vệ và phát huy giá trị là điều vô cùng ý nghĩa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của bà con dân tộc. Ngoài việc chung tay gìn giữ và bảo tồn văn hóa cồng chiêng, ông Lai thường xuyên tuyên truyền lại cho thế hệ sau hiểu rõ thêm về giá trị và bản sắc văn hóa riêng của người dân tộc nơi đây. Với bà con nơi đây, tuy cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng người dân trong xã luôn gìn giữ cồng chiêng như một báu vật trong gia đình và coi đó là nét đẹp văn hóa truyền thống. Chị Quách Thị Vị- là con của ông Quách Thiện Lai đã ý thức rõ trách nhiệm của người con xứ Mường với việc bảo tồn văn hóa dân tộc mình, vui mừng cho biết: Tôi được bố truyền lại cho cồng chiêng, một trong những đạo cụ quý nhất đối với gia đình. Chính vì vậy, cồng chiêng bao giờ cũng được chị treo ở vị trí cao và trang trọng, được giữ gìn qua các thế hệ.
Nho Quan hiện có dân số trên 145 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm khoảng 16%. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành làng bản, tập trung ở 8/27 xã của huyện, gồm: Xích Thổ, Thạch Bình, Yên Quang, Văn Phương, Kỳ Phú, Cúc Phương, Phú Long, Quảng Lạc. Nho Quan cũng là địa phương còn lưu giữ đa dạng bản sắc văn hóa truyền thống như văn hóa cồng chiêng, hát đúm, hát ru, hát sắc bùa của bà con dân tộc Mường. Hiện toàn huyện có trên 300 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 42 di sản được xếp hạng (11 di tích cấp quốc gia, 31 di tích cấp tỉnh), trong đó di sản văn hóa phi vật thể "hát sắc bùa" của đồng bào Mường được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào chương trình bảo tồn khẩn cấp. UBND huyện Nho Quan đã xây dựng Đề án "Bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường giai đoạn 2011-2015" trong đó chú trọng đến công tác phục dựng lại nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cồng chiêng và tạo không gian sinh hoạt văn hóa cồng chiêng cho đồng bào Mường.
Để những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa Mường không bị mai một theo thời gian, huyện Nho Quan quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo tồn. Trong đó huyện chú trọng tới công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm giúp đồng bào Mường hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời gắn kết việc bảo tồn văn hóa dân tộc với các phong trào thi đua, phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Đặc biệt, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường được phát động rộng khắp ở các khu dân cư đã thu được hiệu quả thiết thực. Nhiều xã đã thành lập được đội cồng chiêng như Thạch Bình, Kỳ Phú, Cúc Phương, Quảng Lạc. Các đội cồng chiêng không chỉ giữ lại hồn văn hóa cho bản làng mà còn giúp nó ngân mãi trong cộng đồng khi tham gia các chương trình, hội diễn văn nghệ của huyện, của tỉnh.
Công tác bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội của đồng bào dân tộc Mường được triển khai có hiệu quả. Hàng năm, huyện tổ chức các hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp huyện đều khuyến khích các xã có đồng bào dân tộc Mường đưa các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào vào chương trình như hát giao duyên, hát đúm, hát ru, tấu nhạc cụ cồng chiêng. Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa phi vật thể, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể cũng được huyện quan tâm, triển khai có hiệu quả. Huyện đã xây dựng nhà sàn là không gian sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mường ở bản Xanh (xã Kỳ Phú), bản Đồng Trung (xã Quảng Lạc), nhà văn hóa thôn Đàm Rừng (xã Thạch Bình), bản Vóng (xã Kỳ Phú) và sửa chữa, phục dựng lại nhà sàn truyền thống của xã ở thôn Nga 2 (xã Cúc Phương) làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường ở Cúc Phương… Hiện 7/8 xã có đồng bào dân tộc sinh sống đã xây dựng được nhà văn hóa xã (còn xã Yên Quang chưa có nhà văn hóa xã), 100% thôn, bản có nhà văn hóa thôn bản.
Bài, ảnh: Hồng Vân