Thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, Đề án của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo, thời gian qua huyện Nho Quan đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức, tư tưởng của người dân vươn lên thoát nghèo bằng chính nghị lực của bản thân.
Hiện tại việc giảm nghèo ở Nho Quan vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn. Số hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2007 còn 17,7%, là huyện có tỷ lệ cao trong toàn tỉnh, số hộ nghèo có khó khăn về nhà ở vẫn còn nhiều…
Đây là vấn đề được các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội quan tâm và có giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu đề ra, mà trọng tâm là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt là 9 xã nghèo trọng điểm: Gia Sơn, Thạch Bình, Kỳ Phú, Phú Long, Văn Phong, Văn Phương, Quảng Lạc, Thanh Lạc, Thượng Hòa và một số xã khác.
Ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân tiến hành điều tra số hộ nghèo và nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, để từ đó có giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của huyện bằng nhiều giải pháp thiết thực như: Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, trợ giúp đối tượng xã hội vươn lên thoát nghèo.
Đồng thời chỉ đạo các xã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, mở rộng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống; thực hiện thắng lợi 3 vụ trồng trọt trong năm nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng mức thu nhập bình quân của toàn xã hội, trong đó có các hộ nghèo.
Gạch tuynen xuất xưởng của Nhà máy gạch Phú Sơn. Ảnh: Kim Duyên
Từ nguồn kinh phí của tỉnh (740 triệu đồng), huyện thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, các xã nghèo như: hỗ trợ giống, vốn để phát triển một số mô hình nuôi gà thả vườn, lợn, thủy sản, phát triển và mở rộng các mô hình trồng gấc cao sản, củ mài, khoai sọ, lạc tiên ở các xã Gia Sơn, Thạch Bình, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc; hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu cho hộ nghèo làm lúa tái sinh, mô hình chuyển đổi sang cá - lúa ở vùng đồng chiêm trũng tại các xã Sơn Thành, Thanh Lạc, Thượng Hòa… và cho phép các xã miền núi có diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển sang rừng kinh tế, tạo điều kiện cho các hộ có thu nhập từ rừng. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được trên 350 ha tại xã Thạch Bình, Xích Thổ, Phú Long, Kỳ Phú, Quảng Lạc, Quỳnh Lưu.
Hộ gia đình chị Thân Thị Mai Chinh, thôn Đồi Mây (xã Thạch Bình) với 10 ha rừng đã cải tạo, phát triển theo mô hình kinh tế tổng hợp: 4 ha vườn rừng trồng cây keo, 4 ha ao thả cá, 2 ha chuồng trại nuôi hơn 3.000 con lợn nái hậu bị… hàng năm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nghèo và lao động nông thôn thường xuyên được quan tâm. Thông qua các tổ chức Hội: Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội CCB… phối hợp tổ chức đào tạo nghề: May công nghiệp; thủ công mỹ nghệ (mộc, mây tre đan, thêu ren, bèo bồng); trồng nấm rơm ở các xã Thanh Lạc, Thượng Hòa, Sơn Thành, Văn Phong; nghề làm tăm hương ở các xã Kỳ Phú, Thạch Bình, Gia Sơn, Văn Phương, Quảng Lạc, Phú Long, Xích Thổ; nghề gốm Gia Thủy… đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động lúc nông nhàn.
Công tác xuất khẩu lao động đang là một trong các giải pháp giảm nghèo ở Nho Quan. Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Hội CCB, Đoàn thanh niên có vai trò lớn trong lựa chọn địa chỉ xuất khẩu tin cậy để tư vấn, giới thiệu cho người lao động và huy động hỗ trợ vốn cho người nghèo vay xuất khẩu lao động. Đồng chí Đinh Xuân Khuông, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp được Hội chú trọng để giải quyết việc làm cho con em nông dân lúc nông nhàn và có nhu cầu đi lao động xuất khẩu có thời hạn ở các nước.
Hội đã phối hợp với Tỉnh hội, Công ty Colecto thuộc T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tư vấn cho 27 cơ sở Hội, đã có 10 cháu đang học tiếng và hướng nghề tại Hà Nội, 67 cháu học tiếng để tuyển chọn đi lao động tại Hàn Quốc. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tổ chức cho 74 người đi lao động ở thị trường các nước Malaixia, Đubai, Quata, bước đầu có thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.
Theo báo cáo của Phòng Lao động - TB&XH huyện, đến nay đã giải quyết cho 995 hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền là 7 tỷ 542 triệu đồng; 620 hộ nghèo biết cách làm ăn được vay vốn đầu tư nuôi lợn, trâu, bò… với tổng số tiền là 3 tỷ đồng, lãi suất tiền vay được hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh, huyện.
Ngoài ra còn phối hợp các tổ chức đoàn thể, Ngân hàng Chính sách hướng dẫn nhiều hộ nghèo cách làm ăn, tạo điều kiện cho nông dân nghèo vay vốn, từng bước thoát nghèo. Năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 24,4%, năm 2007 giảm xuống còn 17,7%, phấn đấu năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 15%, chống tái nghèo và năm 2010 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 12%.
Huyện Nho Quan đang tập trung các nguồn lực, phối hợp lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình dự án để đầu tư xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm, chợ và các công trình khác… đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến các xã nghèo trọng điểm.
Đức Lam